Đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức kỹ năng

Đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức kỹ năng

 Trước những yêu cầu của xã hội, thời đại và sự phát triển của khoa học kỹ thuật, mục tiêu dạy học của môn Ngữ văn ngày nay không đơn thuần chỉ là cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng văn học cho học sinh mà qua đó phải góp phần cùng với các môn học khác đào tạo ra những con người có năng lực, hành động giải quyết những tình huống, vấn đề của đời sống xã hội. Vì vậy, kiểm tra đánh giá học sinh nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc dạy học văn học ở các trường THCS. Chất lượng dạy học văn học được nâng cao thể hiện ở chỗ: học sinh tiếp thu bài học tốt hơn, nắm vững kiến thức văn học hơn, việc đổi mới kiểm tra đánh giá môn văn học sẽ tạo ra quá trình dạy học văn học chất lượng tốt hơn, một hiệu quả cao hơn so với kiểm tra đánh giá cũ.

doc 5 trang Người đăng haiha30 Lượt xem 965Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức kỹ năng", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỔI MỚI KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH THEO CHUẨN KIẾN THỨC KỸ NĂNG
| | | | | | |
 Trước những yêu cầu của xã hội, thời đại và sự phát triển của khoa học kỹ thuật, mục tiêu dạy học của môn Ngữ văn ngày nay không đơn thuần chỉ là cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng văn học cho học sinh mà qua đó phải góp phần cùng với các môn học khác đào tạo ra những con người có năng lực, hành động giải quyết những tình huống, vấn đề của đời sống xã hội. Vì vậy, kiểm tra đánh giá học sinh nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc dạy học văn học ở các trường THCS. Chất lượng dạy học văn học được nâng cao thể hiện ở chỗ: học sinh tiếp thu bài học tốt hơn, nắm vững kiến thức văn học hơn, việc đổi mới kiểm tra đánh giá môn văn học sẽ tạo ra quá trình dạy học văn học chất lượng tốt hơn, một hiệu quả cao hơn so với kiểm tra đánh giá cũ. 
 * ƯU VÀ NHƯỢC ĐIỂM TRONG VIỆC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ
 Sau những năm thực hiện việc đổi mới PPDH tại các trường THCS bước đầu đem lại những khởi sắc trong việc xây dựng đội ngũ giáo viên có khả năng làm chủ phương pháp mới một cách thành thạo, tạo bước đột phá trong giảng dạy và học tập.
 So với các năm trước, ngày càng có nhiều HS chứng tỏ được bản lĩnh tự tổ chức và làm chủ quản lý các hoạt động học tập. Khả năng tự học, làm việc độc lập và tư duy sáng tạo đang bộc lộ rõ thiên hướng tốt. Điều này chứng tỏ việc chỉ đạo và thực hiện đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình và PPDH thực sự là nhu cầu cần thiết. Tuy nhiên, trong khi PPDH đã và đang được thay đổi trong quá trình cải cách thì việc KTĐG kết quả học tập vẫn đứng ngoài vòng quỹ đạo, nếu có thì cũng chưa tiến hành song song. Một vài thay đổi đang được thử nghiệm còn nghiêng về phần kỹ thuật của KTĐG, nhìn chung cách đánh giá hiện nay vẫn nặng về kiến thức sách vở, mang tính hàn lâm chủ yếu đang dừng ở mức nhớ và tái hiện kiến thức. Chu kỳ đánh giá chỉ chú trọng điểm cuối của quá trình dạy - học, mục đích của KTĐG vẫn để phục vụ quản lý như xếp loại HS, xét lên lớp, cấp chứng chỉ Trong khi đó, chức năng cung cấp thông tin phản hồi cho HS và giáo viên về quá trình dạy - học của KTĐG vẫn bị coi nhẹ chưa được chú trọng ở mọi môn học, mọi trình độ và các cấp quản lý. Có thể đơn cử, việc HS đăng ký thuyết trình về bài học mới kết hợp với sử dụng CNTT đã xuất hiện ngày càng nhiều chứ không còn đơn lẻ như trước đây. Các em chịu khó và siêng năng hơn trong việc sưu tầm tư liệu, tìm kiếm hình ảnh trên mạng để phục vụ cho bài học. Ở trên lớp HS tích cực, năng động trong giờ học, mạnh dạn phát biểu, biết bày tỏ suy nghĩ, cảm thụ của bản thân. Mật độ thảo luận nhóm, vẽ sơ đồ tư duy sau mỗi bài học, đến nhà nhau để học nhóm chuẩn bị cho bài mới hay để ôn tập cuối kỳ đã được HS thực hiện dày đặc hơn. Điều đó đã trở thành không khí học tập sôi nổi, giúp HS nâng cao chất lượng học tập và nghiên cứu.
