Sáng kiến kinh nghiệm Giúp đỡ học sinh gặp khó khăn trong học toán đạt kết quả trung bình Lớp 8 - Năm học 2007-2008 - Nguyễn Thị Hợp

Sáng kiến kinh nghiệm Giúp đỡ học sinh gặp khó khăn trong học toán đạt kết quả trung bình Lớp 8 - Năm học 2007-2008 - Nguyễn Thị Hợp

1. Có nhiều lỗ hỏng kiến thức, kĩ năng. Ví dụ có em học lớp 8 rồi mà cộng trừ vẫn chưa thành thạo, vận dụng bảng nhân chia còn chậm do đó nhân chia cho số có nhiều chữ số thực hiên rất khó khăn, các công thức và quy tắc thì không nhớ.

2. Tiếp thu kiến thức, hình thành kỹ năng chậm. Chẳng hạn trong một khoảng thời gian như nhau các em khác giải được 2, 3 bài tập để luyện tập thì học sinh yếu kém có thể chưa giải xong một bài. Nhưng để hình thành được một kỹ năng nào đó một học sinh bình thường chỉ cần giải 3, 4 bài tập cùng loại nhưng học sinh yếu kém lại phải giải 6, 7 bài.

3. Phương pháp học tập chưa tốt như: chưa học lý thuyết đã vội làm bài tập; chưa đọc kỹ đề toán để xác định dạng toán, phân tích đề toán xác định cái đã cho và cái cần tìm, lập phương án giải đã vội bắt tay vào giải. Không chịu thử lại sau khi làm tính và giải toán, không chịu làm ra vở nháp trước khi làm vào vở.

 

doc 10 trang Người đăng tuvy2007 Lượt xem 516Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Giúp đỡ học sinh gặp khó khăn trong học toán đạt kết quả trung bình Lớp 8 - Năm học 2007-2008 - Nguyễn Thị Hợp", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Trong việc dạy học mỗi người giáo viên phải có trách nhiệm làm cho mỗi học sinh của mình đều tiếp thu được những kiến thức, kĩ năng tối thiểu mà chương trình và sgk quy định.
Nhưng trong thực tế không phải mọi học sinh học tập đều dễ dàng như nhau. Trong cùng điều kiện sống và học tập như nhau, có học sinh nắm kiến thức rất nhanh chống và sâu sắc mà không cần một sự cố gắng đặc biệt, song có em lại không đạt được kết quả đó mặc dù đã cố gắng rất nhiều đó chính là những học sinh yếu kém. Đặc biệt điều này thấy rõ nhất là ở môn Toán. Vì vậy chúng ta cần tìm hiểu những em gặp khó khăn và ít có năng lực khi học toán để giúp các em đạt được trình độ trung bình.
Qua trao đổi với đồng nghiệp cùng với kinh nghiệm của quá trình giảng dạy tôi thấy những học sinh gặp khó khăn khi học về môn toán thường có những nguyên nhân và biểu hiện sau:
Có nhiều lỗ hỏng kiến thức, kĩ năng. Ví dụ có em học lớp 8 rồi mà cộng trừ vẫn chưa thành thạo, vận dụng bảng nhân chia còn chậm do đó nhân chia cho số có nhiều chữ số thực hiên rất khó khăn, các công thức và quy tắc thì không nhớ.
2.	Tiếp thu kiến thức, hình thành kỹ năng chậm. Chẳng hạn trong một khoảng thời gian như nhau các em khác giải được 2, 3 bài tập để luyện tập thì học sinh yếu kém có thể chưa giải xong một bài. Nhưng để hình thành được một kỹ năng nào đó một học sinh bình thường chỉ cần giải 3, 4 bài tập cùng loại nhưng học sinh yếu kém lại phải giải 6, 7 bài.
3.	Phương pháp học tập chưa tốt như: chưa học lý thuyết đã vội làm bài tập; chưa đọc kỹ đề toán để xác định dạng toán, phân tích đề toán xác định cái đã cho và cái cần tìm, lập phương án giải đã vội bắt tay vào giải. Không chịu thử lại sau khi làm tính và giải toán, không chịu làm ra vở nháp trước khi làm vào vở.
4.	Năng lực tư duy yếu; tư duy thiếu linh hoạt; sự chú ý, óc quan sát, trí tưởng tượng đều phát triển chậm. Diễn đạt bằng ngôn ngữ khó khăn, sử dụng ngôn ngữ toán học còn lúng túng, nhiều chỗ lẫn lộn.
