Giáo án Ngữ văn 8 tiết 62 bài 16: Hướng dẫn đọc thêm văn bản: Muốn làm thằng cuội - Tản Đà

Giáo án Ngữ văn 8 tiết 62 bài 16: Hướng dẫn đọc thêm văn bản: Muốn làm thằng cuội - Tản Đà

TIẾT 62 HƯỚNG DẪN ĐỌC THÊM VĂN BẢN

MUỐN LÀM THẰNG CUỘI

- Tản Đà -

1. Mục tiêu: Giúp HS:

 a) Về kiến thức: Hiểu được tâm sự của nhà thơ lãng mạn Tản Đà: buồn chán trước thực tại đen tối và tầm thường, muốn thoát li khỏi thực tại ấy bằng một giác mộng rất “ngông”.

 Cảm nhận được cái mới mẻ trong hình thức một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật của Tản Đà: lời lẽ thật giản dị, trong sáng, rất gần với lối nói thông thường, không cách điệu, xa vời, ý tứ hàm súc, khoáng đạt, cảm xúc bộc lộ thật tự nhiên, thoải mái, giọng thơ thanh thoát, nhẹ nhàng pha chút hóm hỉnh duyên dáng.

 b) Về kĩ năng: Rèn kĩ năng phân tích thể thơ thất ngôn bát cú đúng yêu cầu.

 c) Về thái độ: Có ý thức nghiêm túc học tập bộ môn.

 

