Một vài bài văn hay lớp 8

Một vài bài văn hay lớp 8

Đề ra : Phân tích bài ca dao " Mây và bông "

Bài làm : Mặc dù đã qua đi hàng ngàn năm sàng lọc khắc nghiệt của thời gian rồi nhưng đến hôm nay đọc lại những bài ca dao trong kho tàng văn học dân gian của nước nhà chúng ta còn cảm thấy bao nhiêu điều hấp dẫn và thú vị . Là bởi , không chỉ chúng ta tìm thấy ở đó sự cuốn hút của tinh hoa ngôn ngữ dân tộc được chưng cất qua nhiều thế hệ mà còn tìm thấy ở đó những sự trải lòng mộc mạc , giản dị mà sâu lắng của cha ông ta một thủa . " Mây và bông " chính là một bài ca dao như thế - một bài ca dao rất đáng đọc với những câu thơ thực sự tài hoa :

" Trên trời mây trắng như bông

 Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây

 Mấy cô má đỏ hây hây

 Đội bông như thể đội mây về làng "

 Phàm là người Việt Nam nếu đã sẵn có tấm lòng yêu mến thiết tha tiếng mẹ đẻ thì chẳng ai là không thuộc lòng bốn câu lục bát quen thuộc của bài ca dao này . Có một cái gì đó ở trong những con chữ giản dị ấy đã mang đến cho chúng ta một thứ cảm giác rất trong trẻo , rất bình yên . Đây chính là một trong những ngữ ảnh đẹp đẽ nhất về cuộc sống lao động của người xưa .

 Không khó để nhận ra đây là một bức tranh sinh động về khung cảnh của một buổi thu hoạch bông . Bức tranh ấy đã được tác giả dân gian mở ra với một không gian thật khoáng đạt . Dù chỉ là một sự so sánh rất đơn giản : so sánh màu trắng giữa mây với bông rồi lại giữa bông với mây . Nhưng chính cách đan xen này đã tạo nên một sự cộng hưởng thật tuyệt vời . Nó mở ra trước mắt người đọc một màu trắng tinh khôi hun hút tầm mắt nhìn . Không gian của cánh đồng bông vì thế trở nên thật rộng rãi , thật thoáng đãng và hứa hẹn một mùa vàng bội thu . Cái nhìn của người lao động đối với cánh đồng quê hương của mình mới đẹp đẽ , mới thơ mộng biết bao !

 