5.	Biểu hiện bề ngoài là thái độ thờ ơ đối với học tập, ngại cố gắng, thiếu tự tin ngay cả khi làm đúng bài tập, giáo viên hỏi cũng lại ngập ngừng không tin là mình làm đúng.
6.	Kết quả học tập thường xuyên dưới trung bình.
Ngoài những nguyên nhân chủ quan trên còn có một số nguyên nhân khách quan dẫn đến học yếu, kém môn Toán của học sinh như: năng lực, tốc độ truyền thụ kiến thức, sự chú ý đúng mức đối với học sinh yếu, kém của giáo viên. Kinh tế gia đình, phương pháp sư phạm và sự quan tâm đến việc học ở nhà đối với con cái của phụ huynh.
Qua khảo sát đầu năm và một thời gian theo dõi kết quả học tập thường xuyên từng học sinh của hai lớp 8C và 8D tôi trực tiếp giảng dạy thấy có 8/72 em có những biểu hiện yếu, kém về môn toán đó là các em: Thái Bá Thiện, Nguyễn Thị Hảo, Nguyễn Văn Thuần, Phạm Thành Luân, Dương Đức Huỳnh, Đặng Thị Thiết, Bùi Thị Linh, Bùi Thị Trinh
Từ những vấn đề trên tôi luôn suy nghĩ và tìm tòi qua sách vở, tài liệu cũng như trao đổi với bạn bè đồng nghiệp để có những biện pháp giúp đỡ các em trong học tập.
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:
Ngay từ đầu năm học, sau khi nhận lớp tôi đã khảo sát chất lượng học tập của các em trong đó có chất lượng môn Toán. Đồng thời tôi thường xuyên theo dõi cụ thể kết quả học tập trên lớp, làm bài tập, kết quả kiểm tra của từng học sinh trong lớp để sớm phát hiện học sinh gặp khó khăn trong học Toán và đi sâu tìm hiểu phân tích để tìm ra đúng nguyên nhân đưa đến tình hình đó đối với từng em.
Từ đó phân loại học sinh yếu kém theo những nguyên nhân chủ yếu như sau:
Kiến thức không vững chắc, nhiều lỗ hỏng có em: Bùi Thị Trinh, Phạm Thành Luân, Thái Bá Thiện chưa thành thạo trong thực hiện các phép tính đối với số nguyên, kĩ năng phân tích các bài toán còn chậm.
Thái độ học tập không đúng có em: Phan Văn Thuần, Dương Đức Huỳnh, Nguyễn Thị Hảo thường xuyên không làm bài tập và học bài ở nhà, ngồi học thiếu tập trung hay làm việc riêng, lười làm bài tập ở lớp.
Hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn có em: Đặng Thị Thiết – không có bố, Bùi Thị Linh – bố bị tật nguyền, bản thân sức khỏe không tốt.
Từ những nguyên nhân cụ thể trên tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể giúp đỡ thích hợp đối với từng đối tượng. Chẳng hạn: với em Thiện, em Luân và em Trinh ngoài việc trực tiếp kiểm tra các kiến thức và kĩ năng cũ của các em tôi đã giao nhiệm vụ cho các em học sinh giỏi là em Ly Sa, em Sương, em Lệ em Trà My thường xuyên kiểm tra bảng cửu chương và bảng cộng trừ cũng như những kiến thức kĩ năng cũ . Đồng thời tôi cũng thường xuyên nghiên cứu học hỏi để tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp, có trọng tâm, nhằm thẳng vào các yêu cầu vừa sức các em để nâng dần lên. Trong quá trình giảng dạy những đối tượng học sinh này tôi không nôn nóng, sốt ruột mà luôn tin tưởng vào sự tiến bộ của từng học sinh, không định kiến đối với học sinh nào.
Tôi đã bố trí cho những em đó ngồi bàn đầu và ở vị trí mình dễ quan sát để luôn theo dõi sự chú ý của các em. Luôn kiểm tra sự tiếp thu bài giảng, hiểu các thuật ngữ, cách suy luận của các em để điều chỉnh kịp thời. Khi hướng dẫn bài tập luyện tập tôi luôn làm cụ thể hơn đối với những đối tượng học sinh này (ví dụ: khi luyện tập về giải bài toán liên quan đến hằng đẳng thức đáng nhớ và phân tích đa thức thành nhân tử tôi không tham lam mà chỉ yêu cầu các em giải được 2 đến 3 bài nhưng phải xác định được bài toán thuộc dạng nào, cách phân tích đa thức thành nhân tử, để áp dụng được phương pháp đó thì cần có những yếu tố nào).
