Giáo án Ngữ văn 8 tiết 90 bài 25: Văn bản chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) – Lí Công Uẩn

Giáo án Ngữ văn 8 tiết 90 bài 25: Văn bản chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) – Lí Công Uẩn

TIẾT 90 VĂN BẢN

CHIẾU DỜI ĐÔ

(Thiên đô chiếu) – Lí Công Uẩn -

1. Mục tiêu: Giúp HS:

 a) Về kiến thức: Thấy được khát vọng của nhân dân ta về một đất nước độc lập, thống nhất, hùng cường và khí phách của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh được phản ảnh qua Chiếu dời đô.

 - Nắm được đặc điểm cơ bản của thể chiếu. Thấy được sức thuyết phục to lớn của Chiếu dời đô là sự kết hợp hài hòa giữa lí lẽ và tình cảm.

 b) Về kĩ năng: Biết vận dụng bài học để viết văn nghị luận.

 c) Về thái độ: Biết ơn công lao dựng nước, giữ nước của ông cha.

2. Chuẩn bị của GV và HS:

 a) Chuẩn bị của GV: SGK, SGV, Sách bình giảng văn 8 – nghiên cứu soạn giáo án.

 b) Chuẩn bị của HS: SGK, vở ghi, Sách bình giảng văn 8 – học bài cũ – đọc, soạn bài theo SGK và hướng dẫn của GV.

 