 Nếu như trước đây, người thầy khi dạy học phần nhiều sử dụng phấn trắng bảng đen cùng với lời giảng bài, thậm chí chỉ đọc chép, thì nay việc đổi mới PPDH và KTĐG đã giúp hỗ trợ thêm cho người dạy các trang thiết bị dạy học hiện đại, cũng như việc ra đề kiểm tra một cách khoa học, đã giúp tiết học trở nên sinh động.
Cụ thể, đối với bộ môn Ngữ văn, giờ học trên lớp không còn thuần túy là tiết học chỉ có một mình giáo viên làm việc, người dạy học không chỉ “diễn kịch một mình” nói thao thao bất tuyệt để giảng bài cho HS mà là người hướng dẫn HS phương pháp, cách thức phát hiện, tìm hiểu để nắm bắt kiến thức của bài học mới. Người thầy trở thành người đối thoại với HS, cùng với HS như một người bạn đồng hành từ đầu đến cuối buổi học. Kết hợp với việc sử dụng đồ dùng dạy học, đưa CNTT vào tiết học và sử dụng ở mức độ ít, nhiều hoặc thay thế hoàn toàn bảng đen phấn trắng phụ thuộc vào nội dung của từng bài học và do sự vận dụng linh hoạt của giáo viên.
 Việc đổi mới KTĐG giúp người giáo viên nhận biết rõ trình độ học tập của HS để điều chỉnh phương pháp dạy học và cách thức KTĐG. Ở từng phân môn Văn - tiếng Việt - tập làm văn, giáo viên có thể linh động kết hợp với các biện pháp giảng - phát vấn, thảo luận, vẽ sơ đồ tư duy. Những bài kiểm tra chung toàn khối được nhóm thống nhất, bàn bạc kỹ trước khi ra đề.
 Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm vận dụng sơ đồ tư duy, tạo không khí để giờ học thoải mái, HS làm việc tích cực thì vẫn còn những hạn chế mà chúng tôi nhìn thấy được như: Một số tiết dạy giáo viên còn lúng túng trong việc xây dựng ma trận đề kiểm tra sau tiết dạy. Giáo viên còn làm việc nhiều, chưa mạnh dạn giao việc để phát huy hết vai trò chủ động của HS. Vẫn còn một số ít HS lúng túng trong việc vẽ bản đồ tư duy.
 Tự luận có ưu điểm phát huy được khả năng diễn đạt, kiểm tra được nhiều kỹ năng, khả năng cảm thụ, phân tích, tổng hợp đánh giá, phát triển tư duy đặc biệt là tư duy trừu tượng, phát hiện được những ý tưởng sáng tạo của học sinh, tuy nhiên cũng có không ít nhược điểm cần khắc phục như: 
Kiến thức trong bài kiểm tra hạn hẹp, đề không bao quát hết nội dung chương trình vì có ít câu hỏi, học sinh dễ trúng tủ dẫn đến kết quả cao hoặc thấp, khó kiểm tra hoặc ít phát huy khả năng phản ứng nhanh nhạy của học sinh trước những tình huống khác nhau liên tiếp xảy ra.
 Đối với người học, hình thức kiểm tra tự luận khối lượng câu hỏi ít hơn, mỗi câu hỏi bài tập có thể rơi vào một vấn đề, một mảng kiến thức nào đó. Đề bài có tổng hợp đi chăng nữa vẫn có thể có xác xuất “trúng tủ”, do vậy khi làm bài kiểm tra theo hình thức tự luận, học sinh đã có thể thành công khi học tủ. Với phạm vi bao quát của đề kiểm tra, học sinh có thể chuẩn bị tài liệu để sử dụng khi thi. Tuy nhiên với đề kiểm tra tự luận không chỉ kiểm tra được mức độ nhận biết của học sinh mà đòi hỏi ở học sinh phải thông hiểu biết, vận dụng, phân tích tổng hợp, từ đó giáo viên có thể nhận thức được về kiến thức, thái độ, hành vi và kỹ năng của học sinh. So với bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm, kết quả bài thi theo hình thức tự luận thường thấp hơn vì đòi hỏi yêu cầu cao hơn.Học sinh khó thể hiện được tính thống nhất đồng bộ giữa các lĩnh vực nhận thức trong quá trình học tập. Khó đánh giá được năng lực tư duy ở mức độ cao nhất là tư duy trừu tượng, khả năng cảm thụ giáo dục nhân văn kỹ năng giao tiếp, khả năng phân tích tổng hợp đánh giá.
