Giáo án Ngữ văn 8 tiết 49 bài 13: Văn bản: Bài toán dân số

Giáo án Ngữ văn 8 tiết 49 bài 13: Văn bản: Bài toán dân số

TIẾT 49 VĂN BẢN

BÀI TOÁN DÂN SỐ

1. Mục tiêu: Giúp HS:

 a) Về kiến thức: Nắm được mục đích và nội dung chính mà tác giả đặt ra qua văn bản là cần phải hạn chế gia tăng dân số, đó là con đường tồn tại hay không tồn tại của chính loài người.

 Thấy được cách viết nhẹ nhàng, kết hợp kể chuyện với lập luận trong việc thể hiện nội dung bài viết.

 b) Về kĩ năng: Biết cách phân tích bài văn theo đúng yêu cầu.

 c) Về thái độ: Có ý thức học tập, tìm hiểu để nâng cao nhận thức đối với vấn đề đặt ra trong bài.

2. Chuẩn bị của GV và HS

a) Chuẩn bị của GV: SGK, SGV, đồ dùng dạy học- nghiên cứu soạn giáo án.

 b) Chuẩn bị của HS: SGK, vở ghi- học bài cũ- chuẩn bị bài mới theo SGK.

 

doc 5 trang Người đăng haiha30 Lượt xem 624Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Ngữ văn 8 tiết 49 bài 13: Văn bản: Bài toán dân số", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TUẦN 13 NGỮ VĂN BÀI 13
Kết quả cần đạt
- Thấy được việc hạn chế gia tăng dân số là một đòi hỏi tất yếu của sự phát triển loài người.
- Hiểu rõ công dụng của dấu ngoặc đơn và dấu hai chấm; biết sử dụng hai loại dấu câu này.
- Nhận dạng được đề văn thuyết minh và biết cách làm bài văn thuyết minh.
Ngày soạn:	..	Ngày dạy:  Dạy lớp 8B
	Ngày dạy:  Dạy lớp 8C
TIẾT 49 VĂN BẢN
BÀI TOÁN DÂN SỐ
1. Mục tiêu: Giúp HS:
	a) Về kiến thức: Nắm được mục đích và nội dung chính mà tác giả đặt ra qua văn bản là cần phải hạn chế gia tăng dân số, đó là con đường tồn tại hay không tồn tại của chính loài người.
	Thấy được cách viết nhẹ nhàng, kết hợp kể chuyện với lập luận trong việc thể hiện nội dung bài viết.
	b) Về kĩ năng: Biết cách phân tích bài văn theo đúng yêu cầu.
	c) Về thái độ: Có ý thức học tập, tìm hiểu để nâng cao nhận thức đối với vấn đề đặt ra trong bài.
2. Chuẩn bị của GV và HS
a) Chuẩn bị của GV: SGK, SGV, đồ dùng dạy học- nghiên cứu soạn giáo án.
	b) Chuẩn bị của HS: SGK, vở ghi- học bài cũ- chuẩn bị bài mới theo SGK.
3. Tiến trình bài dạy
	* Ổn định tổ chức: Sĩ số 8B: .
	Sĩ số 8C: .
a) Kiểm tra bài cũ (3’): Kiểm tra miệng.
	Câu hỏi: Nêu nghệ thuật và nội dung cơ bản của văn bản Ôn dịch thuốc lá?
Đáp án: - Lập luận chặt chẽ, cách thuyết minh sáng rõ có sức thuyết phục, sử dụng linh hoạt các phương pháp thuyết minh (4 điểm).
- Nạn nghiện thuốc lá còn nguy hiểm hơn cả ôn dịch: Nó gặm nhấm sức khoẻ con người, nó gây tác hại nhiều mặt đối với cuộc sống gia đình xã hội. Mọi người cần có biện pháp triệt để để ngăn chặn nạn ôn dịch này (6 điểm).
* Vào bài (1’): Dân số và môi trường luôn là vấn đề nóng hổi được mọi người đặc biệt quan tâm vì nó liên quan trực tiếp tới sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia. Tiết học hôm nay, ta cùng tìm hiểu một bài viết nói về vấn đề đó.
b) Dạy nội dung bài mới:
	I. ĐỌC VÀ TÌM HIỂU CHUNG (8’) 
	1. Xuất xứ văn bản
	?TB: Hãy nêu xuất xứ của văn bản?
	Ghi:- Văn bản trích từ Báo Giáo dục và thời đại Chủ nhật, số 28, 1995 của tác giả Thái An.
