Giáo án Ngữ văn 8 tiết 81 bài 22: Văn bản: Tức cảnh Pác Bó - Hồ Chí Minh

Giáo án Ngữ văn 8 tiết 81 bài 22: Văn bản: Tức cảnh Pác Bó - Hồ Chí Minh

TIẾT 81 VĂN BẢN

TỨC CẢNH PÁC BÓ

- Hồ Chí Minh -

1. Mục tiêu: Giúp HS:

 a) Về kiến thức: - Cảm nhận được niềm thích thú thật sự của Hồ Chí Minh trong những ngày gian khổ ở Pác Bó; qua đó, thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Bác, vừa là một chiến sĩ say mê cách mạng, vừa như một “khách lâm tuyền” ung dung sống hòa nhịp với thiên nhiên.

 - Hiểu được giá trị nghệ thuật độc đáo của bài thơ.

 b) Về kĩ năng: Rèn kĩ năng phân tích bài thơ thất ngôn tứ tuyệt theo đúng yêu cầu của tiết học.

 c) Về thái độ: Kính trọng lối sống giản dị, hết lòng vì Tổ quốc vì nhân dân của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

 

doc 5 trang Người đăng haiha30 Lượt xem 726Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Ngữ văn 8 tiết 81 bài 22: Văn bản: Tức cảnh Pác Bó - Hồ Chí Minh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Ngày soạn: 	Ngày dạy: Dạy lớp 8B
	Ngày dạy:.Dạy lớp 8C
TIẾT 81 VĂN BẢN
TỨC CẢNH PÁC BÓ
- Hồ Chí Minh -
1. Mục tiêu: Giúp HS:
	a) Về kiến thức: - Cảm nhận được niềm thích thú thật sự của Hồ Chí Minh trong những ngày gian khổ ở Pác Bó; qua đó, thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Bác, vừa là một chiến sĩ say mê cách mạng, vừa như một “khách lâm tuyền” ung dung sống hòa nhịp với thiên nhiên.
	- Hiểu được giá trị nghệ thuật độc đáo của bài thơ.
	b) Về kĩ năng: Rèn kĩ năng phân tích bài thơ thất ngôn tứ tuyệt theo đúng yêu cầu của tiết học.
	c) Về thái độ: Kính trọng lối sống giản dị, hết lòng vì Tổ quốc vì nhân dân của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
2. Chuẩn bị của GV và HS:
	a) Chuẩn bị của GV: SGK, SGV, Sách bình giảng văn 8- nghiên cứu soạn giáo án.
	b) Chuẩn bị của HS: SGK, vở ghi, sách bình giảng văn 8- học bài cũ- đọc, soạn bài theo câu hỏi SGK.
3. Tiến trình bài dạy:
	* Ổn định tổ chức: Sĩ số 8B: ....
	 Sĩ số 8C: ...
a) Kiểm tra bài cũ (3’): Kiểm tra miệng.
	Câu hỏi: Đọc thuộc lòng bài thơ Khi con tu hú? Nêu nghệ thuật và nội dung đặc sắc của bài thơ?
	Đáp án: - HS đọc thuộc lòng diễn cảm bài thơ. (5 điểm)
- Sử dụng điêu luyện thể thơ lục bát, bài thơ liền mạch, giọng điệu tự nhiên, cảm xúc nhất quán, khi tươi sáng khoáng đạt khi dằn vặt u uất rất phù hợp với tư tưởng chủ đề bài thơ. (3 điểm)
	- Bài thơ thể hiện lòng khao khát tự do cháy bỏng của người chiến sĩ trẻ trong cảnh ngục tù. (2 điểm)
* Vào bài (1’): Bác Hồ là vị lãnh tụ cách mạng thiên tài đồng thời cũng là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Trong những năm tháng gian nan chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam cũng có lúc Bác sáng tác thơ ca, những sáng tác đó của Bác chủ yếu nhằm tuyên truyền vận động cách mạng. Song dù vậy, ta vẫn thấy toát lên ở những bài thơ ấy một tâm hồn nghệ sĩ yêu thiên nhiên, sống hòa mình cùng thiên nhiên. Tiết văn hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu bài thơ Tức cảnh Pác Bó để thấy rõ hơn điều đó.
b) Dạy nội dung bài mới:
	I. ĐỌC VÀ TÌM HIỂU CHUNG (7’)
	1. Hoàn cảnh ra đời bài thơ
	GV: Gọi HS đọc phần chú thích * SGK. T. 28.
	?TB: Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ?
	HS: Tháng 2.1941, sau 30 năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài Bác Hồ trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Người sống và làm việc trong hoàn cảnh hết sức gian khổ: ở trong hang Pác Bó, một hang núi nhỏ sát biên giới Việt Trung (thuộc tỉnh Cao Bằng); thường phải ăn cháo ngô, măng rừng thay cơm; bàn làm việc là một phiến đá bên bờ suối cạnh hang. Bài thơ đã được ra đời trong hoàn cảnh ấy.