Những bài tập và yêu cầu giao cho các em tôi luôn kiểm tra cụ thể, đồng thời phân tích và sửa chữa những lỗi sai của các em kịp thời (trong phần thực hành tôi chỉ cho các em làm 1 đến 2 bài tập và yêu cầu các em phải làm xong đồng thời tôi cũng thường xuyên chấm chữa để các em kịp thời sửa lỗi sai. Khi giao bài về nhà tôi luôn hướng dẫn cụ thể và giao nhiệm vụ cho một học sinh giỏi có trách nhiệm kiểm tra và hướng dẫn hai bạn chữa bài ).
Đối với những học sinh này tôi luôn khuyến khích động viên các em đúng lúc và kịp thời khi các em có sự tiến bộ dù nhỏ. Đồng thời cũng phê phán nghiêm khắc thái độ chây lười và lơ là việc học, nhưng không chỉ trích và làm chạm lòng tự ái của các em.(không làm bài tập lần thứ hai sẽ yêu cầu làm lại 5 lần, không học bài và làm bài lần thứ ba yêu cầu viết bản kiểm điểm và mời phụ huynh đến trao đổi).
Trong bố trí chỗ ngồi ở buổi học chính khoá tôi đã bố trí những em học giỏi, khá ngồi cạnh những em này để thường xuyên giúp đỡ các bạn về cách học và phương pháp vận dụng kiến thức vào làm bài tập. Sang buổi học phụ kém tôi lại cho các em này ngồi riêng ở hai bàn đầu để mình tiện theo dõi và kèm cặp.
Ngoài thời gian ở buổi chính khoá tôi dành thời gian và lên chương trình riêng để tổ chức phụ kém cho những em này. Trong các buổi này tôi tập trung kiểm tra việc lĩnh hội các kiến thức cơ bản và ôn tập củng cố kiến thức để các em nắm chắc hơn ( ví dụ: sau khi học bài “phân tích đa thức thành nhân tử bằng phương pháp đặt nhân tử chung”, ở buổi học phụ kém tôi chưa vội yêu cầu các em đi vào làm bài tập mà cho các em làm lại các phép tính mẫu, nêu lại cách tính sau đó mới bắt tay vào làm bài tập). Trò chuyện với các em để tìm hiểu thêm những chỗ các em chưa hiểu hoặc chưa nắm chắc để bổ sung củng cố. Hướng dẫn phương pháp học tập: học bài, làm bài và việc tự học ở nhà cho các em (phải học thuộc lý thuyết rồi mới làm bài tập, trước khi làm bài phải tìm hiểu kĩ yêu cầu của bài, khi không tìm ra cách làm phải đọc lại lý thuyết và bài tập mẫu để vận dụng).
Ngoài ra tôi còn dành thời gian về từng gia đình của từng em (1 lần / em / tháng) để trao đổi với gia đình về tình hình học tập cụ thể của từng em (ví dụ: với em Huỳnh và em Luân tôi trao đổi thực về thái độ học tập của các em và yêu cầu gia đình thường xuyên nhắc nhở và giám sát việc học ở nhà của các em, khi được giáo viên chủ nhiệm mời đến trao đổi thì phải sắp xếp công việc để đến trường gặp giáo viên. từ đó hai em này đã tập trung vào học hơn, không còn tình trạng chây lười). Qua đó phối hợp cùng gia đình tạo điều kiện cho các em học tập, nhắc nhở đôn đốc các em thực hiện nhiệm vụ học tập ở trường và ở nhà được tốt. Đồng thời bàn bạc và thảo luận với phụ huynh để đưa ra giải pháp phù hợp giúp các em học tốt (ví dụ khi trao đổi với phụ huynh em Hảo và em Linh tôi đã thuyết phục được ông bà cho các em đi học nhóm, như em Hảo thì được ông bà đồng ý và tạo điều kiện cho bạn Sương cùng về học tại nhà).