doc 6 trang Người đăng haiha30 Lượt xem 623Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Ngữ văn 8 tiết 90 bài 25: Văn bản chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) – Lí Công Uẩn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Ngày soạn: 	Ngày dạy: Dạy lớp 8B
	Ngày dạy:.Dạy lớp 8C
TIẾT 90 VĂN BẢN
CHIẾU DỜI ĐÔ
(Thiên đô chiếu) – Lí Công Uẩn -
1. Mục tiêu: Giúp HS:
	a) Về kiến thức: Thấy được khát vọng của nhân dân ta về một đất nước độc lập, thống nhất, hùng cường và khí phách của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh được phản ảnh qua Chiếu dời đô.
	- Nắm được đặc điểm cơ bản của thể chiếu. Thấy được sức thuyết phục to lớn của Chiếu dời đô là sự kết hợp hài hòa giữa lí lẽ và tình cảm.
	b) Về kĩ năng: Biết vận dụng bài học để viết văn nghị luận.
	c) Về thái độ: Biết ơn công lao dựng nước, giữ nước của ông cha.
2. Chuẩn bị của GV và HS:
	a) Chuẩn bị của GV: SGK, SGV, Sách bình giảng văn 8 – nghiên cứu soạn giáo án.
	b) Chuẩn bị của HS: SGK, vở ghi, Sách bình giảng văn 8 – học bài cũ – đọc, soạn bài theo SGK và hướng dẫn của GV.
3. Tiến trình bài dạy:
	* Ổn định tổ chức: Sĩ số 8B: ....
	 Sĩ số 8C: ...
a) Kiểm tra bài cũ (3’): Kiểm tra miệng.
	Câu hỏi: Đọc thuộc lòng bản phiên âm và dịch thơ bài Ngắm trăng? Nêu nghệ thuật và nội dung cơ bản của bài thơ?
	Đáp án: - HS đọc thuộc lòng bản phiên âm và dịch thơ bài Ngắm trăng. (5 điểm)
	- Ngắm trăng là bài thơ tứ tuyệt giản dị mà hàm súc vừa có màu sắc cổ điển vừa mang tinh thần thời đại cho thấy tình yêu thiên nhiên đến say mê và phong thái ung dung của Bác Hồ ngay cả trong cảnh ngục tù cực khổ tối tăm. (5 điểm)
* Vào bài (1’): Thủ đô Hà Nội của chúng ta ngày nay đang nằm trên vị trí của kinh thành Thăng Long xưa. Vị vua có công phát hiện và dời đô về vùng đất tuyệt đẹp nơi mãi là trung tâm tụ hội của đất nước là ai? Tiết học này ta cùng đi tìm hiểu điều đó qua bài Chiếu dời đô.
b) Dạy nội dung bài mới:
	I. ĐỌC VÀ TÌM HIỂU CHUNG (8’)
	1. Vài nét về tác giả, tác phẩm
	GV: Gọi HS đọc chú thích * SGK. T. 50.
	?TB: Nêu những hiểu biết của em về tác giả?
	Ghi: - Lí Công Uẩn (974 – 1028) tức Lí Thái Tổ, người Châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay là xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông là người thông minh, nhân ái có chí lớn; là người sáng lập ra Vương triều nhà Lí.
	?KH: Vậy, “Chiếu dời đô” ra đời trong hoàn cảnh nào? Nêu hiểu biết của em về thể chiếu?
	Ghi: - Năm 1010, Lí Công Uẩn viết bài chiếu này bày tỏ ý định dời đô từ Hoa Lư (nay là tỉnh Ninh Bình) ra thành Đại La (Hà Nội ngày nay).
	- Chiếu là thể văn do vua dùng để ban bố mệnh lệnh. Chiếu có thể viết bằng văn vần, văn biền ngẫu hoặc văn xuôi.
	GV: Đặc điểm chung của thể chiếu là lời ban bố mệnh lệnh của vua chúa xuống thần dân. Chức năng của chiếu là công bố những chủ trương, đường lối, nhiệm vụ mà vua, triều đình nêu ra và yêu cầu thần dân thực hiện. Chiếu dời đô cũng mang đặc điểm của thể văn chiếu nói chung nhưng đồng thời cũng có đặc điểm riêng: bên cạnh tính chất mệnh lệnh là tính chất tâm tình, bên cạnh ngôn từ mang tính đơn thoại, một chiều của người trên ban bố mệnh lệnh cho kẻ dưới là ngôn từ mang tính chất đối thoại, trao đổi. Đặc điểm này còn có thể thấy ở một số bài chiếu thời Lí như: Xá thuế chiếu (Chiếu xá thuế) của Lí Thánh Tông, Lâm chung di chiếu (chiếu để lại lúc sắp mất) của Lí Nhân Tông; Chung hối tiền quá chiếu (Chiếu hối lỗi) của Lí Cao Tông.
	2. Đọc văn bản
	GV: Căn cứ vào thể văn, khi đọc giọng điệu chung là trang trọng nhưng có những câu cần nhấn mạnh sắc thái tình cảm tha thiết hoặc chân tình: “Trẫm rất đau xót không thể không dời đổi”. “Trẫm muốn nghĩ thế nào”. Đọc đúng ngữ điệu của những câu biền ngẫu.
	GV: Gọi 2 HS đọc 3 đoạn văn. GV nhận xét. Gọi HS đọc một số chú thích từ khó.
	?KH: Em có nhận xét gì về bố cục của bài chiếu?
	HS: Bài chiếu chia 3 đoạn, nó là bố cục ba phần chặt chẽ của một văn bản nghị luận. Đoạn 1 từ đầu đến “phồn thịnh” có tính chất nêu tiền đề, tác giả viện dẫn sử sách nói về việc dời đô của các vua thời xưa bên Trung Quốc. Đoạn 2 tiếp đến “dời đổi”: soi và sử sách vào thực tế thấy hạn chế của hai triều Đinh, Lê đóng yên đô ở Hoa Lư. Đoạn 3 còn lại: khẳng định thành Đại La là nơi tốt nhất để định đô.