doc 6 trang Người đăng haiha30 Lượt xem 1087Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Một vài bài văn hay lớp 8", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề ra : Phân tích bài ca dao " Mây và bông "
Bài làm : Mặc dù đã qua đi hàng ngàn năm sàng lọc khắc nghiệt của thời gian rồi nhưng đến hôm nay đọc lại những bài ca dao trong kho tàng văn học dân gian của nước nhà chúng ta còn cảm thấy bao nhiêu điều hấp dẫn và thú vị . Là bởi , không chỉ chúng ta tìm thấy ở đó sự cuốn hút của tinh hoa ngôn ngữ dân tộc được chưng cất qua nhiều thế hệ mà còn tìm thấy ở đó những sự trải lòng mộc mạc , giản dị mà sâu lắng của cha ông ta một thủa . " Mây và bông " chính là một bài ca dao như thế - một bài ca dao rất đáng đọc với những câu thơ thực sự tài hoa :
" Trên trời mây trắng như bông
	ở dưới cánh đồng bông trắng như mây
	Mấy cô má đỏ hây hây
	Đội bông như thể đội mây về làng "
	Phàm là người Việt Nam nếu đã sẵn có tấm lòng yêu mến thiết tha tiếng mẹ đẻ thì chẳng ai là không thuộc lòng bốn câu lục bát quen thuộc của bài ca dao này . Có một cái gì đó ở trong những con chữ giản dị ấy đã mang đến cho chúng ta một thứ cảm giác rất trong trẻo , rất bình yên . Đây chính là một trong những ngữ ảnh đẹp đẽ nhất về cuộc sống lao động của người xưa . 
	Không khó để nhận ra đây là một bức tranh sinh động về khung cảnh của một buổi thu hoạch bông . Bức tranh ấy đã được tác giả dân gian mở ra với một không gian thật khoáng đạt . Dù chỉ là một sự so sánh rất đơn giản : so sánh màu trắng giữa mây với bông rồi lại giữa bông với mây . Nhưng chính cách đan xen này đã tạo nên một sự cộng hưởng thật tuyệt vời . Nó mở ra trước mắt người đọc một màu trắng tinh khôi hun hút tầm mắt nhìn . Không gian của cánh đồng bông vì thế trở nên thật rộng rãi , thật thoáng đãng và hứa hẹn một mùa vàng bội thu . Cái nhìn của người lao động đối với cánh đồng quê hương của mình mới đẹp đẽ , mới thơ mộng biết bao !
	Nhưng nếu như ở hai câu đầu của bài ca dao nói trên chỉ là những miêu tả thuần túy thì ở hai câu còn lại mới càng trở nên đáng yêu hơn bởi sự xuất hiện của hình ảnh con người . Đó thực sự là những hình ảnh trung tâm của cái đẹp :
	" Mấy cô má đỏ hây hây
	Đội bông như thể đội mây về làng "
Nếu không có một tình cảm gắn bó và yêu mến thiết tha đối với cuộc sống lao động của quê hương cũng như nếu không có một tâm hồn thật tài hoa và nhạy cảm thì làm sao những nghệ sĩ dân gian thủa ấy lại có thể viết được những vần thơ tuyệt vời đến vậy . Hình ảnh những thôn nữ " má đỏ hây hây " trở thành một điểm nhấn làm say lòng người . Màu má đỏ của các cô không phải là những son phấn tô vẽ mà đó chính là cái đẹp tự nhiên trong quá trình lao động . ánh nắng mặt trời chiếu xuống trên cánh đồng bông trong mùa thu hoạch đã làm hồng lên khuôn mặt trẻ trung của họ . Cách sử dụng từ láy " hây hây " đã làm cho câu thơ bừng lên một sức sống thật khỏe mạnh . Và bởi thế hình ảnh của những thôn nữ " Đội bông như thể đội mây về làng " trở nên thật mềm mại , thật uyển chuyển và thật đáng yêu . Mặc dù đó lại vẫn chỉ là một so sánh hết sức đơn giản . Họ đang mang về cho cuộc sống của mình thành quả của quá trình lao động , thành quả của quá trình dãi nắng , dầm mưa . Nhưng , dưới cái nhìn rất lãng mạn của tác giả bài ca dao này thì hình ảnh ấy lại trở thành một nguồn thi hứng thật đẹp . Họ - những thôn nữ bình dị ấy , chẳng khác gì những tiên nữ đang thoăn thoắt đi về trên những con đường nối liền giữa cánh đồng với làng quê . Chẳng còn thấy đâu sự vất vả cực nhọc của cảnh lao động nữa mà chỉ thấy tất cả đều tràn ngập một niềm vui . Đó chính là niềm vui rất trọn vẹn của người lao động đối với vụ mùa thắng lợi của mình .
