Thuyết trình văn học: Bánh trôi nước - Một bài thơ độc đáo

Thuyết trình văn học: Bánh trôi nước - Một bài thơ độc đáo

Có một khoảng vườn xuân hoa tươi sắc

Một khoảng trời đầy ắp yêu thương

 Có lẽ mỗi chúng ta khi chào đời đều được sống trong vòng tay âu yếm yêu thương của ông bà cha mẹ, được sống trong những vườn hoa xuân tươi sắc của những lời ru dịu dàng ấm áp của bà của mẹ, là lời giảng của thầy cô qua những bài thơ trang văn đầy lí thú. Năm tháng qua đi tâm hồn ta được bồi đắp và dần lớn lên trong hương thơm của những bông hoa không sắc không màu ấy. Trong buổi thuyết trình văn học này em sẽ giới thiệu với thầy cô và các bạn một đóa hoa đồng nội không sắc không màu nhưng thật quyến rũ bởi hương thơm đậm đà đặc biệt khó quên của nó. Đó chính là bài thơ Bánh trôi nước của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.

 Thưa các thầy cô và các bạn!

 Nói về Hồ Xuân Hương, cho đến nay người ta chưa tìm thấy một tài liệu gốc nào về thân thế của bà. Năm sinh năm mất đều hãy còn bỏ trống. Từ lâu ta chỉ biết bà quê ở làng Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An, là con ông Hồ Phi Diễn, một ông đồ nghèo từng dạy học ở Hải Dương, Kinh Bắc. Nhưng theo một nghiên cứu mới đây, ông Đào Thái Tôn, bằng các tài liệu đáng tin cậy, cho rằng bà là con ông Hồ Sĩ Danh (1706-1783). Nhưng sau khi cụ chết, không có nơi nương tựa, HXH được mẹ đưa ra đất Thăng Long sinh sống. Hai mẹ con ngụ tại phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận gần Hồ Tây - Hà Nội bây giờ. Tại đây HXH được mẹ cho học hành tử tế. Sau đó lại về ở thôn Thiên Thị, tổng Thiên Túc, huyện Thọ Xương, nay là Lí Quốc Sư - Hà Nội. HXH có một ngôi nhà bên Hồ Tây đặt là Cổ Nguyệt đường. Bà là người thông minh tài hoa nhưng đường tình duyên rất éo le, ba lần lấy chồng hai lần làm vợ lẽ. HXH là hiện tượng độc đáo về cả nội dung lẫn nghệ thuật trong lịch sử Văn học VN. Chính điều đó đã đưa bà lên vị trí Bà chúa thơ Nôm. Đến với thơ HXH ta sẽ nhận ra ở bà một sự dí dóm duyên dáng và cái thông minh ranh mãnh của một người đàn bà tài hoa nhưng "mệnh bạc".

 

doc 8 trang Người đăng haiha30 Lượt xem 3221Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Thuyết trình văn học: Bánh trôi nước - Một bài thơ độc đáo", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề tài Thuyết trình văn học
 BÁNH TRÔI NƯỚC - MỘT BÀI THƠ ĐỘC ĐÁO.
Có một khoảng vườn xuân hoa tươi sắc
Một khoảng trời đầy ắp yêu thương
	Có lẽ mỗi chúng ta khi chào đời đều được sống trong vòng tay âu yếm yêu thương của ông bà cha mẹ, được sống trong những vườn hoa xuân tươi sắc của những lời ru dịu dàng ấm áp của bà của mẹ, là lời giảng của thầy cô qua những bài thơ trang văn đầy lí thú. Năm tháng qua đi tâm hồn ta được bồi đắp và dần lớn lên trong hương thơm của những bông hoa không sắc không màu ấy. Trong buổi thuyết trình văn học này em sẽ giới thiệu với thầy cô và các bạn một đóa hoa đồng nội không sắc không màu nhưng thật quyến rũ bởi hương thơm đậm đà đặc biệt khó quên của nó. Đó chính là bài thơ Bánh trôi nước của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. 
	Thưa các thầy cô và các bạn!