doc 6 trang Người đăng haiha30 Lượt xem 644Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Ngữ văn 8 tiết 62 bài 16: Hướng dẫn đọc thêm văn bản: Muốn làm thằng cuội - Tản Đà", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Ngày soạn: ..	Ngày dạy: . Dạy lớp 8B
	Ngày dạy: . Dạy lớp 8C 
TIẾT 62 HƯỚNG DẪN ĐỌC THÊM VĂN BẢN
MUỐN LÀM THẰNG CUỘI
- Tản Đà -
1. Mục tiêu: Giúp HS:
	a) Về kiến thức: Hiểu được tâm sự của nhà thơ lãng mạn Tản Đà: buồn chán trước thực tại đen tối và tầm thường, muốn thoát li khỏi thực tại ấy bằng một giác mộng rất “ngông”.
	Cảm nhận được cái mới mẻ trong hình thức một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật của Tản Đà: lời lẽ thật giản dị, trong sáng, rất gần với lối nói thông thường, không cách điệu, xa vời, ý tứ hàm súc, khoáng đạt, cảm xúc bộc lộ thật tự nhiên, thoải mái, giọng thơ thanh thoát, nhẹ nhàng pha chút hóm hỉnh duyên dáng.
	b) Về kĩ năng: Rèn kĩ năng phân tích thể thơ thất ngôn bát cú đúng yêu cầu.
	c) Về thái độ: Có ý thức nghiêm túc học tập bộ môn.
2. Chuẩn bị của GV và HS
	a) Chuẩn bị của GV: SGK, SGV, đồ dùng dạy học- nghiên cứu soạn giáo án.
	b) Chuẩn bị của HS: SGK, vở ghi- học bài cũ- chuẩn bị bài mới theo SGK.
3. Tiến trình bài dạy
	* Ổn định tổ chức: Sĩ số 8B: 
	Sĩ số 8C: 
a) Kiểm tra bài cũ (3’): Kiểm tra miệng.
	Câu hỏi: Đọc thuộc lòng bài thơ Đập đá ở Côn Lôn? Nêu giá trị nghệ thuật, nội dung của bài thơ?
	Đáp án: - HS đọc thuộc lòng diễn cảm bài thơ (4 điểm).
- Bài thơ làm theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, sử dụng biện pháp khoa trương, kết hợp giai điệu thơ cứng cỏi hào hùng, khẩu khí ngang tàng đã tạo nên một hình tượng nghệ thuật giàu chất sử thi gây ấn tượng mạnh mẽ (4 điểm).
- Ca ngợi vẻ đẹp của người anh hùng anh hùng cứu nước đã gặp bước gian nan nhưng vẫn không sờn lòng đổi chí (2 điểm)
* Vào bài (1’): Sau hơn mười năm đầu thế kỉ XX bước vào thời kì hiện đại hoá với những áng văn chương yêu nước nổi tiếng của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, nền văn học nước ta bước vào giai đoạn chuyển biến cực kì sôi động. Từ những năm 20 trở đi, trên văn đàn xuất hiện các nhà văn mạnh dạn đổi mới cả nội dung lẫn hình thức văn chương. Họ kết hợp những vẻ đẹp của truyền thống với yêu cầu cách tân của thời đại, sáng tác ra những tác phẩm thơ văn đặc sắc mang hơi thở của một lớp người giàu khát vọng yêu nước, yêu đời, nhưng bế tắc. Một trong những người mở đầu cho dòng văn chương này là thi sĩ Tản Đà. Tiết học này ta cùng tìm hiểu bài thơ Muốn làm thằng Cuội của ông.
 b) Dạy nội dung bài mới:
	I. ĐỌC VÀ TÌM HIỂU CHUNG (8’)	
1. Vài nét về tác giả, tác phẩm
	GV: Gọi HS đọc chú thích * SGK. T. 155.
	?TB: Nêu những hiểu biết của em về tác giả?
	Ghi:- Tản Đà (1889-1939), tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, quê Ba Vì – Hà Tây, xuất thân là nhà nho nhưng chuyển sang sáng tác văn chương Quốc ngữ và sớm nổi tiếng. Thơ ông tràn đầy cảm xúc lãng mạn, đậm đà bản sắc dân tộc, có sáng tạo mới mẻ. Ông thành công ở các lĩnh vực: tản văn, tuỳ bút, tự truyện,