	Bài ca dao đã khép lại với một bức tranh không thể gợi cảm hơn . Tất cả đều có một sự hài hòa gần như là tuyệt đối . Trong cái mênh mông của mùa bông bội thu đã có sự điểm xuyết rất tinh tế bởi nét má hồng trẻ trung của những người lao động . Dường như những cái đẹp rất tự nhiên của cuộc sống ấy đã chắp cánh cho sáng tạo để cho những tâm hồn phơi phới niềm lạc quan của những nghệ sĩ dân gian đã cùng nhau làm nên một kiệt tác có sức sống tới muôn đời . 
	Bốn câu thơ của bài ca dao nói trên thật ngắn nhưng cũng thật cô đọng và súc tích . Dường như nó đã khiến cho ai ai cũng trỗi dậy trong lòng mình những tình cảm thật đẹp đẽ đối với quê hương , đất nước . Những gì mà những tác giả dân gian gửi gắm ở đó đã làm cho áng trữ tình mộc mạc này luôn có sức âm vang dẫu lời đã tận .
 Đề ra : Hãy trình bày cảm nghĩ của em về đoạn thơ : 
	" Bầm ơi có rét không bầm
	Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn
	Bầm ra ruộng cây bầm run
	Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non
	Mạ non bầm cấy mấy đon
	Ruột gan bầm lại thương con mấy lần
	Mưa phùn ướt áo tứ thân
	Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu "
	( Trích " Bầm ơi " - Tố Hữu - Tiếng Việt 5 - Tập II )
	Bài làm : Tố Hữu là một cánh chim đầu đàn của thơ cách mạng Việt Nam . Trong hành trang sáng tác của mình , nhà thơ này đã có rất nhiều bài thơ nổi tiếng dành để nói về hình ảnh người mẹ . "Bầm ơi " là một thành công tiêu biểu nằm trong số đó . Đây là một dòng cảm xúc trữ tình thể hiện tình cảm nhớ thương tha thiết chân thành của một anh lính xa nhà đối với người mẹ kính yêu của mình . Tuy nhiên để lại trong lòng độc giả nhiều niềm xúc động hơn cả vẫn là đoạn thơ :
 " Bầm ơi có rét không bầm
	Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn
	Bầm ra ruộng cây bầm run
	Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non
	Mạ non bầm cấy mấy đon
	Ruột gan bầm lại thương con mấy lần
	Mưa phùn ướt áo tứ thân
	Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu "
	Mở đầu cho đoạn thơ nói trên nói trên là một câu hỏi tu từ vang lên như một lời gọi thiết tha : " Bầm ơi có rét không bầm ? " . Đó là một tiếng gọi có sức đồng vọng rất lớn vào lòng người . Anh lính nhớ về người mẹ của mình trong hoàn cảnh " Heo heo gió núi " và " lâm thâm mưa phùn " mà vẫn " Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non " . Các từ láy " heo heo " và " lâm thâm " được sử dụng rất hợp lý đã làm cho câu thơ chùng xuống khiến người đọc có một cảm giác nghèn nghẹn . Nó gợi lên tất cả sự chân thành sâu lắng . Nếu có thể hình dung đoạn thơ như một bức tranh tâm trạng thì hình ảnh người mẹ cấy lúa dưới đồng sâu kia chính là trung tâm của bức tranh ấy. Nhưng , tại sao khi đi xa người lính lại nhớ nhiều về hình ảnh này như vậy ? Bởi đó là một công việc lao động rất vất vả , cực nhọc . Trong cái lạnh cắt da , cắt thịt của những ngày đông tháng giá , người mẹ ở quê nhà của anh vẫn cặm cụi cấy lúa dưới cánh đồng sâu chân ngập trong bùn . Nỗi nhớ ấy khiến anh trỗi dậy một niềm thương mẹ vô bờ bến . Vì nhiệm vụ của người lính phải cầm súng đánh giặc xa nhà mà anh đã không thể sớm hôm đỡ đần cho mẹ . Câu thơ đọng lại trong lòng người vì cái sự hiếu thảo rất mực ấy của một đứa con xa ...