	Nói về Hồ Xuân Hương, cho đến nay người ta chưa tìm thấy một tài liệu gốc nào về thân thế của bà. Năm sinh năm mất đều hãy còn bỏ trống. Từ lâu ta chỉ biết bà quê ở làng Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An, là con ông Hồ Phi Diễn, một ông đồ nghèo từng dạy học ở Hải Dương, Kinh Bắc. Nhưng theo một nghiên cứu mới đây, ông Đào Thái Tôn, bằng các tài liệu đáng tin cậy, cho rằng bà là con ông Hồ Sĩ Danh (1706-1783). Nhưng sau khi cụ chết, không có nơi nương tựa, HXH được mẹ đưa ra đất Thăng Long sinh sống. Hai mẹ con ngụ tại phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận gần Hồ Tây - Hà Nội bây giờ. Tại đây HXH được mẹ cho học hành tử tế. Sau đó lại về ở thôn Thiên Thị, tổng Thiên Túc, huyện Thọ Xương, nay là Lí Quốc Sư - Hà Nội. HXH có một ngôi nhà bên Hồ Tây đặt là Cổ Nguyệt đường. Bà là người thông minh tài hoa nhưng đường tình duyên rất éo le, ba lần lấy chồng hai lần làm vợ lẽ. HXH là hiện tượng độc đáo về cả nội dung lẫn nghệ thuật trong lịch sử Văn học VN. Chính điều đó đã đưa bà lên vị trí Bà chúa thơ Nôm. Đến với thơ HXH ta sẽ nhận ra ở bà một sự dí dóm duyên dáng và cái thông minh ranh mãnh của một người đàn bà tài hoa nhưng "mệnh bạc".
	Tuy cuộc đời gặp nhiều éo le ngang trái nhưng tác phẩm thơ ca của bà vẫn thấm đẫm tình thương con người, ngời sáng niềm tin yêu và trân trọng đối với con người, trước hết là đối với người phụ nữ. HXH đã để lại cho đời trên dưới 50 bài thơ Đường luật, chữ Hán và chữ Nôm, trong đó nổi tiếng nhất là những bài thơ Nôm. Bánh trôi nước là thi phẩm đặc sắc được biết đến nhiều nhất của bà. Đây là một bài thơ đa nghĩa vừa đậm đà tính dân tộc, vừa tập trung tiêu biểu cái hồn thơ HXH.
	Trước hết em xin nói về tính dân tộc của bài thơ. Tên bài thơ là Bánh trôi nước, ta hiểu nhà thơ đã viết về cái bánh trôi - một đặc sản ẩm thực của dân tộc ta mà những người Việt Nam bình thường từ thành thị đến nông thôn ai cũng biết. Loại bánh này được dùng phổ biến nhất là vào dịp Tết mồng ba tháng Ba (âm lịch). Điều thú vị là nhà thơ không đứng ngoài quan sát rồi miêu tả mà hóa thân, nhập hồn vào cái bánh trôi để cất tiếng tự miêu tả mình, giãi bày tâm sự của mình. Nói cách khác HXH đã nhân hóa cái bánh trôi, để cho chiếc bánh trò chuyện giao tiếp với người đọc:
	Thân em vừa trắng lại vừa tròn
	Bảy nổi ba chìm với nước non
	Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
 Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Tuy bài thơ thuộc thể thơ Đường thất ngôn tứ tuyệt nhưng chỉ có một từ ghép "nước non" là từ Hán Việt còn lại tất cả từ ngữ trong bài thơ đều thuần Việt, nôm na giản dị mà rất trong sáng đẹp đẽ. Thêm nữa trong bài thơ tác giả mở đầu bằng hai tiếng "thân em", dùng thành ngữ "bảy nổi ba chìm" và cụm từ "tấm lòng son" rất gần với cách nói của nhân dân trong VH dân gian. Như vậy, từ đề tài đến ngôn ngữ, giọng điệu, bài thơ "Bánh trôi nước" đậm đà bản sắc dân tộc, rất đáng quí. Đáng quí hơn nữa là ở tính đa nghĩa giàu cảm xúc của bài thơ.