	GV: Tản Đà vốn xuất thân nhà nho nhưng lại sống giữa thời buổi nho học đã tàn tạ, từng hai phen lều chõng đi thi nhưng không đỗ. Ông chuyển sang sáng tác văn chương Quốc ngữ và sớm nổi tiếng vào những năm 20 của thế kỉ XX. Là một nghệ sĩ có tài, có tình, có các tính độc đáo, nhân cách cao thượng, ông không muốn hoà nhập với xã hội thực dân phong kiến đầy rẫy chuyện xấu xa, nhơ bẩn, bon chen danh lợi. Ông tìm cách thoát li vào rượu, vào thơ, vào cõi mộng, cõi tiên, vào lối sống phóng túng. Ông là thi sĩ Việt Nam đầu tiên dám hiện diện trong thơ với “cái tôi” sầu mộng, đa tình, ngông nghênh phớt đời, cảm thương ưu ái Tác phẩm chính: Khối tình con I, II (thơ 1917), Giấc mộng con I (tiểu thuyết 1917), Thề non nước (tiểu thuyết, 1920),
	?TB: Nêu xuất xứ bài thơ?
	Ghi: Bài thơ nằm trong quyển Khối tình con I - xuất bản năm 1917.
	2. Đọc văn bản
	GV: Cần đọc bài thơ với giọng nhịp nhàng, vừa phải bộc lộ tâm trạng buồn chán của nhân vật trữ tình; bốn câu cuối giọng vẻ bất cần.
	GV: Đọc mẫu, gọi 2 HS đọc, GV nhận xét, uốn nắn.
	?KH: Bài thơ viết theo thể thơ nào? Có gì đáng lưu ý?
	HS: Viết theo thể thất ngôn bát cú, đúng luật song bộc lộ rõ phong cách mới mẻ của tác giả cười cợt, ngông.
	II. PHÂN TÍCH (25’)
	1. Hai câu thơ đầu (6’)
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi,
	?KH: Hình thức thể hiện và giọng điệu trong hai câu thơ đầu có gì độc đáo?
	HS: Hai câu thơ đầu gồm một câu cảm thán có mục đích biểu cảm và một câu tự sự có mục đích giãi bày, sử dụng nghệ thuật nhân hoá vầng trăng và hai đại từ nhân xưng “chị”, “em” tạo ra mối quan hệ, thân mật mà dân dã, đúng quan hệ để tâm sự, sẻ chia nỗi niềm=>tạo nên giọng điệu thơ man mác như một tiếng thở dài, một lời than thở, một tâm trạng.
	?TB: Nhà thơ đã chọn thời điểm nào để bộc bạch nỗi niềm? Nỗi niềm đó được bộc bạch qua những từ ngữ nào?
	HS: Chọn thời điểm “đêm thu” để bộc lộ nỗi niềm. Nỗi niềm ấy thể hiện qua các từ ngữ biểu cảm “buồn lắm” và “chán nửa rồi”.
	?KH: Tại sao tác giả lại chọn thời điểm đêm thu để bày tỏ nỗi niềm? Em hiểu gì về nỗi “buồn lắm” và “chán nửa rồi” của nhà thơ?
	HS: Chọn thời điểm đêm thu để bộc lộ nỗi niềm vì cảnh thu buồn, đêm thu thanh vắng chính là lúc hồn người sâu lắng, nỗi buồn thi sĩ mới càng chất chứa trong lòng. Nỗi buồn khi đó của Tản Đà đã lên đến cao độ, đến giới hạn cuối cùng: “buồn lắm”. Sự lòng chẳng biết ngỏ cùng ai ở trần thế nên đã bật thành một lời than, một tiếng gọi “chị Hằng ơi!”. Cái buồn đêm thu là thường tình nhưng ở Tản Đà “buồn lắm” là vì “chán nửa rồi”. Đó là nỗi buồn chán trước sự tồn vong của đất nước, của dân tộc và có cả nỗi đau nhân sinh, nỗi cô đơn bế tắc của một kiếp người “Tài cao phận thấp, chí khí uất”. Bởi thế mà Tản Đà cảm thấy bất hoà sâu sắc với xã hội và muốn thoát li khỏi cuộc đời đáng chán nản. Bởi vậy, có thể nói hai câu thơ đầu là:
Ghi: Lời tâm sự với chị Hằng về nỗi buồn chán, bất hoà sâu sắc trước thực tại.
2. Bốn câu thơ giữa (12’)
- Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu có bạn can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây thế mới vui.
?G: Nhận xét luật bố cục và đối xứng Đường thi được thể hiện trong 4 câu thơ giữa?
	HS: 4 câu thơ giữa đã phạm luật, không đúng nội dung của hai câu thực (tả thực) và hai câu luận (suy luận mở rộng), từng cặp câu cũng chưa thật đối nhau trong ngôn từ và ý nghĩa. Song đọc lên ta vẫn thấy ngôn ngữ trôi chảy, ý tứ khoáng đạt, hồn thơ phát triển tự nhiên, gắn bó hài hoà với hai câu thơ đề. Đó là những dòng cách tân Đường luật để ý tình được tung phá, cái tôi thi sĩ được bay bổng tự nhiên.
?KH: Hình thức và giọng điệu của hai câu thực có gì đặc biệt? Còn có hình ảnh nào gây sự chú ý với em không? Vì sao?