	Cũng phát triển từ hình ảnh người mẹ cấy lúa nói trên , đoạn thơ đã khép lại bằng những so sánh đầy gợi cảm . So sánh những " đon " mạ mẹ cấy với tình yêu thương con vô bờ của mẹ . Đem cái hữu hình mà nói tới cái siêu hình thì quả là một so sánh rất độc đáo . Mẹ đã vì ai mà sớm hôm vất vả một nắng hai sương . Đức hy sinh tuyệt vời của mẹ đã khiến cho ai ai cũng cảm thấy trào lên trong lòng mình một niềm tri ân sâu sắc . Người mẹ âm thầm , bình dị như con cò , con vạc trên những cánh đồng xa kia bổng sáng lên trên những vần thơ của Tố Hữu như một bức tượng đài của người mẹ Việt Nam truyền thống . Có lẽ cũng chính vì vậy mà khi đứa con xa giải bày nỗi lòng của mình rằng : " Mưa phùn ướt áo tứ thân - Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu " thì đã tạo nên sự đồng cảm rất lớn đối với người đọc . Là bởi , anh đã nói lên cái chữ hiếu thăm thẳm ngàn đời nay đã trở thành lẽ sống của con người Việt Nam . Cảm nhận được tình yêu thương vô tận mà người mẹ hiền đã dành cho những đứa con thơ , đến lượt mình anh cũng muốn dành cho mẹ một tình cảm thật lớn lao đẹp đẽ .
	Với thể thơ lục bát truyền thống , âm điệu ngọt ngào , lời lẽ mộc mạc giản dị đoạn thơ nói trên đã tìm được chổ đứng trong lòng độc giả . Tình cảm mẹ con thắm thiết dù là vấn đề muôn thủa nhưng vẫn luôn có sức nặng riêng của nó . Đoạn thơ nói trên nói riêng và cả bài thơ " Bầm ơi " của Tố Hữu nói chung không chỉ cho chúng ta hiểu thêm những nét đẹp rất đáng trân trọng trong đời sống tâm hồn của người lính mà còn có sức thức dậy trong tất cả mọi người những tình cảm nhân văn sâu sắc . Đó là lý do lý giải vì sao mà lời thơ của nhà thơ này dù luôn đơn sơ , bình dị nhưng vẫn luôn có sức tỏa sáng , vẫn luôn được đông đảo các thế hệ độc giả đón nhận . 
	Đề ra : Phân tích đoạn thơ sau :
	" Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
	Khắp dân làng tấp nập đón ghe về 
	"Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe "
	Những con cá tươi ngon thân bạc trắng
	Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
	Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
	Con thuyền im bến mỏi trở về nằm 
	Nghe chất muối lặng dần trong thớ vỏ "
	( " Quê hương " - Tế Hanh - Ngữ Văn 8 )
	Bài làm : Trong số các ngôi sao nổi bật trên bầu trời Thơ Mới của văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945 , nhiều bạn đọc gần xa yêu mến cái tên Tế Hanh vì bởi lẻ đây là thi sĩ của những vần thơ quê hương - một mảng đề tài rất dễ tìm được sự đồng điệu của tâm hồn . Hình ảnh về một làng quê sông nước đã nhiều lần vỗ sóng trên những trang thơ đằm thắm của nhà thơ nổi tiếng này và tất nhiên từ đó đã tạo nên những dư ba trong lòng độc giả . " Quê hương " chính là một bài thơ như thế . Có điều , để lại nhiều ấn tượng hơn cả đối với người đọc chính là đoạn thơ :
 " Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
	Khắp dân làng tấp nập đón ghe về 
	"Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe "
	Những con cá tươi ngon thân bạc trắng
	Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
	Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Con thuyền im bến mỏi trở về nằm 