	Nghĩa thứ nhất là nghĩa tả thực, nghĩa nổi: qua lời tâm sự của "bánh trôi", người đọc thấy hiển hiện hình ảnh và quá trình sinh thành của chiếc bánh. Bánh trôi mang màu trắng của bột nếp, có hình tròn xinh xẻo. Nếu người làm bánh nhào bột nhiều nước quá thì bánh "nát" (nhão) ít nước quá thì "rắn" (cứng). Lúc luộc bánh, khi cho vào nước nguội, bánh chìm, lúc nước sôi, chín tới sẽ nổi lên. Dù bánh rắn hay nát, tròn hay méo, cái nhân đường bên trong vẫn ngọt ngào tươi đỏ, chiếc bánh vẫn đem lại cho mọi người niềm vui, miếng ngon trong ngày lễ, ngày hội... HXH quả là con người biết miêu tả sự vật. Qua ngôn ngữ thơ của bà chiếc bánh trôi hiện lên thật đáng yêu. Chiếc bánh đáng yêu vì bản thân nó đẹp xinh, ngon ngọt và còn đáng yêu hơn ở cách nói, điệu nói của bánh trôi: Thân em... Mà em... sao duyên dáng, khiêm nhường tình cảm đến thế. Nghe lời tâm sự của bánh trôi ta ngỡ đây không phải là vật vô tri mà là một sinh thể có trí tuệ tâm hồn. Chiếc bánh trôi có linh hồn hay chính HXH đã thổi hồn vào hình ảnh, ngôn ngữ của thơ ? Do đó người đọc hiểu ngay rằng ẩn sau lời chiếc bánh trôi là lời tâm sự, những nỗi niềm da diết của con người.
	Nghĩa thứ hai của bài thơ rõ ràng là nói về nhan sắc, thân phận và phẩm chất của con người, những người phụ nữ VN trong xã hội phong kiến xưa:
	Thân em vừa trắng lại vừa tròn
	Bảy nổi ba chìm với nước non
	Hai câu thơ đầu vừa tả nhan sắc , vừa kể về thân phận con người. Nhân vật trữ tình dùng từ em để xưng hô "Thân em", cách xưng hô gần gũi nghe vừa dịu dàng khiêm tốn vừa có chút tội nghiệp đáng thương. Âm hưởng giọng điệu lời thơ thật gần với các lời ca than thân trong dân gian:
	Thân em như trái bần trôi
	Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu
	Hoặc Thân em như tấm lụa đào
	Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai? ....
	Tiếp theo người phụ nữ ấy tự giới thiệu về mình với giọng điệu có chút tự hào"vừa trắng lại vừa tròn". Cách dùng cặp quan hệ từ thật khéo "vừa...lại vừa..."gợi một vẻ đẹp toàn diện không khiếm khuyết, đã được cái này lại còn được cái kia... Từ "trắng" không chỉ gợi làn da trắng trẻo mịn màng mà còn gợi vẻ đẹp trắng trong của tâm hồn thiếu nữ. Từ "tròn" cũng hàm cả nghĩa tả thực- gợi thân hình tròn lẳn, phúc hậu và cả nghĩa hàm ẩn- gợi liên tưởng đến sự trọn vẹn về nhân phẩm, trước sau đều nhân hậu trọn vẹn thủy chung. Câu thơ thứ nhất không chỉ khẳng định vẻ đẹp nhan sắc bên ngoài của mình mà người phụ nữ ấy còn trân trọng cả vẻ đẹp về tâm hồn đức hạnh bên trong. Sau lời giới thiệu tự hào ấy, sang câu thơ thứ hai giọng thơ có vẻ chùng xuống để kể về thân phận chị em "Bảy nổi ba chìm với nước non". Thành ngữ dân gian ta có câu:"Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh" để nói về những thân phận chìm nổi khổ cực của người phụ nữ trong xã hội xưa. HXH đã dùng thành ngữ ấy vào câu thơ của mình một cách đầy sáng tạo để nói về thân phận long đong vất vả của con người. Cụm từ "với nước non" nhấn mạnh thêm cuộc đời long đong chìm nổi, vất vả ấy. Giới từ "với" đi liền với hình ảnh "nước non" cho ta hiểu số phận cuộc đời người phụ nữ bấp bênh, chìm nổi, lên thác xuống ghềnh vì chồng con, vì mọi người, vì cả non sông đất nước. Một cuộc đời hi sinh vị tha như thế thật cao cả đáng thương đáng trân trọng biết bao nhiêu !