HS: Hai câu thực có một câu hỏi và một lời cầu xin. Giọng điệu thật tự nhiên, thản nhiên, lời thơ giản dị như một lời nói cửa miệng mà lại vẫn rất thơ. Các chi tiết hình ảnh “cung quế, cành đa, ai ngồi đó” gợi truyền thuyết sự tích mặt trăng và chú Cuội cung trăng. Vì trên mặt trăng có cây đa nên nhà thơ mới gợi ý xin chị Hằng thả một cành đa xuống nhắc mình lên chơi với chị.
GV: Thật là mơ mộng và cũng thật là tình tứ, tâm hồn lãng mạn của thi nhân đã tìm được một địa điểm thoát li lí tưởng và tuyệt đối, bởi lên đến đấy là có thể hoàn toàn xa lánh được cái “cõi trần nhem nhuốc” mà ông đã chán ghét. Nhưng khát vọng của Tản Đà không chỉ là trốn chạy và xa lánh. Đi vào cõi mộng, thi sĩ vẫn mang theo đầy đủ bản tính đa tình và “ngông” của mình, vẫn muốn được sống một cuộc sống đích thực với những niềm vui mà ở cõi trần ông không bao giờ tìm thấy.
?KH: Nhịp thơ cùng từ ngữ và âm điệu trong hai câu luận có gì độc đáo? Có thể thấy điều gì trong tâm trạng thi nhân lúc đó?
HS: Hai câu luận chuyển từ nhịp 4/3 sang nhịp 2/2/3, sử dụng điệp từ “có, cùng” nhấn mạnh cái được của thi sĩ khi lên đến cung trăng đó là được gặp chị Hằng, chú Cuội, được bầu bạn với gió, với mây. Hai cụm từ “can chi tủi” và “thế mới vui” thể hiện rõ tâm trạng thoả thuê quên hết nỗi buồn khổ nơi trần gian để tìm nguồn vui nơi tiên giới. Âm điệu của ngôn từ như ngân lên pha chút hóm hỉnh, cười đùa, ngông nghênh mà rất tình tứ.
GV: Trong cõi trần, Tản Đà luôn cảm thấy buồn vì sự trống vắng, cô đơn và luôn khắc khoải đi tìm những tâm hồn tri kỉ “chung quanh những đá cùng cây - Biết người tri kẻ đâu đây mà tìm”; luôn ao ước được thả hồn cùng mây gió (Kiếp sau xin chớ làm người – Làm đôi chim nhạn tung trời mà bay). Giờ đây lên cung Quế, Tản Đà được sánh vai bầu bạn với người đẹp Hằng Nga, được vui chơi thoả chí cùng mây gió. Còn gì thú vị hơn và làm sao có thể cô đơn, sầu tủi được. Cảm hứng lãng mạn của Tản Đà mang đậm dấu ấn thời đại và đi xa hơn người xưa là ở chỗ đó.
?KH: Nhiều người đã nhận xét một cách xác đáng rằng, Tản Đà là một hồn thơ “ngông”. Em hiểu “ngông” nghĩa là gì?
HS: Ngông có nghĩa là làm những việc trái với lẽ thường, khác với mọi người bình thường.
GV: Tản Đà là một hồn thơ “ngông”, chính Tản Đà đã tự nhận mình vốn xưa là một vị tiên trên trời, bị đày xuống hạ giới vì tội “ngông”, đã từng viết bài thơ “Dạm bán áo đoạn” để mà “mua giấy viết ngông”. Ngông có nghĩa là làm những việc trái với lẽ thường, khác với mọi người bình thường. Ngông trong văn chương thường biểu hiện bản lĩnh của con người có cá tính mạnh mẽ, có mối bất hoà sâu sắc với xã hội, không chịu ép mình trong khuôn khổ chật hẹp của lễ nghi, lề thói thông thường, lấy sự ngông ngạo để chống đối lại cái vòng cương toả khắc nghiệt đang kìm hãm sự phát triển hợp quy luật của con người. Ngông là sản phẩm của xã hội phong kiến chuyên chế, không tôn trọng cá tính con người. Ví dụ: Nguyễn Công Trứ lấy mo cau che đít bò đủng đỉnh cưỡi lên chùa trong Bài ca ngất ngưởng, Tú Xương tìm đến lối sống của chú Mán “Không đội nón, chịu màu da dãi nắng - chẳng nhuộm răng, để trắng dễ cười đời” trong bài Bần nhi lạc.
?KH: Em hiểu như thế nào về cái ngông của Tản Đà thể hiện trong hai câu đầu và bốn câu thơ này?
HS: Tản Đà đã ngông khi chọn cách xưng hô thân mật, thậm chí hơi suồng sã với chị Hằng, khi dám lên tận trời cao, tự nhận mình là tri kỉ, tri âm, xem chị Hằng như một người bạn tâm tình để giãi bày mọi nỗi niềm sâu kín. Tản Đà cũng rất ngông trong ước nguyện “muốn làm thằng Cuội”.