	II. PHÂN TÍCH (26’)
	GV: Gọi HS đọc đoạn đầu của bài chiếu và nêu nội dung của đoạn văn.
	1. Tác giả viện dẫn sử sách nói về việc dời đô của các vua thời xưa bên Trung Quốc (8’)
	?TB: Lí Công Uẩn đã viện dẫn những gì trong sử sách?
	Ghi: - Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần dời đô; nhà Chu cũng ba lần dời đô. [] Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; [] Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh.
	?KH: Hãy nhận xét các dẫn chứng và lí lẽ mà tác giả đưa ra?
	HS: Lí lẽ sắc bén, dẫn chứng lịch sử là sự thật hiển nhiên, giàu tính thuyết phục.
	?KH: Theo suy luận của tác giả, các vua nhà Thương, nhà Chu của Trung Quốc xưa dời đô để làm gì?
	HS: Nhằm mưu toan nghiệp lớn, xây dựng Vương triều phồn thịnh, tính kế lâu dài cho các thế hệ sau. Việc dời đô vừa thuận theo mệnh trời (phù hợp với qui luật khách quan) vừa thuận theo ý dân (phù hợp với nguyện vọng của nhân dân).
	GV: Chúng ta cần chú ý những nét tâm lí đặc thù của con người thời trung đại: noi theo tiền nhân, dựa vào mệnh trời. Người trung đại coi thời hoàng kim là thời đã qua, khuôn mẫu được làm bởi tiền nhân, nên thường trích dẫn điển tích, điển cố. Việc Lí Thái Tổ dẫn sử sách Trung Quốc, nói về mệnh trời trong bài chiếu là một nét tâm lí thường tình của con người thời ấy. Cần hiểu “mệnh trời” là qui luật khách quan.
	?TB: Kết quả của việc dời đô ấy như thế nào?
	HS: Làm cho đất nước vững bền, phát triển thịnh vượng.
	?G: Theo em mục đích của tác giả là gì khi ông viện dẫn sử sách nói về việc dời đô?
	HS: Để khẳng định: trong lịch sử đã từng có những việc như thế và đã đem lại những kết quả tốt đẹp. Việc ông dời đô không có gì là khác thường, không trái qui luật. Nói cách khác, việc dời đô không còn là chuyện hi hữu, mà đó là những kinh nghiệm lịch sử, phản ánh xu thế phát triển của từng quốc gia, từng thời đại. Tác giả đã nêu dẫn chứng lịch sử để thu phục nhân tâm: việc dời đô là một việc lớn, vừa hợp mệnh trời, vừa hợp lòng dân, là để xây dựng đất nước cường thịnh, đem lại hạnh phúc, thái bình cho nhân dân.
	Ghi:- Dời đô là một việc lớn để xây dựng đất nước cường thịnh và đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
	?G: Căn cứ vào kết cấu của bài chiếu thì phần mở đầu này có vai trò như thế nào?
	HS: Đây là đoạn có tính chất tiền đề (nêu sử sách làm tiền đề) làm chỗ dựa cho lí lẽ ở những phần tiếp theo.
	GV: Gọi HS đọc lại đoạn 2 và nêu nội dung chính của đoạn.
	2. Lí Thái Tổ soi sử sách vào thực tế nơi đóng đô của hai triều Đinh, Lê (9’)
	?TB: Lí Thái Tổ đã chỉ ra những điểm gì hạn chế ở nơi đóng đô của hai triều Đinh và tiền Lê?
	Ghi: - Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ hao tổn Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi.
	?KH: Em hãy nhận xét cách nêu dẫn chứng và lí lẽ ngôn từ được dùng trong đoạn văn này?
	HS: Tác giả sử dụng những dẫn chứng lịch sử cụ thể, chính xác về thời gian tồn tại của hai triều Đinh, Lê với lí lẽ sắc bén mang tính chất phê phán, hơn nữa có ngôn ngữ biểu cảm kết hợp hài hòa giữa lí và tình và còn có từ ngữ khẳng định: không thể dời đổi (đây là một đăc điểm đăc trưng của văn bản nghị luận trung đại nó vừa kết hợp giữa chất sử và chất văn “Văn triết bất phân”) bài chiếu là một văn kiện lịch sử lớn của quốc gia nhưng trong đó bộc lộ cảm xúc cá nhân người viết – điều này chúng ta sẽ nói kĩ hơn ở hai văn bản Hịch tướng sĩ và Bình Ngô đại cáo.
	?G: Vì sao, Lí Thái Tổ cho rằng kinh đô Hoa Lư không thích hợp nữa?
	HS: Kinh đô Hoa Lư là vùng đất hẹp lại có địa thế hiểm trở sông sâu, núi cao, là vùng núi nên ít nước không thể phát triển được.
	?KH: Theo tác giả nếu không dời đô sẽ phạm phải những sai lầm nào?
	HS: Không theo mệnh trời (không phù hợp qui luật khách quan), không biết học theo cái đúng của người xưa và hậu quả là triều đại ngắn ngủi, nhân dân thì khổ sở, vạn vật không thích nghi, không thể phát triển thịnh vượng trong một vùng đất chật chội.