	Đến hai câu cuối thân phận người phụ nữ càng được nhấn mạnh thêm, phẩm hạnh bản chất đạo dức của chị em càng được đề cao hơn:
	Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
	Mà em vẫn giữ tấm lòng son
	Nếu câu thơ thứ hai nhà thơ cùng chị em than thở về số phận chìm nổi, long đong thì đến câu thứ ba là lời giải thích vì sao số phận họ lại như thế. Đấy là vì họ phải phụ thuộc vào người khác. Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn đã hình tượng hóa cuộc đời không được làm chủ, không được tự quyết định tương lai hạnh phúc của người phụ nữ xưa. Hai từ "rắn", "nát" đọc lên nghe thật tội nghiệp, thân phận con người ngỡ như một vật dụng nhỏ nhoi, tầm thường nhất. Nhưng bản lĩnh con người nhất là một người như HXH luôn luôn vượt lên trên cảnh ngộ. Do đó hai câu cuối đã tạo nên một kết cấu đối lập rất ấn tượng. Đó là sự đối lập giữa cảnh ngộ và nhân phẩm. Mặc dầu cuộc đời em đau khổ hoàn toàn phụ thuộc vào kẻ khác nhưng em vẫn giữ vững tấm lòng son sắt thủy chung. Rõ ràng người phụ nữ VN đã vượt lên trên, đã thách thức và chiến thắng hoàn cảnh, chiến thắng số phận để giữ vững phẩm chất đạo đức tấm lòng nhân hậu tròn đầy chung thủy với cuộc đời, với con người. Hình ảnh tấm lòng son ở cuối bài thơ ánh lên vẻ đẹp của bản lĩnh làm người, thắm đỏ tình người, sẽ sáng mãi trong tâm hồn bạn đọc của chúng ta.
	Tóm lại chỉ với bốn câu thơ hai mươi tám chữ, ngôn ngữ bình dị, chủ yếu là thuần Việt, bài thơ "Bánh trôi nước" đã cho ta thấy hình thể xinh đẹp, phẩm chất trong trắng son sắt cùng thân phận chìm nổi của người phụ nữ VN xưa một cách sâu sắc. Với bài thơ này nữ sĩ Xuân Hương đã hai lần hóa thân, vừa làm chiếc bánh trôi vừa nhân danh người phụ nữ để tâm sự với bạn đọc, truyền tới bạn đọc những tình cảm trong sáng, nhân đạo nhân văn ngọt ngào, thắm thiết. "Bánh trôi nước" đúng là một áng văn chương đa nghĩa độc đáo làm thành đóa hoa tươi trong "khoảng vườn xuân hoa tươi sắc" . Càng đọc thơ Xuân Hương ta càng khám phá ra bao điều mới lạ và hấp dẫn. Ngày nay, người phụ nữ đã tiếp bước và làm nên bao điều rạng rỡ cho núi sông như bà Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Định, bà Trương Mĩ Hoa v.v...nhưng chúng ta sẽ mãi nhớ, mãi cảm thông và trân trọng những người phụ nữ Việt ngày xưa đã vượt lên hoàn cảnh, số phận để bảo vệ phẩm chất truyền thống tốt đẹp của mình.
 Hết
 Đề tài TTVH 
 SUY NGHĨ TỪ NHÂN VẬT ĐÔN KI-HÔ-TÊ
 ( Qua đoạn trích "Đánh nhau với cối xay gió"- Xéc- van-tét)
 Kính thưa các thầy cô giáo ! 
 Cùng các bạn học sinh thân mến !
	Thời gian cứ trôi qua, dù năm tháng đổi thay, những đền đài rồi sụp đổ, những tranh tượng rồi tiêu tan nhưng các tác phẩm kiệt xuất thì sẽ tồn tại bền bỉ mãi cùng thời gian như dòng sông chảy mãi, bồi đắp phù sa và tưới mát tâm hồn bao thế hệ người đọc hôm qua, hôm nay và mai sau.
	Vâng, đến với buổi thuyết trình văn học hôm nay, em xin được góp đôi điều suy nghĩ của mình về một nhân vật bất hủ trong tác phẩm văn học kiệt xuất "Đôn Ki -hô -tê" của nhà văn Xéc-van- tét. Đó chính là chàng hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê (hay còn được gọi là Đôn Kisốt). Có thể nói rằng nhân vật này đã để lại cho tất cả bạn đọc nhiều suy nghĩ sâu sắc và những bài học thiết thực khó quên . 