	Ghi:- Bài thơ Tức cảnh Pác Bó được Bác viết tháng 2. 1941, tại Cao Bằng, khi Bác từ nước ngoài trở về trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng.
	2. Đọc văn bản
	GV: Cần đọc bài thơ với giọng điệu thoải mái thể hiện tâm trạng sảng khoái của Bác khi được hoạt động cách mạng giữa khung cảnh thiên nhiên của đất nước mình. Ngắt nhịp toàn bài 4/3 riêng câu 3 ngắt nhịp 2/2/3, nhấn giọng ở các từ: suối, hang, cháo bẹ, rau măng, sẵn sàng, chông chênh, sang.	
	GV: Đọc diễn cảm toàn bài. Gọi 2 HS đọc, gọi HS nhận xét, GV uốn nắn cách đọc của HS.
	GV: Gọi HS đọc chú thích 1, 2.
	?KH: Bài Tức cảnh Pác Bó làm theo thể thơ nào? Nhận xét thể thơ đó?
	HS: Làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt, toàn bài gồm 4 câu mỗi câu 7 chữ. Bố cục gồm 4 phần: khai, thừa, chuyển, hợp.
	GV: Bài thơ tuân thủ khá chặt chẽ quy tắc và theo sát mô hình cấu trúc chung của một bài tứ tuyệt nhưng vẫn toát lên sự phóng khoáng, mới mẻ.
	?KG: Nêu cảm nhận chung của em về bài thơ?
	HS: Bài thơ bốn câu thật tư nhiên, bình dị, giọng điệu thoải mái, pha chút vui đùa, hóm hỉnh, tất cả cho thấy một cảm giác vui thích, sảng khoái của nhân vật trữ tình trước cuộc sống làm việc hòa nhịp với thiên nhiên như một thú vui lâm tuyền để hoạt động cách mạng cứu nước.
	GV: Ta sẽ đi phân tích bài thơ theo hai nội dung đó.
	II. PHÂN TÍCH (26’)
	1. Thú lâm tuyền của Bác (16’)
- Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
	?KH: Em có nhận xét gì về giọng điệu và cách ngắt nhịp của câu thơ đầu tiên ?
	HS: Câu thơ đầu (câu khai) có giọng điệu phơi phới, thoải mái đọc lên có cảm tưởng Bác sống thật ung dung, tự tại hòa hợp nhịp nhàng với điệu sống núi rừng. Câu thơ ngắt nhịp 4/3 tạo thành hai vế sóng đôi, diễn tả sự luân chuyển của thời gian, sự hoạt động của con người gắn với các hình ảnh sự vật trong thiên nhiên. Cả câu thơ toát lên cảm giác nhịp nhàng, nề nếp: sáng ra, tối vào.
	?TB: Câu thơ đầu tiên cho ta biết điều gì về cuộc sống của Bác?
	HS: Câu thơ đầu tiên cho ta biết về cuộc sống hoạt động cách mạng của Người đó là cuộc sống gắn bó giao hòa với thiên nhiên. Nơi Bác ở là hang đá, chỗ Bác làm việc là bờ suối. Bác đâu có ở một ngày, một buổi vì vậy thời gian sáng ra, tối vào là một thời gian được lặp lại thành ra một nếp sinh hoạt đều đặn.
	GV: Điều đáng chú ý của cuộc sống ấy là tuy sống cuộc đời rừng suối (lâm tuyền) như một hiền triết, nhưng Bác là người hoạt động cách mạng vì vậy mà không phải chỉ là một khách lâm tuyền thuần túy, thiên nhiên cảnh vật ở đây không phải là đối tượng chính để thưởng thức mà là nơi ẩn náu làm việc.
- Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
	?TB: Câu thơ thứ hai (câu thừa) phát triển tiếp nội dung của câu thứ nhất như thế nào?
	HS: Câu thơ đầu nói về cảnh sống nơi ở của Bác. Câu thơ thứ hai nói về chuyện ăn uống của Bác tại hang Pác Bó thật thanh đạm toàn những thứ có trong thiên nhiên quanh nơi Bác ở “cháo bẹ rau măng”. 	
GV: Cuộc sống gắn bó với thiên nhiên của Bác thật giống khách lâm tuyền, ngay đến cách ăn cũng vậy. Nhưng nếu nhà ẩn sĩ có ăn măng trúc hay ăn giá thì đấy là thức ăn thanh cảnh thỉnh thoảng mới ăn, hay chỉ là một cách nói ước lệ để thể hiện cái thanh tao, cao khiết của tâm hồn. Còn với Bác thì rau cháo là rau cháo thực. Ở trong hang đá núi thì dù có thi vị hóa đến đâu cũng khác rất xa một cái am của nhà ẩn sĩ. Vì vậy mà ăn uống “cháo bẹ rau măng” là câu thơ tả thực về nỗi vất vả gian nan có thực của Bác trong những ngày tháng hoạt động cách mạng tại hang Pác Bó.