	GV: Sử sách cho biết, Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp tan 12 sứ quân, năm 968, ông lên ngôi thì 11 năm sau (979) nhà vua bị ám hại. Năm 981, Lê Hoàn lên làm vua, tuy đánh thắng giặc Tống nhưng đến năm 1005 ông mất thì các thế lực phong kiến, các hoàng tử xung đột, tranh giành ngôi báu, loạn lạc kéo dài “trăm họ phải hao tổn”, nhiều xương máu, tiền của. Cái chết của vua Lê Ngọa Triều năm 1009 đã chứng tỏ hai triều đại Đinh, Tiền Lê “không được lâu bền, số vận ngắn ngủi”. Thực ra việc hai triều Đinh, Lê vẫn cứ phải đóng đô ở Hoa Lư chứng tỏ thế và lực của hai triều đại ấy chưa đủ mạnh để ra nơi đồng bằng, đất phẳng, nơi trung tâm của đất nước mà vẫn còn phải dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở. Đến thời Lí trên đà phát triển đi lên của đất nước thì việc đóng đô ở Hoa Lư không còn phù hợp nữa.
	Ghi: - Kinh đô Hoa Lư không còn thích hợp với sự phát triển của đất nước, nhất thiết phải dời đô.
	GV: Lí Công Uẩn đã kết hợp lí lẽ với tình cảm, ông bộc lộ nỗi đau xót của mình về sự ngắn ngủi của hai triều đại đó và cảm thấy việc dời đô là một việc cấp thất “Không thể không dời đô”. Lời văn của ông đã tác động mạnh mẽ tới tình cảm của người đọc, có sức thuyết phục lớn.
	3. Khẳng định thành Đại La là một nơi tốt nhất để định đô (9’)
	?TB: Theo tác giả, thành Đại La có những thuận lợi gì để có thể chọn làm nơi đóng đô?
	Ghi: - Ở nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng nơi ngôi lại tiện hướng nhìnĐịa thế rộng; đất đai cao mà thoáng Xem khắp đất Việt ta chỉ nơi này là thắng địa cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.
	?KH: Trong đoạn tác giả đã sử dụng những kiểu câu văn nào? Nó có tác dụng ra sao?
	HS: Tác giả dùng nhiều câu văn biền ngẫu (những cặp câu và cả đoạn cặp câu cân xứng sóng đôi nhau). Vì vậy, lời văn của đoạn rất cân xứng, nhịp nhàng. Đồng thời tác giả liệt kê đầy đủ các mặt thuận lợi cho thấy Đại La thực sự là nơi định đô=> Ông đã làm nổi bật vấn đề muốn nói.
	?G: Vậy, em hãy phân tích để làm nổi bật những lợi thế của thành Đại La?
	HS: Về vị trí địa lí: ở nơi trung tâm đất trời mở ra bốn hướng nam, bắc, đông, tây, có núi lại có sông; đất rộng mà bằng phẳng, cao mà thoáng, tránh được nạn lụt lội, chật chội. Về vị thế chính trị, văn hóa: là đầu mối giao lưu “Chốn tụ hội của bốn phương”, là mảnh đất hưng thịnh “muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi”. Như vậy có thể nói:
Ghi: - Về tất cả mọi mặt, thành Đại La có đủ mọi điều kiện để trở thành kinh đô muôn đời của đất nước.
	GV: Việc khẳng định Đại La là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời có thể coi là một chân lí lịch sử do trí tuệ Việt Nam tìm thấy mà người đại diện tiêu biểu chính là Lí Công Uẩn. Ngày nay, thủ đô nước CHXHCN Việt Nam vẫn là thành Đại La xưa, vẫn là Thăng Long – Hà Nội, có nghĩa là chúng ta đã kế tiếp sự nghiệp của ông cha để xây dựng thành một thủ đô Hà Nội, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Điều này càng khẳng định việc dời đô của Lí Công Uẩn cách gây gần 1000 năm là hoàn toàn đúng và sáng suốt.
	?KH: Tại sao, kết thúc bài chiếu, Lí Thái Tổ không ra mệnh lệnh mà lại đặt câu hỏi: “Các khanh nghĩ thế nào?”, kết thúc như vậy có tác dụng gì?	
	HS: Cách kết thúc mang tính chất đối thoại, trao đổi, tạo sự đồng cảm giữa mệnh lệnh của vua với thần dân. 
	GV: Đó là đặc điểm của thể chiếu, nó đã thuyết phục người nghe bằng lí lẽ chặt chẽ và bằng tình cảm chân thành. Nguyện vọng dời đô của Lí Thái Tổ phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
	?KH: Qua phân tích, hãy nhận xét về kết cấu của bài chiếu cũng như trình tự lập luận của tác giả?
	III. TỔNG KẾT – GHI NHỚ (5’)	
	Ghi: - Bài chiếu có kết cấu và trình tự lập luận chặt chẽ, có sự kết hợp hài hòa giữa lí và tình nên sức thuyết phục rất mạnh mẽ.
	- Chiếu dời đô phản ánh khát vọng của nhân dân về một đất nước độc lập, thống nhất, đồng thời phản ánh ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh.
c) Củng cố, luyện tập (1’):
	GV: Gọi HS đọc ghi nhớ SGK.
d) Hướng dẫn học sinh tự học ở nhà (1’):
	- Đọc diễn cảm bài chiếu, học thuộc ghi nhớ.
	- Tiết tới chuẩn bị bài Câu phủ định. Yêu cầu: Đọc, tìm hiểu kĩ các ví dụ, các câu hỏi trong mục I và trả lời các câu hỏi đó.

Tài liệu đính kèm:

  • docTiet 90 bai 25.doc