 Kính thưa thầy cô và các bạn! 
	Nhắc đến Mi ghen Xéc- van- tét là ta nhớ đến một nhà văn sinh ra và lớn lên trong một gia đình quí tộc nhỏ và sa sút ở thị trấn He -na -res, gần thủ đô Ma-đơ-rít, nước Tây Ban Nha. Tuổi niên thiếu của ông là những cuộc di chuyển phiêu lưu vô định để tìm kế sinh nhai theo gia đình (mà người cha là một ông lang nghèo). Nhập ngũ và chiến đấu trên đất nước I-ta-li-a, ông bị thương nặng. Trên đường về nước lại bị bắt và bị cầm tù. Sau 17 năm lưu lạc và 5 năm tù đày, Xéc-van-tét trở về nước, sống nghèo túng bằng nghề thu thóc thuế ở các làng quê và viết văn.
	Năm 1605, khi Xéc-van-tét 58 tuổi, ông trở nên hết sức nổi tiếng với phần đầu tập truyện "Nhà kị sĩ Đôn Ki-hô-tê". Tập tru ... n-tét ! Đến năm 1613, tác giả hoàn thành bộ tiểu thuyết vĩ đại dài 126 chương của mình.
	"Đôn Ki-hô-tê" là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của thời kì này. Qua đó Xéc- van- tét chế giễu những tàn dư của lý tưởng hiệp sĩ phiêu lưu, đả kích một thị hiếu tầm thường đang phổ biến trong công chúng, đồng thời qua đó tác giả cũng đả kích mạnh mẽ vào loại tiểu thuyết hiệp sĩ hoang đường.
	Tiểu thuyết gồm hai phần. Phần 1 gồm 52 chương xuất bản 1605, phần 2 gồm 70 chương, xuất bản 1615. Có thể tóm tắt truyện ngắn gọn như sau: 
Phần thứ nhất: Một quí tộc nghèo ở vùng Ki-ha-đa gầy gò, cao lênh khênh, tuổi khoảng 50, lúc nào cũng muốn trở thành hiệp sĩ lang thang tiêu diệt cái ác lập lại công lí. Nguyên do chính là lão đọc quá nhiều truyện kiếm hiệp phiêu lưu nên mụ mẫm cả đầu óc. Lão phong cho con ngựa còm là chiến mã Rô-xi-nan-tê còn mình là hiệp sĩ xứ Man-cha. Ngoài ra để đúng với cái tên gọi là hiệp sĩ lão cũng phong cho một nữ nông dân bình thường lão thầm yêu trộm nhớ xưa kia là công nương Đuyn-xi-nê-a. Cùng đi với lão là bác nông dân Xan-chô Pan-xa. Đôn Ki-hô-tê đánh nhau với những cái mà lão cho là "chướng tai gai mắt" vì không theo ý lão. Kết quả là lão luôn bị đánh nhừ tử và những người thân phải đem lão về nhà chữa trị.
Phần hai: Mặc dù mọi người khuyên lão ở nhà nhưng lão vẫn ra đi. Lão lại tiếp tục đánh nhau và kết quả cùng như những lần trước, lão luôn bị nhừ tử. Trong trận đấu cuối cùng với hiệp sĩ Vầng trăng bạc, lão bị đánh ngã và phải cam kết trở về nhà. Sau đó lão ốm nặng. Đến lúc này, lão mới nhận ra hậu quả của niềm mê say các tiểu thuyết hiệp sĩ một cách thái quá. Đôn Ki-hô-tê viết di chúc và qua đời.
	 Đây là một kiệt tác sáng ngời chủ nghĩa nhân văn cao đẹp làm cho tên tuổi Xec-van-tet trở nên bất tử với nhân loại, với thời gian. Tác phẩm đã ghi lại bao chiến tích của người hùng Đôn Ki-hô-tê, mà đỉnh cao là cuộc phiêu lưu đánh nhau với cối xay gió. 