	?TB: Xét theo nội dung, văn bản này thuộc kiểu văn bản nào? Văn bản được viết theo phương thức gì?
	HS: Văn bản thuộc loại văn bản nhật dụng, được viết theo phương thức lập luận kết hợp với tự sự.
	2. Đọc văn bản
	GV: Đoạn từ đầu đến “sáng mắt ra” đọc với giọng tỏ vẻ ngạc nhiên. Sử dụng giọng kể tiếp đến “kinh khủng biết nhường nào!”. Phần tiếp đến “bàn cờ” đọc nhấn giọng ở những con số. Thể hiện giọng khẩn thiết ở đoạn kết bài.
	GV: Gọi HS1 đọc từ đầu đến “sáng mắt ra”. Gọi HS2 đọc tiếp đến “bàn cờ”. Gọi HS3 đọc phần còn lại.
	?TB: Cho biết vấn đề chính hay chủ đề bao trùm của văn bản này là gì?
	HS: Thế giới đang đứng trước nguy cơ bùng nổ và gia tăng dân số quá nhanh. Đó sẽ là một hiểm hoạ cần phải báo động và là con đường “tồn tại hay không tồn tại” của chính loài người.
	?KH: Căn cứ vào nội dung văn bản, hãy chỉ ra bố cục văn bản?
	HS: Chia ba phần. Phần Mở bài từ đầu đến “sáng mắt ra”=> nêu vấn đề bài toán dân số và kế hoạch hoá gia đình đã được đặt ra từ thời cổ đại. Phần Thân bài tiếp đến “ô thứ 31 của bàn cờ”=> tập trung làm sáng tỏ vấn đề: tốc độ gia tăng dân số thế giới là hết sức nhanh chóng. Phần này bao gồm 3 ý chính: ý 1: nêu lên bài toàn cổ và dẫn đến kết luận; ý 2: so sánh sự gia tăng dân số giống như lượng thóc trong các ô bàn cờ; ý 3: thực tế mỗi phụ nữ lại có thể sinh rất nhiều con. Phần Kết bài còn lại=> kêu gọi loài người hạn chế sự bùng nổ và gia tăng dân số.
	II. PHÂN TÍCH (26’)
	?TB: Nhắc lại nội dung chính của phần Mở bài?
	1. Vấn đề dân số và kế hoạch hoá gia đình (7’)
	?TB: Tác giả đã nêu lên luận điểm chính của bài qua những từ ngữ nào?
	Ghi:- Có người cho rằng: Bài toán dân số đã được đặt ra từ thời cổ đại [] nghe xong câu chuyện [] tôi bỗng “sáng mắt ra”.
	?KH: Em có nhận xét gì về cách nêu luận điểm chính cũng như cách nêu vấn đề của tác giả ở phần Mở bài?
	HS: Tác giả nêu luận điểm chính ở phần Mở bài thông qua việc đưa nhận định của một người nào đó và tỏ thái độ chưa tin nhận định ấy. Sau đó, tiếp tục dẫn dắt người đọc vào vấn đề bằng việc bất ngờ thay đổi thái độ “tôi bỗng sáng mắt ra” khi nghe xong câu chuyện mà chưa nói rõ đó là câu chuyện gì. Đây là cách nêu vấn đề hết sức nhẹ nhàng, giản dị, thân mật, tình cảm mà cũng gây tò mò, hứng thú cho người đọc muốn theo dõi tiếp đó là chuyện gì đã làm tác giả thay đổi nhận thức như vậy.
	?KH: Vậy theo em, tác giả “sáng mắt ra” về điều gì?
	HS: Tác giả sáng mắt ra vì sau khi nghe xong câu chuyện về bài toán cổ thì thấy đúng là vấn đề dân số và kế hoạch hoá gia đình dường như đã được đặt ra từ thời cổ đại.
	Ghi:- Vấn đề dân số dường như đã được đặt ra từ thời cổ đại.
	?KH: Em hiểu thế nào về vấn đề dân số và kế hoạch hoá gia đình? (học sinh thảo luận)
	HS: Dân số là số người sinh sống trên phạm vi một quốc gia, châu lục, toàn cầu. Gia tăng dân số ảnh hưởng đến tiến bộ xã hội và là nguyên nhân của đói nghèo, lạc hậu. Dân số gắn liền với kế hoạch hoá gia đình, tức là vấn đề sinh sản. Dân số và kế hoạch hoá gia đình là vấn đề đã và đang được quan tâm trên toàn thế giới.
	2. Làm rõ vấn đề dân số và kế hoạch hoá gia đình (13’)
