Giáo án Ngữ văn 8 tiết 97 bài 27: Văn bản: Nước Đại Việt ta (Trích Bình Ngô đại cáo)

Giáo án Ngữ văn 8 tiết 97 bài 27: Văn bản: Nước Đại Việt ta (Trích Bình Ngô đại cáo)

TIẾT 97 VĂN BẢN

NƯỚC ĐẠI VIỆT TA

(Trích Bình Ngô đại cáo)

1. Mục tiêu: Giúp HS:

 a) Về kiến thức: - Thấy được đoạn văn có ý nghĩa như lời tuyên ngôn độclập của dân tộc ta ở thế kỉ XV.

 - Thấy được phần nào sức thuyết phục của nghệ thuật văn chính luận Nguyễn Trãi: lập luận chặt chẽ, sự kết hợp giữa lí lẽ và thực tiễn.

 b) Về kĩ năng: Rèn kĩ năng phân tích đoạn trích theo đúng yêu cầu tiết học.

 c) Về thái độ: Tự hào với truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc.

2. Chuẩn bị của GV và HS:

 a) Chuẩn bị của GV: SGK, SGV – nghiên cứu soạn giáo án.

 b) Chuẩn bị của HS: SGK, vở ghi, sách Bình giảng văn 8 – học bài cũ – đọc, soạn bài theo câu hỏi SGK.

3. Tiến trình bài dạy:

 * Ổn định tổ chức: Sĩ số 8B: . .

 Sĩ số 8C: . .

a) Kiểm tra bài cũ (3’):

 Câu hỏi: Đọc thuộc lòng phần 2 của bài hịch, nêu giá trị nghệ thuật, nội dung của bài Hịch tướng sĩ?

 