	Như ta đã biết qua phần tóm tắt cốt truyện là Đôn Ki-hô-tê rất say mê các truyện hiệp sĩ phiêu lưu, mạo hiểm, đầu óc lão ngày càng trở nên mụ mẫm chìm đắm trong mộng tưởng hão huyền. Lão ước mơ trở thành một hiệp sĩ giang hồ đi khắp đât nước TBNha, phò đời cứu nguy, diệt trừ lũ khổng lồ yêu quái, thiết lập lại trật tự và công lí, để lại bao chiến công oanh liệt cho đời. 
	Sau trận đánh với bọn lái buôn thất bại, vì họ không công nhận là Đuyn-xi-nê-a là đẹp nhất trần gian, Đôn Ki-hô-tê bị nện một trận nhừ tử, bị bắt đưa về làng một thời gian, giờ đây lão ta lại ra đi với mộng chiến công mới. Lần này có quan giám mã Xan-chô theo hầu. Trận đánh nhau với lũ cối xay gió là một trận đánh nảy lửa, là đỉnh cao của màn hài kịch, chế giễu những kẻ ngông cuồng mê muội luôn sống trong mộng tưởng hão huyền. 
	Trận đánh diễn ra vào lúc ban trưa. Từ xa nhìn thấy ba bốn chục chiếc cối xay gió giữa đồng, hiệp sĩ xứ Man-tra reo lên vì vận may đã đến, quân địch là mấy chục tên khổng lồ hung tợn mà cánh tay của mỗi đứa dài gần hai dặm. Lão phải kết liễu đời lũ khổng lồ yêu quái này, trước là để thu chiến lợi phẩm mà trở nên giàu có, sau nữa là để quét sạch cái giống xấu xa này ra khỏi mặt đất và để phụng sự Chúa. Phải công bằng mà nói, tuy lão có nhìn gà hóa cáo nhưng mục tiêu của lão không kém phần thiêng liêng ! Mặc dù đã được giám mã Xan-chô can ngăn hết lời nhưng hiệp sĩ vẫn bỏ ngoài tai hết. Trước khi giao chiến, Đôn Ki-hô-tê nói rất hùng hồn, lúc thì quát nạt giám mã: nếu anh sợ thì hãy lánh xa ra mà cầu kinh trong lúc ta sẽ đương đầu với chúng trong một cuộc giao tranh điên cuồng và không cân sức lúc thì lão thét lớn đằng đằng sát khí: lũ súc sinh kia, không được chạy trốn! Có ta là hiệp sĩ một thương một mã đến đọ sức với bọn ngươi đây! lúc thì oai phong lẫm liệt cảnh cáo: dù cho bọn ngươi có vung nhiều cánh tay hơn gã khổng lồ Bri-a-rê-ô các ngươi cũng sắp phải đền tội !. Trước khi giao tranh với lũ khổng lồ, ĐKHT không quên cầu mong nàng Đuyn-xi-nê-a phù hộ và giúp cho trong cơn nguy biến này. Tư thế của lão hiệp sĩ vô cùng dũng mãnh, hiên ngang lấy khiên che kín thân, tay lăm lăm ngọn giáo, lão thúc con ngựa Rô-xi-nan-tê phi thẳng tới chiếc cối xay gió gần nhất...Lão đâm mũi giáo vào cánh quạt. Tưởng là lũ khổng lồ sẽ đổ máu xương tan. Ai ngờ gió làm cánh quạt quay tít khiến ngọn giáo gãy tan tành. Còn đây là hình ảnh lão hiệp sĩ lừng danh trên chiến địa: cả người và ngựa ngã văng ra xa. Lúc quan giám mã thúc lừa tới cứu thì đã thấy chủ tướng nằm không cựa quậy sau cái ngã như trời giáng.