 * NHỮNG KINH NGHIỆM THÔNG QUA KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ 
HỌC SINH.
 Hiện nay chúng ta đang hết sức quan tâm đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá. Có thể khẳng định đổi mới phương pháp là điều kiện quan trọng nhất để đổi mới đánh giá và ngược lại. Đổi mới đánh giá tạo động lực để đổi mới phương pháp dạy học. Việc đổi mới đánh giá giờ dạy của giáo viên, đánh giá kết quả học tập của học sinh trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng chắc chắn còn phải tiếp tục kiểm nghiệm, rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp và cho thực sự đổi mới. Yêu cầu của đánh giá xếp loại học sinh phải căn cứ và bám sát vào chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ giáo dục. Hình thức ra đề kiểm tra cũng phải thực sự đổi mới,có yêu cầu cao hơn về khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành và đặc biệt là quan tâm đến khả năng độc lập tư duy, sáng tạo của học sinh, khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Có thể nói, kiểm tra đánh giá là công cụ quan trọng chủ yếu điều chỉnh hoạt động dạy và học góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo con người theo mục tiêu.
- Đối với giáo viên- người trực tiếp thực hiện việc đổi mới kiểm tra đánh giá từ đó thúc đẩy phương pháp dạy học cần căn cứ vào chuẩn kiến thức và kỹ năng của từng vấn đề, từng mảng kiến thức của môn văn học ở từng khối lớp: yêu cầu cơ bản cần đạt về kiến thức, kỹ năng, thái độ của học sinh sau mỗi giai đoạn học tập, mỗi kỳ, mỗi lớp để thiết kế đề bài và kiểm tra, đánh giá cho phù hợp.
+ Giáo viên cần phối hợp đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, đánh giá giữa việc học kiến thức lý thuyết với việc vận dụng vào thực tế đời sống thể hiện qua thái độ, cử chỉ, hành vi của học sinh. Từ đó giáo viên đánh giá chính xác, khách quan, công bằng, kịp thời và không bỏ sót để có tác dụng giáo dục và động viên học sinh, giúp học sinh sửa chữa thiếu sót kịp thời.
+ Giáo viên khi đánh giá hoạt động dạy- học không chỉ đánh giá thành tích học tập của học sinh mà còn bao gồm đánh giá quá trình dạy học nhằm cải tiến quá trình dạy học. Chú trọng kiểm tra, đánh giá hoạt động, tình cảm của học sinh: nghĩ và làm, cần lấy thông tin phản hồi của học sinh để đánh giá quá trình dạy học.
+ Giáo viên khi đánh giá kết quả học tập của học sinh, thành tích học tập của học sinh không chỉ đánh giá kết quả cuối cùng mà chú ý cả quá trình học tập. Nội dung đánh giá có thể hơi “cao” so với trình độ học sinh nhưng không được quá khó, để kích thích sự tìm tòi, sáng tạo, hứng thú.
- Đối với học sinh: Trong quá trình học tập, đặc biệt trong thực hiện việc kiểm tra đánh giá, học sinh cùng tham gia xác định tiêu chí đánh giá kết quả học tập. Trong đó học sinh cần chú ý: Không tập trung vào khả năng tái hiện tri thức mà chú trọng khả năng vận dụng tri thức thể hiện qua việc nghĩ và làm; đồng thời đòi hỏi học sinh phải hiểu nội dung, hiểu bản chất nội dung, không chỉ thuộc kiến thức môn học một cách máy mọc.
- Nội dung việc kiểm tra, đánh giá học sinh phải bao quát được chương trình đã học.
- Đảm bảo mục tiêu dạy học: bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng và yêu cầu về thái độ ở các mức độ đã được quy định trong chương trình môn học, cấp học.
- Đảm bảo tính chính xác khoa học.
- Phù hợp với thời gian kiểm tra.
- Góp phần đánh giá chính xác, khách quan công bằng trình độ năng lực của học sinh.
 Đề kiểm tra là công cụ, phương tiện chủ yếu để đánh giá kết quả học tập của học sinh sau khi học xong một chủ đề, một chương, một học kỳ hay toàn bộ chương trình một lớp học, cấp học. Trước khi ra đề kiểm tra cần đối chiếu với các mục tiêu dạy học để xây dựng mục tiêu, nội dung và hình thức kiểm tra: xác định rõ chuẩn kiến thức kỹ năng yêu cầu thái độ trọng chương trình môn học, cấp học nhằm đánh giá khách quan trình độ năng lực của học sinh đồng thời thu thập các thông tin phản hồi để điều chỉnh quá trình dạy học và quản lý giáo dục.