Nghe chất muối lặng dần trong thớ vỏ "
Nếu như , bao trùm lên Thơ Mới là một nỗi sầu vạn cổ không có lối thoát thì người ta vẫn tìm thấy ở Tế Hanh một chất thơ thật trong trẻo với những cảm xúc rất trìu mến thiết tha . Không riêng gì bài thơ này mà ở nhiều sáng tác khác Tế Hanh cũng mang lại cho người đọc một cảm giác như thế . Từng có một " Nhớ con sông quê hương " làm say lòng người với những :
" Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là buổi nắng trưa hè
Tỏa ánh xuống dòng sông lấp loáng ... "
Thì ở đoạn thơ này , nhà thơ đã truyền cho độc giả cái chất men thực sự vì một không khí bình yên , no đủ khi những người dân chài lưới đang vui vẻ mang về cho cuộc sống của mình thành quả tuyệt vời của quá trình lao động . Các từ láy " ồn ào " và " tấp nập " đã vẽ lên một bức tranh náo nhiệt , tưng bừng của cái cuộc sống đơn sơ , bình dị ấy . Câu thơ như mở ra trước mắt người đọc hình ảnh của một bến cảng tươi vui .Và - những người con của vùng quê chài lưới ,sông nước ấy đang mở lòng chào đón những người xa khơi trở về như chào đón những vị anh hùng . " Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe " là câu nói cửa miệng của con người nơi đây . Khi mà công việc ra khơi tiềm ẩn rất nhiều sự hiểm nguy thì không có gì ngạc nhiên khi mọi ngư dân đều luôn tôn sùng các thế lực siêu nhiên huyền bí . Họ cho rằng công việc của mình phụ thuộc nhiều vào sự giúp đỡ của thần sông , thần biển ... Rõ ràng , Tế Hanh đã nói được rất thật cái nét đặc trưng của cuộc sống sông nước quê ông .
Cách nói " Những con cá tươi ngon thân bạc trắng " rất giàu tính tả thực nhưng cũng đủ để hiện lên ở đó cái đẹp của sự sống - một sự sống hồn nhiên , khỏe mạnh . Con người đã dũng cảm dong buồm chinh phục biển khơi , khai thác nguồn tài nguyên bao la kia của tổ quốc để phục vụ cho cuộc sống của mình . Và cũng chính từ trong lòng cuộc sống lao động tuyệt vời ấy , những con người thường xuyên gắn bó với sông nước bổng trở nên nổi bật với một dáng vẻ đầy gợi cảm : " Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng - Cả thân hình nồng thở vị xa xăm " . Dường như , chính sự hồn nhiên , tươi rói của cuộc sống nơi đây đã đọc thơ cho Tế Hanh chép . Câu thơ không hề trau chuốt nhưng vẫn có sức lay động lòng người . Cái vẻ đẹp " làn da ngăm rám nắng " là rất trẻ trung và hiện đại . Đúng với những gì mà con người lao động vẫn hằng ngày ăn sóng nằm gió với sông nước , biển trời nơi đây . Và , cũng chính là từ cuộc sống ấy đã tạo cho họ một tư thế ngang tàng rất đáng ngưỡng mộ . Đó là tư thế : " Cả thân hình nồng thở vị xa xăm " . Có vẻ như họ đã mang trên mình bóng dáng của tất cả biển trời . Đó là một hình ảnh ẩn dụ rất độc đáo vút lên niềm tự hào của tác giả đối với cái đẹp của quê hương . Phải là một con người sâu tình nặng nghĩa lắm với mảnh đất của ông cha thì nhà thơ Tế Hanh mới có thể viết lên được những câu thơ có có sức lắng đọng đến như vậy . 
Cũng như con người , hình ảnh những con thuyền luôn hiện lên trong thơ Tế Hanh như là biểu tượng cho một làng quê lưới chài , sông nước . Và khi những chủ nhân của nó đã trở về nghỉ ngơi sau một chuyến ra khơi thắng lợi thì nó cũng bổng nên rất có tâm hồn . Đó là một hình ảnh đẹp khép lại đoạn thơ đầy ấn tượng " Con thuyền im bến mỏi trở về nằm - nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ " . Một câu thơ được sử dụng biện pháp nhân hóa rất tài tình khiến cho nhiều độc giả reo lên vì thích thú . Cái chất muối , chất đại dương , chất sóng gió ... không chỉ in bóng lên con người mà còn hằn lên trên những con thuyền im lìm phơi mình trên bến nghỉ . 