doc 6 trang Người đăng haiha30 Lượt xem 578Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Ngữ văn 8 tiết 97 bài 27: Văn bản: Nước Đại Việt ta (Trích Bình Ngô đại cáo)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TUẦN 27 NGỮ VĂN BÀI 24
Kết quả cần đạt
- Thấy được ý thức dân tộc đã phát triển tới trình độ cao và phần nào hiểu được một vài nét đặc sắc nghệ thuật của áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo qua đoạn trích Nước Đại Việt ta.
- Nắm được cách dùng các kiểu câu để thực hiện hành động nói.
- Nắm vững khái niệm luận điểm, quan hệ giữa luận điểm với vấn đề cần giải quyết và quan hệ giữa các luận điểm trong một bài văn nghị luận.
Ngày soạn: 	Ngày dạy: Dạy lớp 8B
	Ngày dạy:.Dạy lớp 8C
TIẾT 97 VĂN BẢN
NƯỚC ĐẠI VIỆT TA
(Trích Bình Ngô đại cáo)
1. Mục tiêu: Giúp HS: 
	a) Về kiến thức: - Thấy được đoạn văn có ý nghĩa như lời tuyên ngôn độclập của dân tộc ta ở thế kỉ XV.
	- Thấy được phần nào sức thuyết phục của nghệ thuật văn chính luận Nguyễn Trãi: lập luận chặt chẽ, sự kết hợp giữa lí lẽ và thực tiễn.
	b) Về kĩ năng: Rèn kĩ năng phân tích đoạn trích theo đúng yêu cầu tiết học.
	c) Về thái độ: Tự hào với truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc.
2. Chuẩn bị của GV và HS:
	a) Chuẩn bị của GV: SGK, SGV – nghiên cứu soạn giáo án.
	b) Chuẩn bị của HS: SGK, vở ghi, sách Bình giảng văn 8 – học bài cũ – đọc, soạn bài theo câu hỏi SGK.
3. Tiến trình bài dạy:
	* Ổn định tổ chức: Sĩ số 8B: ....
	 Sĩ số 8C: ...
a) Kiểm tra bài cũ (3’): 
	Câu hỏi: Đọc thuộc lòng phần 2 của bài hịch, nêu giá trị nghệ thuật, nội dung của bài Hịch tướng sĩ?
	Đáp án: - Học sinh đọc thuộc lòng phần 2 bài hịch. (5 điểm)
	- “Hịch tướng sĩ” là một áng văn chính luận xuất sắc, có sự kết hợp giữa lập luận chặt chẽ, sắc bén với lời văn thống thiết, có sức lôi cuốn mạnh mẽ. (2 điểm)
	- Phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thể hiện qua lòng căm thù giặc, ý chí quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược. (3 điểm)
* Vào bài (1’): Nếu Sông núi nước Nam là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam ở thế kỉ XI thì Bình Ngô đại cáo là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc ở thế kỉ XV. Người tạo nên áng thiên cổ hùng văn thứ ba này là Nguyễn Trãi vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Tiết học này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tác phẩm bất hủ Bình Ngô đại cáo qua đoạn trích Nước Đại Việt ta.
b) Dạy nội dung bài mới:
	I. ĐỌC VÀ TÌM HIỂU CHUNG (8’)
Vài nét về tác giả, tác phẩm
GV: Gọi HS đọc chú thích * SGK. T. 67.
?TB: Nêu những nét chính về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Trãi?
	Ghi: - Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là nhà yêu nước, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Nguyễn Trãi anh hùng và Nguyễn Trãi bi kịch đều ở mức tột cùng.
	GV: Trong cuộc kháng chiến chống Minh, Nguyễn Trãi là người có công lớn trong việc phò giúp Lê Lợi đánh bại quân Minh. Ông đã từng dân Bình Ngô sách với chiến lược tâm công (tác động vào lòng người) và thừa lệnh Lê Lợi soạn thảo công văn giấy tờ, thư từ giao thiệp với quân Minh, cùng Lê Lợi và các tướng lĩnh bàn bạc quân mưu.
	?TB: Bài cáo ra đời trong hoàn cảnh nào?
	Ghi: - Bình Ngô đại cáo do Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Thái Tổ (Lê Lợi) soạn thảo, được công bố ngày 17 tháng Chạp năm Đinh Mùi (tức đầu năm 1428) sau khi ta đại thắng quân Minh xâm lược. Bài cáo có ý nghĩa trọng đại của một bản tuyên ngôn độc lập.	
	GV: Giải thích nhan đề Bình Ngô đại cáo: tuyên cáo rộng khắp (đại cáo) về việc dẹp yên (bình) giặc Ngô. Chu Nguyên Chương khởi nghiệp ở đất Ngô, từng xưng là Ngô vương, sau trở thành Minh Thành Tổ. Do đó, nhiều người cho rằng tác giả dùng từ Ngô để chỉ người nhà Minh.
	Bình Ngô đại cáo gồm 4 phần lớn (như kết cấu chung của thể cáo). Phần đầu nêu luận đề chính nghĩa. Phần hai lập bản cáo trạng tội ác giặc Minh. Phần ba phản ánh quá trình cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu gian khổ đến khi tổng phản công thắng lợi. Phần cuối là lời tuyên bố kết thúc, khẳng định nền độc lập vững chắc, đất nước mở ra một kỉ nguyên mới, đồng thời nêu lên bài học lịch sử. 
	?TB: Vậy, đoạn trích nằm ở phần nào của bài cáo? Nêu hiểu biết của em về thể cáo?
	Ghi: - Đoạn trích nằm ở phần đầu của Bình Ngô đại cáo.