	?KH: Để làm rõ vấn đề dân số và kế hoạch hoá gia đình, tác giả đã lập luận qua mấy luận điểm phụ?
	HS: Qua ba luận điểm phụ: vấn đề dân số được nhìn nhận từ một bài toán cổ; vấn đề dân số được tính toàn từ một câu chuyện trong kinh thánh; vấn đề dân số được nhìn nhận từ thực tế sinh sản của con người.
	?TB: Các luận điểm phụ đó được trình bày ra sao?
	Ghi:- Nhà thông thái đưa ra một bàn cờ tường gồm 64 ô. [] đặt 1 hạt thóc vào ô thứ nhất; ô thứ hai đặt 2 hạt thóc; các ô tiếp theo số thóc cứ thế nhân đôi. [] Số thóc được tính ra có thể phủ khắp bề mặt trái đất.
	- Khi khai thiên lập địa, trái đất này mới chỉ có hai người. Đến năm 1995 dân số toàn thế giới là 5,63 tỉ người. Theo bài toán cổ kia thì đã đạt đến ô thứ 30. Đó là với điều kiện mỗi gia đình chỉ có hai con.
	- Trong thực tế một người phụ nữ có khả năng sinh được rất nhiều con.
	?KH: Tác giả đã sử dụng yếu tố gì khi đưa câu chuyện kén rể của nhà thông thái? Nêu bài toán cổ, tác giả muốn dẫn đến kết luận gì?
	HS: Sử dụng yếu tố tự sự. Nêu bài toán cổ, tác giả muốn người đọc cùng tìm hiểu để đi đến kết luận. Mỗi ô của bàn cờ ban đầu chỉ một vài hạt thóc, tưởng là ít nhưng nếu sau đó cứ gấp đôi lên theo cấp số nhân thì số thóc của cả bàn cờ là một con số khủng khiếp có thể phủ kín bề mặt trái đất.
	?TB: Vậy, câu chuyện kén rể của nhà thông thái có vai trò ý nghĩa như thế nào trong việc làm nổi bật vấn đề chính của toàn bài?
	HS: Câu chuyện vừa gây tò mò, hấp dẫn người đọc vừa mang lại kết quả bất ngờ: tưởng số thóc ấy ít hoá ra “có thể phủ kín bề mặt trái đất”. Câu chuyện là tiền đề để tác giả so sánh với sự bùng nổ và gia tăng dân số. Cả hai giống nhau ở chỗ đều tăng theo cấp số nhân công bội là 2 (2 con mỗi gia đình).
	?KH: Nhận xét cách lập luận và cách sử dụng các chi tiết của tác giả ở luận điểm phụ thứ hai?
	HS: Tác giả tiếp tục đưa ra một chuyện trong kinh thánh với một loạt tư liệu, con số để so sánh giúp người đọc hình dung ra tốc độ gia tăng dân số trên thế giới tương tự số thóc tăng theo cấp số nhân ở bàn cờ.
	GV: Cách tính toán dân số từ câu chuyện trong kinh thánh kết hợp với bài toán cổ có tác động sâu sắc đến người đọc, gây lòng tin, tạo sự dễ hiểu, dễ thuyết phục với mọi người. Giúp mọi người nhìn rõ hơn mức độ trầm trọng của vấn đề gia tăng dân số.
	?KH: Ở luận điểm phụ thứ ba, tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật nào khi lập luận vấn đề?
	HS: Dùng phép thống kê đưa số liệu con số cụ thể để làm rõ vấn đề tốc độ gia tăng dân số từ khả năng sinh sản tự nhiên của người phụ nữ là vô cùng lớn.
	GV: Việc đưa ra tỉ lệ sinh con của phụ nữ một số nước theo thông báo của Hội nghị Cai-rô là rất có ý nghĩa. Trước hết để thấy người phụ nữ có thể sinh rất nhiều con (ít như Việt Nam trung bình là 3,7; nhiều như Ru-an-đa là 8,1). Và như thế chỉ tiêu mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con là rất khó khăn. Nếu cứ như thế đến năm 2015 dân số trên hành tinh theo cách tính từ bài toán cổ đã mon men sang ô thứ 31. Bằng cách này, tác giả đã đạt được mục đích cắt nghĩa được vấn đề gia tăng dân số từ năng lực sinh sản tự nhiên của phụ nữ đồng thời cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn của gia tăng dân số cho mọi người thấy cái gốc của vấn đề hạn chế dân số là sinh đẻ có kế hoạch.