Không nhiều trong các sáng tác trứ danh của phong trào Thơ Mới có được một tiếng thơ trong sáng đầy tình cảm trìu mến thiết tha như vậy . Bài thơ nói chung và đoạn thơ này của Tế Hanh nói riêng đã thực sự tìm được chổ đứng trong lòng độc giả . 
Đề ra : Trình bày những cảm nghĩ sâu sắc nhất của em sau khi học xong đoạn trích " Trong lòng mẹ " trích " Những ngày thơ ấu " - Nguyên Hồng - Ngữ Văn 8
Bài làm : Nguyên Hồng là một nhà văn hiện thực lớn của nền Văn Học Việt Nam . Quảng đời ấu thơ cay đắng , bất hạnh , thiếu thốn tình thương mà chính nhà văn này phải nếm trải đã là nguồn cảm hứng mạnh mẽ , chân thành để giúp ông viết thành công cuốn tiểu thuyết tự truyện " Những ngày thơ ấu "làm xúc động lòng người . Chỉ cần tìm hiểu đoạn trích " Trong lòng mẹ " chúng ta cũng sẽ phần nào thấy rõ điều này .
Để tìm hiểu một tác phẩm có tính chất tự truyện như " Những ngày thơ ấu " , trước hết chúng ta phải có những hiểu biết nhất định về cuộc đời của nhà văn . Rằng , chính những sự thiếu thốn tình mẫu tử ám ảnh trong suốt một thời gian dài của quãng đời ấu thơ mà hình ảnh người mẹ luôn là tâm điểm trên nhiều trang viết của Nguyên Hồng . Không có người mẹ khổ đau nhưng nhân hậu vô cùng này thì chắc chắn không có tài năng Nguyên Hồng . Chính ông cũng đã rất ý thức được điều này cho nên để đề từ cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nói trên nhà văn đã viết một cách rất trịnh trọng là " Kính tặng mẹ tôi " . Ông muốn đem chút thành công của mình mà vừa để xoa dịu cho nỗi đau của cuộc đời người mẹ và cũng vừa để thể hiện niềm tri ân sâu sắc của mình đối với mẹ kính yêu .
 Nhưng , đọc " Những ngày thơ ấu " nói chung và đoạn trích " Trong lòng mẹ " nói riêng trước hết chúng ta phải thấy rằng nổi bật lên ở đó là giá trị hiện thực . Cũng như các cây bút hiện thực khác , tác giả Nguyên Hồng muốn thông qua hiện thực mà tố cáo xã hội . Một xã hội với bao nhiêu hủ tục tàn nhẫn và lạc hậu đã đày đọa lên cuộc sống của con người lương thiện , đặc biệt là những người phụ nữ. Để rồi hai mẹ con của chính nhà văn đã trở thành nạn nhân đáng thương cho những điều tồi tệ ấy .
 Người mẹ trong câu chuyện là một mảng đời đen tối của người phụ nữ trong xã hội cũ . Đó là một người đàn bà dịu hiền và có nhan sắc nhưng phải gắn cuộc đời son trẻ của mình với một người chồng già nghiện ngập . Đã thế , sau khi chồng qua đời bà lại bị gia đình chồng ra sức khinh ghét ruồng rẫy và xua đuổi . Dù rất thương con ( tức là cậu bé Hồng - kết quả của cuộc hôn nhân éo le , bất hạnh nói trên ) nhưng người đàn bà khốn khổ ấy phải tha phương cầu thực . Một thời gian dài sau đó hai mẹ con họ vì thế không được sống gần nhau .