	- Cáo là thể văn nghị luận cổ, thường được vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương hay công bố kết quả một sự nghiệp để mọi người cùng biết. Cáo phần nhiều được viết bằng văn biền ngẫu.
	GV: Đoạn trích nêu luận đề chính nghĩa với hai nội dung chính: nguyên lí nhân nghĩa và chân lí về sự tồn tại độc lập có chủ quyền của dân tộc Đại Việt được chia làm ba phần với những nội dung cụ thể như sau: phần một 2 câu đầu=> vị trí và nội dung nguyên lí nhân nghĩa. Phần hai 8 câu tiếp=> vị trí và nội dung chân lí về sự tồn tại độc lập có chủ quyền của dân tộc Đại Việt. Phần ba còn lại=> lấy dẫn chứng từ thực tế để làm sáng tỏ sức mạnh của chân lí độc lập dân tộc.
	2. Đọc văn bản
	GV: Khi đọc đoạn trích này, chúng ta cần đọc với giọng điệu trang trọng, hùng hồn, tự hào. Chú ý tính chất câu văn biền ngẫu cân xứng, nhịp nhàng.
	GV: Gọi 1 HS đọc toàn bộ đoạn trích. Gọi HS nhận xét, GV nhận xét uốn nắn. GV đọc mẫu toàn bài. GV đọc lại chú thích về tác giả Nguyễn Trãi ở SGV Ngữ văn 7 trang 79. GV gọi HS đọc chú thích 1, 2, 3, 4.
	II. PHÂN TÍCH (26’)
	GV: Gọi HS đọc 2 câu đầu, yêu cầu HS nhắc lại nội dung của 2 câu này.
	1. Vị trí và nội dung nguyên lí nhân nghĩa (7’)
 - Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
	?KH: Việc nêu nguyên lí nhân nghĩa ở ngay đầu bài cáo cho thấy nó có vị trí như thế nào trong bài cáo?
	HS: Nguyên lí nhân nghĩa là nguyên lí cơ bản, làm nền tảng để triển khai toàn bộ nội dung bài cáo. Tất cả những nội dung được phát triển về sau đều xoay quanh nguyên lí này.
	?KH: Qua hai câu đầu, em hiểu cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là gì?
	HS: Là “yên dân, trừ bạo”. Yên dân là làm cho dân được an hưởng thái bình, hạnh phúc. Muốn yên dân thì phải trừ diệt mọi thế lực bạo tàn. 
	?G: Vậy, người dân trong bài là ai? Kẻ nào là kẻ bạo tàn?
HS: Đặt trong hoàn cảnh Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo thì người dân mà tác giả nói tới là người dân Đại Việt đang bị xâm lược còn kẻ bạo tàn chính là giặc Minh cướp nước. Như vậy, với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa gắn liền với yêu nước chống xâm lược. Nhân nghĩa không những trong quan hệ giữa người với người mà còn có trong quan hệ giữa dân tộc với dân tộc.
	Ghi: Với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa gắn liền với yêu nước chống xâm lược để bảo vệ cuộc sống yên lành của nhân dân.
	GV: Đây là nội dung mới, là sự phát triển của tư tưởng nhân nghĩa ở Nguyễn Trãi so với Nho giáo. Nhân nghĩa trong phạm trù Nho giáo chủ yếu là mối quan hệ giữa người với người, khi vào Việt Nam, do hoàn cảnh riêng của nước ta thường xuyên phải chống xâm lược, trong nội dung nhân nghĩa còn có cả mối quan hệ giữa dân tộc với dân tộc.
	GV: Gọi HS đọc 8 Câu thơ tiếp. Yêu cầu HS nhắc lại nội dung cơ bản của 8 câu đó.
	2. Vị trí và nội dung chân lí về sự tồn tại độc lập có chủ quyền của dân tộc Đại Việt (10’)
- Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương,
	?KH: Tại sao sau khi nêu nguyên lí nhân nghĩa, Nguyễn Trãi mới đi khẳng định chân lí về sự tồn tại độc lập có chủ quyền của dân tộc Đại Việt?
	HS: Khi nhân nghĩa gắn liền với yêu nước chống xâm lược thì bảo vệ nền độc lập của đất nước cũng là việc làm nhân nghĩa. Vả chăng có bảo vệ được đất nước thì mới bảo vệ được dân mới thực hiện được mục đích cao cả là yên dân. Chính vì vậy, sau khi nêu nguyên lí nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đã khẳng định chân lí về sự tồn tại độc lập có chủ quyền của dân tộc Đại Việt.
	?KH: Nghệ thuật văn chính luận của đoạn trích này có gì độc đáo?
	HS: Tác giả sử dụng những từ ngữ thể hiện tính chất hiển nhiên vốn có lâu đời của nước Đại Việt: từ trước, vốn xưng, đã lâu, đã chia, cũng khác; phép liệt kê, phép so sánh: so sánh ta với Trung Quốc, đặt ta ngang hàng với Trung Quốc, ngang hàng về trình độ chính trị, tổ chức chế độ, quản lí quốc gia (Triệu, Đinh, Lí, Trần ngang hàng với Hán, Đường, Tống, Nguyên).; các câu văn biền ngẫu tạo thế đối xứng nhịp nhàng; dẫn chứng chính xác, lí lẽ sắc bén tạo sức thuyết phục mạnh mẽ.
	?KH: Vậy, Nguyễn Trãi đã khẳng định độc lập, chủ quyền của dân tộc ta như thế nào?
	HS: Nguyễn Trãi đã đưa ra những yếu tố căn bản để xác định độc lập chủ quyền của dân tộc: nền văn hiến lâu đời, cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, lịch sử riêng, chế độ riêng. Với những yếu tố căn bản này, Nguyễn Trãi đã phát biểu một cách hoàn chỉnh quan niệm về quốc gia dân tộc. Người đời sau vẫn xem quan niệm của Nguyễn Trãi là sự kết tinh học thuyết về quốc gia, dân tộc. 