 Nội dung trong đề kiểm tra phải trải rộng trong toàn bộ chương trình, có nhiều câu hỏi trong một đề, các câu hỏi của đề được diễn đạt rõ, nêu đúng và đủ yêu cầu của đề. Mỗi câu hỏi phải phù hợp với thời gian dự kiến trả lời và với số điểm dành cho câu hỏi.
 * NHỮNG KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT.
Theo hướng phát triển các phương pháp tích cực để đào tạo những con người năng động, sớm thích nghi với đời sống xã hội thì việc kiểm tra, đánh giá không thể dừng lại ở yêu cầu tái hiện các kiến thức, lặp lại các kỹ năng đã học mà phải khuyến khích trí thông minh, óc sáng tạo trong việc giải quyết những tình huống thực tế. Qua thực tế giảng dạy, trực tiếp thực hiện việc đổi mới kiểm tra, đánh giá để từ đó thúc đẩy phương pháp dạy học, chúng tôi xin có một số ý kiến đề xuất:
- Cần sử dụng phối hợp các hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá khác nhau, kết hợp giữa trắc nghiệm khách quan và tự luận.
- Hệ thống câu hỏi kiểm tra đánh giá cũng cần thể hiện sự phân hoá, đảm bảo câu hỏi bài tập đo được mức độ đạt trình độ chuẩn, phản ánh mức độ nâng cao dành cho học sinh có năng lực trí tuệ và thực hành cao.
- Tăng cường các phương thức đánh giá trong giờ, ngoài giờ, chính thức và không chính thức. Đặc biệt là môn văn học, bộ môn giáo dục chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp luật cần chú trọng đánh giá kỹ năng thực hành, thái độ hành vi của các em.
- Khi kiểm tra đánh giá cần đảm bảo đúng, đủ các tiêu chí như đánh giá được toàn diện kiến thức, kỹ năng, năng lực, thái độ, hành vi của học sinh, đảm bảo độ tin cậy khả thi, đảm bảo yêu cầu phân hoá, đảm bảo giá trị, hiệu quả cao.
- Thiết kế đề kiểm tra để đánh giá học sinh theo định hướng đổi mới đánh giá theo quy trình:
+ Xây dựng mục đích, yêu cầu của đề kiểm tra.
+ Xây dựng mục tiêu dạy- học
+ Thiết lập ma trận hai chiều
+ Thiết lập câu hỏi, bài tập theo ma trận
+ Thiết lập đáp án, biểu điểm.
Điều chỉnh cách ra đề và giải pháp mới.
- Phần trắc nhiệm đúng- sai: Chỉ gồm hai lựa chọn là đúng hoặc sai.
- Đề trắc nghiệm đúng sai phải đảm bảo: Câu trắc nghiệm phải hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai, không dùng câu trắc nghiệm có tính đúng hoặc sai phụ thuộc vào một yếu tố không ổn định hoặc không rõ ràng.
Không dùng câu phủ định đặc biệt là phủ định hai lần, tuy nhiên kiểm tra trắc nghiệm khó đánh giá được năng lực tư duy ở mức độ cao, nhất là tư duy trừu tượng, khả năng cảm thụ, giáo dục nhân văn, kỹ năng giải thích, khả năng phân tích tổng hợp hạn chế nhất là môn văn học có nhiều ý kiến tổng hợp, khái quát.
- Phần tự luận: Nội dung kiểm tra bao quát nội dung chương trình, vì có ít câu hỏi học sinh dễ “trúng tủ” hoặc không “trúng tủ”, hơn nữa khó kiểm tra và ít phát huy khả năng phản ánh nhanh nhạy của học sinh trước nhiều tình huống khác nhau. Vì vậy cần đổi hình thức kiểm tra phù hợp có thể cho kiểm tra tự luận nhiều hơn, hình thức kiểm tra trắc nghiệm chỉ từ một đến hai điểm trong một bài kiểm tra, còn lại là nên cho tự luận.
 Như vậy để thúc đẩy được sự đổi mới trong phương pháp dạy học môn Văn học trong trường THCS thì phải đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh .
 Quảng Minh ngày 20/08/2012.
 Giáo viên
 Nguyễn Thị Minh Lệ

Tài liệu đính kèm:

  • docĐỔI MỚI KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH THEO CHUẨN KIẾN THỨC KỸ NĂNG.doc
  • docDạy học bám sat chuẩn kiến thưc kỹ năng-MINH LỆ.doc