Cậu bé Hồng - nhân vật xưng tôi trong đoạn trích ( và cũng là trong toàn thiên tiểu thuyết ) như đã nói là nhân vật tự truyện của nhà văn Nguyên Hồng đã sinh ra trong một gia đình như thế . Mồ côi bố từ thủa nhỏ , mẹ phải lang bạt kiếm ăn nơi đất khách quê người , cậu bé phải sống với gia đình đàng nội - một cuộc sống thiếu thốn tình yêu thương . Nhưng điều tồi tệ hơn là những người ruột rà của cậu bé , nhất là bà cô , đã ra sức gièm pha , bôi nhọ hình ảnh người mẹ của cậu những muốn cho cậu bé khinh miệt , căm giận mẹ mình . Đoạn trích vì thế đã diễn tả một cuộc đấu tranh thầm lặng nhưng quyết liệt giữa một bên là niềm tin thơ ngây của bé Hồng đối với người mẹ của mình và bên kia là những kỳ thị , gièm pha độc địa của bà cô . Chất hiện thực của vấn đề đã toát lên lời tố cáo xã hội sâu sắc . Một xã hội với những định kiến hà khắc cũng như cái lớp sơn son đạo đức giả tạo đã luôn cố tình giết chết mọi ước mơ hạnh phúc bình dị nhất của con người . Nó khiến cho ngay cả một cậu bé như bé Hồng cũng không giấu nổi ý thức phản kháng " giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi ấy là một vật cụ thể như hòn đá , cục thủy tinh , hay đầu mẩu gỗ tôi quyết vồ ngay lấy , nhét vào miệng , nghiến cho kỳ vụn như cám mới thôi " . Thái độ phản kháng ấy dù chỉ đến trong suy nghĩ rất ngây thơ của một đứa trẻ nhưng đã cho thấy sắc thái tố cáo rõ rệt . Nhà văn , từ góc độ hiện thực mà nói đúng hơn là người trong cuộc đã thể hiện một cách chính xác tư tưởng phản kháng của mình .
Những biểu hiện tàn nhẫn cùng với những âm mưu cay độc của bà cô chỉ hướng tới một mục đích rất thiếu nhân tính đó là làm sao chia rẽ tình mẹ con của bé Hồng , khiến cho bé Hồng phải cự tuyệt người mẹ ngay từ trong suy nghĩ . Cái ác rất đáng lên án của nhân vật bà cô kia là sản phẩm mang tính tất yếu của thời đại . Nó ra đời trong lòng hình thái xã hội làm ăn theo kiểu sản xuất nhỏ , manh mún của chế độ phong kiến . Khi mà con người trong xã hội ấy , đặc biệt là tầng lớp thượng lưu luôn có một lối sống ích kỷ , không bao giờ muốn ai đó xung quanh khá lên được . Bà cô của bé Hồng đã không mảy may thông cảm cho cảnh ngộ đáng thương của người chị dâu , cũng không hề quan tâm tới những mơ ước tình cảm chính đáng của đứa cháu mà chỉ ra sức làm những điều ngược lại . Bà ta đã không hề ngần ngại thêu dệt nhiều thông tin để bôi nhọ người chị dâu khổ sở của mình . Rằng đó là một kẻ sa cơ nơi đầu đường , xó chợ , khố rách áo ôm , thân tàn ma dại ; chưa đoạn tang chồng đã vội có con với người khác . Và rằng , từ lâu người mẹ ấy không hề quan tâm vì mình đã có một đứa con như bé Hồng tội nghiệp trên cõi đời . Những lời nói xấu xa ấy từ bà cô đã khiến cho cậu bé Hồng bị tổn thương rất lớn . Dù cậu bé không tin vào lời của bà cô , dù cậu đã nhiều lần nhận thấy " nụ cười rất kịch " từ con người ấy nhưng với nhận thức thơ ngây của một đứa trẻ thì tất cả vẫn làm cho tâm hồn cậu bé tan nát . Nỗi thống khổ ấy của nhân vật vì thế rất khiến người đọc thương xót .
Nhưng cuộc đời không phải bao giờ cũng chỉ có toàn là những vị đắng . Vẫn có những khoảnh khắc tuyệt vời để cho những số phận cay đắng nhất có thể nhìn thấy hạnh phúc . Đó là khi rốt cục bé Hồng đã được hội ngộ với người mẹ của mình . Đây là một phần chuyện mà tác giả Nguyên Hồng đã thể hiện với tất cả sự thăng hoa đẹp đẽ nhất . Dường như ông đã quên rằng mình đang là một nhà văn hiện thực để viết lên những trang văn mang đầy chất lãng mạn . Bé Hồng sau bao nhiêu dằn vặt nội tâm trước những lời gièm pha độc địa của bà cô , sau bao nhiêu nỗi đợi chờ mong ngóng và sau bao nhiêu niềm khao khát về tình mẫu tử đã bất ngờ được gặp lại người mẹ thân yêu của mình . Một cuộc gặp gỡ được xây dựng rất cảm động . 

Tài liệu đính kèm:

  • docVan 8 chon loc.doc