	Ghi: Dân tộc Đại Việt có nền văn hiến lâu đời, lãnh thổ riêng, phong tục tập quán, lịch sử riêng, chế độ riêng.
	?G: Theo em ý thức dân tộc ở văn bản này có phải là sự tiếp nối ý thức dân tộc ở bài Sông núi nước Nam không? Vì sao?
	HS: So với thời Lí, học thuyết của Nguyễn Trãi phát triển cao hơn bởi tính toàn diện và sâu sắc của nó. Toàn diện vì ý thức dân tộc trong “Sông núi nước Nam” được xác định chủ yếu trên hai yếu tố: lãnh thổ và chủ quyền, còn đến Bình Ngô đại cáo ba yếu tố nữa được bổ sung: văn hiến, phong tục tập quán, lịch sử. Sâu sắc vì trong quan niệm về dân tộc, Nguyễn Trãi đã ý thức được văn hiến, truyền thống lịch sử là yếu tố cơ bản nhất, là hạt nhân để xác định dân tộc. Sự sâu sắc của Nguyễn Trãi còn thể hiện ở chỗ: điều mà kẻ xâm lược luôn tìm cách phủ định (văn hiến nước Nam) thì chính lại là thực tế, tồn tại với sức mạnh của chân lí khách quan.
	GV: Trong bài Sông núi nước Nam, tác giả đã thể hiện một ý thức dân tộc, niềm tự hào sâu sắc qua từ đế. Ở Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi tiếp tục phát huy niềm tự hào dân tộc sâu sắc, mạnh mẽ đó: “Mỗi bên xưng đế một phương”. Nếu “đế” là vua thiên tử, duy nhất, toàn quyền thì “vương” là vua chư hầu có nhiều và phụ thuộc vào “đế”. Nêu cao tư tưởng hoàng đế là phủ nhận tư tưởng “trời không có hai mặt trời, đất không có hai Hoàng đế”, là khẳng định Đại Việt có chủ quyền ngang hàng với phương Bắc.
	?KH: Sau khi nêu rõ nội dung chân lí về chủ quyền dân tộc Đại Việt, tác giả nói tới điều gì?
	3. Sức mạnh của nguyên lí nhân nghĩa và chân lí độc lập dân tộc (9’)
- Lưu Cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong,
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.
	?KH: Biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở đoạn này là gì?
	HS: Sử dụng nhiều câu văn biền ngẫu tạo sự cân đối, nhịp nhàng cùng với biện pháp liệt kê, dẫn chứng lịch sử chân thực xác đáng, giọng thơ hào hùng, dồn dập có tác dụng làm rõ vấn đề thuyết phục người đọc, người nghe một cách tuyệt đối.
	?KH: Các biện pháp nghệ thuật trên nhằm làm sáng tỏ điều gì?
	HS: Cách liệt kê và lấy dẫn chứng từ thực tiễn lịch sử đã làm sáng tỏ sức mạnh của nguyên lí nhân nghĩa và sức mạnh của chân lí độc lập của dân tộc. 
	?G: Phân tích làm rõ sự giống nhau trong cách triển khai nội dung của hai bản tuyên ngôn độc lập Sông núi nước Nam và Bình Ngô đại cáo khi khẳng định sức mạnh của nhân nghĩa và chân lí độc lập dân tộc?
HS: Ở Sông núi nước Nam, tác giả cũng khẳng định sức mạnh của chân lí chính nghĩa, của độc lập dân tộc: Kẻ xâm lược là giặc bạo ngược (nghịch lỗ) làm trái lẽ phải, phạm vào sách trời (thiên thư), cũng có nghĩa là đi ngược lại chân lí khách quan, nhất định sẽ chuốc lấy thất bại hoàn toàn (thủ bại hư). Ở Bình Ngô đại cáo, nêu nguyên lí nhân nghĩa, nêu chân lí khách quan, Nguyễn Trãi đưa ra những minh chứng đầy tính thuyết phục về sức mạnh của nhân nghĩa, của chân lí, nói chung lại là sức mạnh của chính nghĩa: Lưu Cung thất bại, Triệu Tiết tiêu vong, Toa Đô, Ô Mã, kẻ bị giết, người bị bắt. Tác giả lấy “chứng cớ còn ghi” để chứng minh cho sức mạnh của chính nghĩa, đồng thời thể hiện niềm tự hào dân tộc.
Ghi: Nhân nghĩa, chính nghĩa đã tạo nên những chiến thắng to lớn tiêu diệt kẻ bạo tàn, thể hiện niềm tự hào dân tộc.
	?KH: Đánh giá chung về nghệ thuật và nội dung của đoạn trích?
	III. TỔNG KẾT – GHI NHỚ (4’)
	Ghi: - Lập luận chặt chẽ, chứng cứ hùng hồn làm nổi bật được vấn đề.
	- Đoạn trích Nước Đại Việt ta có ý nghĩa như bản tuyên ngôn độc lập: Nước ta là đất nước có nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, phong tục riêng, có chủ quyền, có truyền thống lịch sử; kẻ xâm lược là phản nhân nghĩa, nhất định thất bại.
	GV: Gọi HS đọc ghi nhớ SGK. T. 69.
c) Củng cố, luyện tập (2’):
	GV: Gọi HS đọc lại toàn bộ đoạn trích, đọc đặc điểm thể cáo (chú thích *. T. 67.)
d) Hướng dẫn học sinh tự học ở nhà (1’):
	- Học thuộc lòng đoạn trích và ghi nhớ.
	- Tiết tới chuẩn bị bài Hành động nói (tiếp theo). Yêu cầu: học thuộc bài cũ để liên kết kiến thức, đọc, tìm hiểu kĩ mục I bài mới và trả lời các câu hỏi trong mục. 

Tài liệu đính kèm:

  • docTiet 97 bai 27.doc