	?TB: Từ ba luận điểm phụ trên, chúng ta nhận thức được điều gì?
	Ghi:- Tốc độ gia tăng dân số thế giới nhanh khủng khiếp theo cấp số nhân.
	?TB: Theo thông báo của Hội nghị Cai-rô, các nước có tỉ lệ sinh con cao thuộc các châu lục nào, thực trạng kinh tế, văn hóa, xã hội ở các nước ấy ra sao?
	HS: Các nước đó thuộc châu Phi, châu Á (trong đó có Việt Nam). Các nước này đều nằm trong tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển. Điều này cho thấy:
	Ghi: Tăng dân số quá nhanh kìm hãm sự phát triển của xã hội, là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, lạc hậu.
	GV: Như vậy, bằng ba luận điểm phụ nêu ra ở phần Thân bài, tác giả đã tập trung làm sáng rõ vấn đề chính của bài văn. Tiếp đó, tác giả đã đưa ra luận điểm ở phần Kết bài như thế nào. Ta tiếp tục tìm hiểu.
	3. Con đường tồn tại của nhân loại (6’)
	?TB: Tác giả đã nói thế nào về con đường tồn tại của nhân loại?
	Ghi:- Đừng để cho mỗi con người trên trái đất này chỉ con diện tích 1 hạt thóc. [] Đó là con đường “tồn tại hay không tồn tại” của chính loài người.
	?KH: Em có nhận xét gì về cách viết của tác giả ở luận điểm kết luận này?
	HS: Tác giả dùng hai câu cầu khiến và một câu khẳng định để kêu gọi thuyết phục mọi người hãy đừng để cho mỗi con người trên trái đất này chỉ còn diện tích 1 hạt thóc. Muốn thế phải góp phần làm cho chặng đường đi đến ô thứ 64 càng dài lâu hơn. Đó là con đường “tồn tại hay không tồn tại” của chính loài người.
	?TB: Vậy, điều tác giả muốn kêu gọi chúng ta là gì?
	Ghi: Cần hạn chế sự gia tăng dân số mới có thể tiếp tục tồn tại dài lâu.
	?KH: Tại sao tác giả cho rằng: Đó là con đường “tồn tại hay không tồn tại” của chính loài người?
	HS: Vì muốn sống, con người cần có đất đai. Đất đai không sinh thêm được, con người mỗi ngày một nhiều hơn. Do đó, con người muốn tồn tại phải biết điều chỉnh, hạn chế sự gia tăng dân số. Đây là vấn đề nghiêm túc.
	GV: Luận điểm kết luận đã kết lại vấn đề và đề ra nhiệm vụ cho tất cả mọi người.
	?KH: Nêu nhận xét chung về giá trị của văn bản?
	III. TỔNG KẾT – GHI NHỚ (4’) 
	Ghi: - Lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục, sử dụng phù hợp yếu tố tự sự cùng những số liệu thống kê trong văn nghị luận.
	- Đất đai không sinh thêm, con người lại ngày càng nhiều lên gấp bội. Nếu không hạn chế sự gia tăng dân số thì con người sẽ tự làm hại chính mình.
	GV: Gọi HS đọc ghi nhớ SGK. T. 132.
c) Củng cố, luyện tập (2’):
	GV: Gọi HS đọc phần đọc thêm SGK. T. 132, 133.
d) Hướng dẫn học sinh tự học ở nhà (1’):
	- Học thuộc ghi nhớ, làm bài tập 1, 2, 3 (T. 132).
	- Tìm hiểu dân số Việt Nam và sự gia tăng dân số ở Việt Nam những năm gần đây.
	- Soạn Dấu ngoặc đơn, dấu hai chấm. Yêu cầu: Đọc kĩ các ví dụ và nội dung câu hỏi trong mục I, II của bài sau đó, trả lời các câu hỏi trong mục.

Tài liệu đính kèm:

  • docTiet 49 bai 13.doc