	Nghệ thuật dựng cảnh và kể rất tài tình làm hiện lên trận đánh thời trung cổ. Có dàn trận có đấu khẩu trước lúc giao phong có cảnh đánh nhau dữ dội quyết tử, có bãi chiến trường sau trận đánh. Hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê bỗng chốc đã trở thành một người hùng đích thực rất đáng kính phục, nhưng suy nghĩ tỉnh táo một chút, người đọc lại bật cười bởi vì mục đích và hành động của Đôn ki-hô-tê là đúng đắn tốt đẹp nhưng đối tượng không phải là lũ quỉ khổng lồ mà chỉ là những cái cối xay gió hiền lành vô tội. Bởi vì chàng sống trong ảo mộng hão huyền, sự mụ mẫm đã lên đến tột độ, cối xay gió mà lão tưởng là khổng lồ quái vật ! Ngôn ngữ khoác lác trống rỗng cũng thét vang lúc xung trận. Cử chỉ, điệu bộ và hành động cũng rất tự tin, đàng hoàng, cực kì oai phong lẫm liệt ! Đúng là coi cái chết nhẹ tựa lông hồng ! Và người đọc cũng không nhịn được cười khi lão hiệp sĩ cầu cứu tình nương trước lúc giao tranh ! Hình ảnh Đôn Ki-hô-tê nằm yên không cựa quậy trên mặt đất trước cặp mắt của giám mã là nét vẽ biếm họa đặc sắc nhất có giá trị chế giễu tầng lớp hiệp sĩ thời trung cổ đã lỗi thời ! Đoạn văn thật hài hước và hóm hỉnh.
	"Chết nhưng cái nết không chừa", bị thảm bại nhục nhã mà vẫn còn viễn vông hoang tưởng, trước lời an ủi của giám mã, Đôn Ki-hô-tê đã chỉ cho anh kéo lừa biết rằng cái nghề cung kiếm thường biến hóa khôn lường, nghĩa là sự thắng bại là chuyện bình thường. Nguyên nhân của sự thất bại, theo Đôn Ki-hô-tê là rất bất ngờ là do lão pháp sư Phơ-re-xton đã đánh cắp sách vở của lão. Hắn đã thâm thù lão nên đã tước đi phần vinh quang chiến thắng của lão! Phải chăng đó là khẩu khí của hiệp sĩ xứ Man-cha lừng danh thiên hạ ! 
	Chủ thì như vậy, còn chiến mã Rô-xi-nan-tê thì sao? Thương cho con ngựa gầy nhom bị toạc nửa vai vẫn phải cõng chủ. Đôn Ki-hô-tê quyết đi về phía cảng, hi vọng sẽ được gặp nhiều chuyện phiêu lưu khác để thi thố tài năng. Hiệp sĩ tỏ ra rất buồn phiền vì cái giáo bị gãy. Sách vở kiếm hiệp lại ru lão vào giấc mộng hão huyền. Lão nhắc tới hiệp sì Tây Ban Nha ngày xưa là Va-gax giữa trận đánh bị gãy gươm, đã nhổ cây sồi làm vũ khí để tiêu diệt quân Mô-rô, nhờ thế mà trở nên bất tử với biệt hiệu "hiệp sĩ diệt đich", làm rạng rỡ muôn đời con cháu mai sau. Kể lại câu chuyện ấy để làm gì? Có phải Đôn Ki-hô-tê muốn nói lên chí hướng của mình, muốn theo gương người xưa là cũng sẽ nhổ cây để diệt địch, sẽ lập nên những chiến công hiển hách chăng? Mà giám mã sẽ là người có diễm phúc được mục kích ! Qua đó ta thấy Đôn Ki-hô-tê vẫn kiêu hùng tự tin đầu óc ông ta quá mê muội hoang tưởng đến cực độ! 
	Nét "anh hùng" của Đôn Ki-hô-tê còn được thể hiện thật buồn cười khi giám mã thật thà nhắc lại sự thất trận vừa qua, cái ngã chắc hẳn làm ngài vẹo sang một bên thì chàng hiệp sĩ hồn nhiên trả lời: Đúng thế ! Và ta không kêu đau là vì các hiệp sì giang hồ có bị thương thế nào cũng không được rên rỉ, dù xổ cả gan ruột ra ngoài. Khi Xan-chô tâm sự là nếu có bị gai đâm thì cũng sẽ rên la thì ông chủ tài ba đã không nhịn được cười, đĩnh đạc nói với giám mã cứ việc rên la vì cho tới nay chưa thấy sách kiếm hiệp nào ngăn cấm cả.