?KH: Cảm nhận của em về nội dung bốn câu thơ giữa?
Ghi: Thi sĩ khát vọng được thoát li lên cung trăng làm bạn với chị Hằng.
3. Hai câu thơ cuối (7’)
- Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám,
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
?TB: Em nhận xét thế nào về hình ảnh thơ được xây dựng ở hai câu kết?
HS: Xây dựng hình ảnh tưởng tượng lãng mạn, kì thú.
?KG: Phân tích hình ảnh tưởng tượng lãng mạn trong hai câu kết? Em hiểu cái cười ở đây có ý nghĩa gì?
HS: Hai câu cuối, mạch cảm xúc lãng mạn và ngông được đẩy lên đến cao độ bằng một hình ảnh tượng đầy bất ngờ và ý vị của Tản Đà. Đêm Trung thu trăng sáng, đẹp, người người đều ngẩng đầu chiêm ngưỡng trăng thì nhà thơ lại đang ngồi trên cung trăng, tựa vào vai chị Hằng Nga để cùng ngắm thế gian và cười. Cái cười ở đây có thể có cả hai ý nghĩa, vừa thoả mãn vì đã đạt được khát vọng thoát li mãnh liệt, đã xa lánh hẳn được cõi trần bụi bặm, vừa thể hiện sự mỉa mai, khinh bỉ cái cõi trần gian giờ đây chỉ còn là “bé tí” khi mình đã bay bổng được lên trên nó. Đó là đỉnh cao của hồn thơ lãng mạn và ngông của Tản Đà.
Ghi: Thi sĩ thích thú vì đã xa lánh hoàn toàn cõi đời bụi bặm, đáng chán.
GV: Trong chiều sâu của giấc mộng rất ngông ấy là một khát vọng thoát li mãnh liệt và cả sự thích thú vì đã xa lánh hoàn toàn cõi đời bụi bặm đáng chán ấy.
?KG: Theo em những yếu tố nghệ thuật nào đã tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ?
HS: Nguồn cảm xúc mãnh liệt, dồi dào, vừa phóng túng, bay bổng, lại vừa sâu lắng, thiết tha, được biểu hiện một cách tự nhiên, thoải mái, nhuần nhị như giọng tâm tình thân mật với người bạn tri kỉ, tri âm. Lời lẽ giản dị, trong sáng, không gọt đẽo cầu kì mà vẫn mượt mà, ý nhị, giàu sức biểu cảm, lại rất đa dạng trong lối biểu hiện (khi than, khi nhắn hỏi, khi cầu xin). Sức tưởng tượng phong phú, táo bạo đã tạo ra được một giấc mộng kì thú với những chi tiết gợi cảm và bất ngờ.
III. TỔNG KẾT - GHI NHỚ (5’)
?TB: Nêu nghệ thuật và nội dung đặc sắc của bài thơ?
Ghi:- Sức hấp dẫn của bài thơ là ở hồn thơ lãng mạn pha chút ngông nghênh đáng yêu và những tìm tòi đổi mới thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật cổ điển.
- Bài thơ là tâm sự của một con người bất hoà sâu sắc với thực tại tầm thường, xấu xa, muốn thoát li bằng mộng tưởng lên cung trăng để bầu bạn với chị Hằng.
 GV: Gọi HS đọc ghi nhớ SGK. T. 157.
c) Củng cố, luyện tập (2’):
	?: Em có nhận xét gì về luật bố cục và đối xứng Đường thi được thể hiện trong 4 câu thơ giữa?
	HS: 4 câu thơ giữa đã phạm luật, không đúng nội dung của hai câu thực (tả thực) và hai câu luận (suy luận mở rộng), từng cặp câu cũng chưa thật đối nhau trong ngôn từ và ý nghĩa. Song đọc lên ta vẫn thấy ngôn ngữ trôi chảy, ý tứ khoáng đạt, hồn thơ phát triển tự nhiên, gắn bó hài hoà với hai câu thơ đề. Đó là những dòng cách tân Đường luật để ý tình được tung phá, cái tôi thi sĩ được bay bổng tự nhiên.
c) Hướng dẫn học sinh tự học ở nhà (1’):
	- Học thuộc lòng bài thơ, học thuộc ghi nhớ.
	- Tiết tới soạn Ôn tập Tiếng Việt. Yêu cầu:
	+ Phần từ vựng ôn toàn bộ các đơn vị kiến thức nêu ở câu 1 mục I; làm đề cương, lấy được ví dụ về các đơn vị kiến thức đó.
	+ Phần ngữ pháp ôn toàn bộ kiến thức nêu ở câu 1 mục II; làm đề cương, lấy được ví dụ về các đơn vị kiến thức đó.

Tài liệu đính kèm:

  • docTiet 62 bai 16.doc