	Trong quá trình dạy học để việc học có kết quả đòi hỏi học sinh phải có những tiền đề nhất định về kiến thức, kỹ năng và thái độ có sẵn. Thế nhưng các em yếu kém nhiều khi chưa có đù những điều này. Vì vậy phải giúp đỡ các em tạo tiền đề xuất phát. Để làm được điều này tôi đã tìm hiểu và nghiên cứu những tài liệu chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình, sách giáo khoa và sách giáo viên cùng các tài liệu tham khảo khác. Đồng thời thường xuyên theo dõi và kiểm tra để biết những kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết đã có sẵn ở học sinh yếu kém tới mức độ nào. Mặt khác trước khi cung cấp kiến thức mới tôi đã tái hiện những kiến thức, kĩ năng cần thiết có liên quan để các em có tiền đề về kiến thức cho bài học mới. Tuy nhiên trong thực tế với một nhóm đối tượng học sinh yếu, kém thì mỗi em thiếu hụt một tiền đề khác nhau, không em nào giống em nào - trong 6 em thì em Huỳnh, em Trinh và em Thiện yếu về kĩ năng tính toán; em Thuần, em Luân, em Hảo, em Linh yếu về kĩ năng phân tích và giải toán tổng hợp...Vì vậy trong quá trình giảng dạy tôi luôn theo dõi sát để biết em nào cần phải bồi dưỡng và tạo tiền đề gì để có biện pháp và phương án giúp các em tạo tiền đề phù hợp. Trong quá trình dạy bài mới tôi luôn tổ chức cho các em làm việc để ôn lại hững kiến thức, kĩ năng cũ có liên quan trực tiếp đến việc tiếp thu các kiến thức và kĩ năng mới. Nếu kiến thức và kĩ năng cũ đó nằm ngay ở bài học trước thì tôi cho các em ôn lại trong quá trình kiểm tra bài cũ, còn kiến thức và kĩ năng cũ đó cách xa bài mới thì tôi tổ chức cho các em trao đổi theo nhóm đôi để ôn lại. Ví dụ để dạy bài “Phép chia các phân thức đại số” tôi đã cho các em thảo luận theo nhóm đôi để ôn lại kiến thức về phép chia phân số đã được học ở các lớp dưới.
Kiến thức có nhiều lỗ hổng là một bệnh phổ biến của học sinh yếu kém. Do đó trong quá trình dạy học tôi luôn kiểm tra để phát hiện lỗ hổng kiến thức của những học sinh yếu, kém để có kế hoạch bổ sung cho các em. Tôi thường xuyên gọi những em này trả lời và chữa bài cũng như thường xuyên chấm chữa bài làm của các em để sớm phát hiện và giúp các em biết được những kiến thức thiếu hụt ở các em. Đồng thời hướng dẫn các em tự phát hiện lỗ hổng của mình và biết cách tra cứu sách vở tài liệu để tự lấp lỗ hổng đó. Chẳng hạn, khi giải bài toán bằng cách lập phương trình mặc dù đã xác định được dạng toán nhưng các em vẫn không giải được thì hướng dẫn các em xem lại các bài toán mẫu và nắm lại các bước giải sau đó quay lại phân tích đề toán để tìm ra cách giải.
Trong quá trình dạy học những đối tượng học sinh này tôi không tham vọng nâng cao hay mở rộng kiến thức mà chỉ chú ý làm sao cho các em nắm chắc kiến thức, kĩ năng hơn. Vì vậy khi hướng dẫn những học sinh này luyện tập tôi đặc biệt lưu ý đến các đặc điểm sau:
Phải làm thế nào để học sinh hiểu được yêu cầu của bài, nắm được cái gì đã cho, cái gì cần tìm để các em làm bài một cách chắc chắn. Ví dụ khi làm các bài toán tìm x tôi luôn yêu cầu các em phải xác định được x thuộc thành phần chưa biết nào, nêu cách tìm rồi sau đó mới bắt tay vào làm.
Để hiểu được kiến thức hoặc tạo một kĩ năng nào đó thì nhóm đối tượng này cần phải làm một số lượng bài tập cùng thể loại khá nhiều so với những học sinh khác.
Hệ thống hoá lại cách giải từng loại bài tập thành trình tự hay các bước và tổ chức cho các em ghi nhớ trình tự đó đặc biệt là các bài toán về phân tích đa thức thành nhân tử và giải phương trình. Ví dụ sau khi giải bài toán “lúc 6 giờ sáng, một xe máy khởi hành từ A đến B. Sau đó 1 giờ, một ôtô cũng xuất phát từ A, đuổi theo xe máy với vận tốc trung bình lớn hơn vận tốc trung bình của xe máy 20 km/h. Cả hai xe đến B đồng thời vào lúc 9 giờ 30’ sáng cùng ngày. Tính độ dài quãng đường AB và vận tốc trung bình của xe máy”. Học sinh phải nắm và nhớ được các bước giải bài toán này gồm:
+ 	Gọi vận tốc trung bình của xe máy là x (x > 0).
+ 	Thời gian xe máy đi từ A đến B là: 9h30’ – 6h = 3h30’ = 3,5 h.
+ 	Thời gian oto đi từ A đến B là: 3,5h – 1h = 2.5h
	Ta lập bảng sau: 
Vận tốc (km/h)
Thời gian (h)
Quãng đường(km)
Xe máy
x
3,5
3,5x
Ôtô
x + 20
2,5
2,5(x + 20)
+ 	Ta có phương trình: 3,5x = 2,5(x + 20)
+ 	Giải phương trình: x = 50 ( thỏa mãn điều kiện x > 0).