	Lại nói đến chuyện ăn ngủ của hai thầy trò chàng hiệp sĩ. Hai thầy trò cùng đi giang hồ, với lí tưởng dẹp bất công, cứu nguy phò đời nhưng trong tâm hồn, tính cách là hai thế giới riêng biệt! Đến giờ ăn chẳng hiểu vì sao mà hiệp sĩ chưa cần ăn. Còn Xan-chô, sau khi được phép của chủ, ngồi thoải mái trên lưng lừa ung dung đánh chén, tu bầu rượu một cách ngon lành. Xan-chô vừa tu rượu là đã quên ngay những lời hứa hẹn của chủ phong cho anh ta làm thống đốc sau này. Giám mã vui vẻ suy ngẫm về cái nghề đi tìm kiếm chuyện phiêu lưu dù có nguy hiểm đến đâu, cũng chẳng vất vả. Đó là một nét vẽ hài hước về cái sự "miếng ăn ở gần, còn ước mơ xa" ở đời ! Sau chuyện ăn là chuyện ngủ. Đêm đến hai thầy trò nằm dưới gốc cây. Giám mã đã no say làm một giấc ngon lành cho đến sáng. Trái lại Đôn Ki-hô-tê thì suốt đêm thao thức. Chàng bẻ một cành khô lắp vào cái cán gãy làm thành ngọn giáo ! Chàng trằn trọc thâu đêm vì thương nhớ tình nương Đuyn-xi-nê-a. Chiều qua đã nhịn, sáng nay lại không ăn. Chẳng phải vì đau mà không ăn được mà là vì chàng đang sống trong mộng mị, vì chỉ nghĩ đến người yêu cũng đủ no rồi!
	Xan-chô tuy là một nhân vật phụ nhưng đó là nét vẽ bổ trợ, rất sống động, có giá trị làm nổi bật cái tính cách điên rồ mụ mẫm ôm ấp những mộng tưởng hão huyền của nhân vật chính Đôn Ki-hô-tê. Thưa các thầy cô !
	Cảnh đánh nhau với cối xay gió đã ghi lại được chiến công hiển hách của Đôn Ki-hô-tê, hiệp sĩ xứ Man -cha. Với thủ pháp trào lộng, phóng đại và tương phản đối lập trong kể chuyện để dựng cảnh, ta thấy hiện lên trang hiệp sĩ lỗi thời thời trung cổ Tây Ban Nha: Đôn Ki-hô-tê là một con người đầy ảo mộng đến mức hoang tưởng. Lão mang trong mình những khát vọng cao đẹp , hành động dũng cảm, bản lĩnh kiên cường ... nhưng lại có những nhầm lẫn trong suy nghĩ, gàn dở trong việc làm. Đó là vì lão quá đam mê những trang sách kiếm hiệp đã cũ kĩ lỗi thời nên hoang tưởng rồi làm theo sách một cách mê muội điên rồ. Nhân vật Đôn Ki-hô-tê vừa đáng buồn cười vừa đáng yêu mến , vừa cảm thấy đáng trách mà vừa lại đáng thương. Chúng ta cần học hỏi những điểm tốt của nhân vật như sống có lí tưởng, có khát vọng cao đẹp, hành động dũng cảm, bản lĩnh kiên cường, sẵn sàng xả thân vì cái tốt, vì cuộc sống. Nhưng không nên bắt chước lão làm theo điều xấu trong sách một cách gàn dở và điên rồ. Có một số bạn học sinh chúng ta ngày nay dù không mê truyện hiệp sĩ lỗi thời như Đôn Ki-hô-tê nhưng cũng mê những trò giải trí trên mạng in-tơ-nét như chơi game để rồi bỏ bê việc học, dẫn đến có những hành động sai trái gây ra những hậu quả khôn lường. Văn học là nhân học, mỗi tác phẩm văn học mỗi nhân vật văn học đều có giá trị nhân văn mang tính giáo dục sâu sắc. Chúng ta hãy học hỏi những gì là tốt đẹp và loại bỏ những điều xấu xa ra khỏi cuộc sống hàng ngày để cùng vươn tới chân -thiện- mĩ.
	Để kết thúc bài thuyết trình của mình em xin được thay mặt nhiều độc giả cảm ơn nhà văn vĩ đại Xéc-van-tét đã đưa chúng ta đến với đất nước Tây Ban Nha thơ mộng cùng những chiếc cối xay gió lạ lùng, đưa chúng ta đến với trận đánh "có một không hai" trong lịch sử nhân loại làm quen với chàng hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê bất hủ, để rồi từ đó ta tự rút ra cho mình những bài học bổ ích nhất.

Tài liệu đính kèm:

  • docDe tai TTVH le my.doc