+ 	Vậy vận tốc trung bình của xe máy là: 50 km/h.
	Quãng đường AB là: 3,5 . 50 = 175 km
Trong quá trình giao bài tập đối với học sinh yếu kém thì mức độ khó giữa hai bài tập khác nhau không quá cao và quá xa. Chỉ cho các em tiến dần từng bước dù ngắn nhưng mà chắc chắn.
Tạo điều kiện để các em tự kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của mình, bằng cách cho các em trả lời và làm một số bài tập ngắn gọn sau đó hướng dẫn các em tự chấm điểm.
Mặc dù ta cố gắng hết sức, tìm tòi mọi cách để giúp các em yếu kém tiến bộ. Nhưng các em không có một phương pháp học tập tốt thì khó mà đạt được kết quả như mong muốn. Vì vậy cần phải giúp đỡ các em về phương pháp học tập. Cần bồi dưỡng cho các em những hiểu biết sơ đẳng về cách thức học tập toán như: nắm được lí thuyết mới làm bài tập; đọc kĩ đầu bài trước khi làm bài để xác định đúng yêu cầu cũng như dạng toán, biết được cái đã cho và cái cần tìm cũng như mối quan hệ giữa chúng từ đó tìm ra phương hướng giải đúng; có thói quen viết nháp rõ ràng và thử lại sau khi làm tính và giải toán...
Với những việc làm và biện pháp nêu trên tôi đã giúp những học sinh gặp khó khăn trong học toán của lớp mình giảng dạy đạt được kết quả trung bình và trung bình khá. Cụ thể như sau:
Thứ tự
Họ và tên học sinh.
Điểm kiểm tra định kỳ
Giữa học kỳ I
Cuối học kỳ I
Giữa học kỳ II
1
Phan Văn Thuần
3.3
5.3
6.8
2
Nguyễn Thị Hảo
3.5
5.5
6.3
3
Thái Bá Thiện
2.5
4.8
5.3
4
Bùi Thị Linh
4.0
5.0
5.5
5
Phạm Thành Luân
4.0
5.8
6.0
6
Dương Đức Huỳnh
4.5
5.5
5.8
7
Đặng Thị Thiết
3.0
5.5
6.5
8
Bùi Thị Trinh
4.0
5.8
5.3
III. KẾT LUẬN
Trong dạy học nói chung, dạy toán nói riêng thiết nghĩ mỗi một giáo viên ai cũng mong muốn học sinh của mình đều đạt được những yêu cầu cơ bản về kiến thức cũng như kĩ năng. Song đối với những đối tượng học sinh yếu kém về môn toán thì điều này quả thật không dễ dàng chút nào. Qua trao đổi, học hỏi ở đồng nghiệpcùng với kinh nghiệm của bản thân, tôi đã rút ra bài học kinh nghiệm cho mình trong việc giúp đỡ học sinh gặp khó khăn trong học toán đạt kết quả trung bình như sau:
Người giáo viên phải nhiệt tình, tận tuỵ với nghề nghiệp, có lòng yêu nghề mến trẻ.
Giáo viên phải thường xuyên học hỏi để sáng tạo trong bài dạy nhằm tạo cho học sinh hứng thú học tập.
Giáo viên phải hiểu sâu sắc từng đối tượng học sinh, tìm hiểu và phân tích kĩ tùng nguyên nhân học sinh học yếu toán để có những biện pháp giúp đỡ các em hợp lí.
Giáo viên phải kiên trì, không vội vàng nôn nóng, luôn luôn tin tưởng vào sự tiến bộ của học sinh để khuyến khích động viên các em kịp thời. Đồng thời cũng phải nghiêm khắc đối với những học sinh chây lười.
Đối với những đối tượng học sinh này thì giáo viên không chỉ cung cấp kiến thức và kĩ năng mới mà phải thường xuyên ôn tập củng cố kiến thức, kĩ năng cũ cũng như hướng dẫn kĩ cho các em phương pháp học.
Có thể khi đọc tài liệu này, các đồng chí sẽ có nhiều ý kiến dóng góp cũng như có nhiều phương pháp hay hơn, đạt kết quả cao hơn. Rất mong có được ý kiến đóng góp của tất cả các đồng chí.
Trung giang ngày 10 tháng 04 năm 2008.
 	Người viết
 	 Nguyễn Thị Hợp

Tài liệu đính kèm:

  • docSKKN(2).doc