	?KH: Em hiểu như thế nào về mấy chữ “vẫn sẵn sàng” trong câu thừa?
	HS: Đăt câu thơ thứ hai vào mạch nội dung cảm xúc của cả bài thì thấy rõ rằng cụm từ “vẫn sẵn sàng” tạo cho câu thơ thêm nét vui đùa: lương thực, thực phẩm ở đây thật đầy đủ, đầy đủ tới dư thừa, “cháo bẹ rau măng” luôn có sẵn.
	GV: Có người hiểu ý câu thơ này là dù phải ăn chỉ có cháo bẹ rau măng rất khổ nhưng tình thần vẫn sẵn sàng. Hiểu như vậy không sai về ngữ pháp nhưng không phù hợp với tinh thần chung, giọng điệu chung (đùa vui, thoải mái) của bài thơ, cũng tức là không thật phù hợp với cảm xúc của tác giả và ít nhiều làm giảm tầm tư tưởng của bài thơ.
- Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
	?TB: Nhắc lại vai trò của câu chuyển trong bài thơ tứ tuyệt?
	HS: Câu chuyển là câu quan trọng nhất, chuyển mạch ý, chuẩn bị cho tứ thơ bộc lộ.
	?KG: Hãy chỉ rõ sự chuyển mạch của câu chuyển trong bài thơ này?
	HS: Câu thứ ba chuyển từ đời sống, chỗ ở thức ăn hằng ngày sang nói về công việc. Chuyển từ không khí thiên nhiên suối hang, sáng – tối sang không khí hoạt động xã hội. Câu thứ ba có chuyển nhưng vẫn thống nhất với hai câu thơ trên. Cả ba câu đều nói về cảnh sống và làm việc của Bác ở hang Pác Bó. Câu chuyển cho ta cảm nhận rõ hình ảnh Bác đang ngồi làm công việc cách mạng giữa thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên.
	?KG: Cách sử dụng từ ngữ và sự hòa phối thanh điệu B – T trong câu chuyển có gì độc đáo?
	HS: Hai chữ “chông chênh” là từ láy duy nhất của bài thơ rất tạo hình; ba chữ “dịch sử Đảng” toàn vần trắc, thật khỏe, gân guốc như cân lại ba câu vần bằng vang xa làm nổi bật hình tượng nhân vật trữ tình được đặt ở trung tâm của bài thơ. Như vậy con người là chủ thể của thiên nhiên chứ không bị lấn át, hòa tan trong thiên nhiên. Và thật thú vị, vị “khách lâm tuyền” sống hòa hợp nhịp nhàng với suối với hang kia lại chính là người chiến sĩ cách mạng vĩ đại đang tựa vào thiên nhiên để hoạt động cách mạng xoay chuyển lịch sử Việt Nam.
	GV: Đằng sau cái dáng tạo hình cụ thể của Bác đang ngồi dịch sử Đảng toát lên tư thế lồng lộng của vị lãnh tụ của dân tộc, nhà cách mạng vĩ đại – một hình tượng thật đẹp. Bác Hồ đang “dịch sử Đảng” cộng sản Liên Xô – cũng là đang sáng tạo ra lịch sử nơi “đầu nguồn” trên cái bối cảnh thiên nhiên có suối, có rừng cảnh tượng ấy quả thật là đẹp là thi vị.
	?TB: Ba câu thơ trên, giúp em hiểu thế nào về thú lâm tuyền của Bác?
	HS: Ba câu thơ miêu tả những gian khổ trong cuộc sống hoạt động cách mạng của Bác nhưng những câu thơ ấy bộc lộ một tâm trạng thật là thoải mái ung dung, lại toát lên niềm vui thích thật sự không chút gượng gạo của Bác đó chính là thú lâm tuyền – niềm vui thích được sống và làm việc chan hòa với thiên nhiên rừng suối để hoạt động cách mạng xoay chuyển lịch sử Việt Nam.
	Ghi: Thú lâm tuyền của Bác là niềm vui thích được sống và làm việc chan hòa với thiên nhiên để hoạt động cách mạng xoay chuyển lịch sử Việt Nam.
	GV: Thú lâm tuyền của Bác Hồ và người xưa vừa giống nhau vừa rất khác nhau. Người xưa thường tìm đến thú lâm tuyền vì cảm thấy bất lực trước thực tế xã hội, muốn “lánh đục về trong”, tự an ủi bằng lối sống “an bần lạc đạo”. Tuy đó là lối sống thanh cao, khí tiết nhưng không thể không gọi là tiêu cực. Còn với Hồ Chí Minh, sống hòa nhịp với lâm tuyền nhưng vẫn nguyên vẹn cốt cách chiến sĩ; và chính cuộc sống lâm tuyền đó là một biểu hiện của cuộc đời cách mạng của người chiến sĩ. Vì vậy, nhân vật trữ tình của bài thơ tuy có dáng vẻ ẩn sĩ, song thực chất vẫn là chiến sĩ.
	2. Cái sang của cuộc đời cách mạng (10’)
- Cuộc đời cách mạng thật là sang.
	?KG: Em hiểu ý nghĩa của câu hợp này như thế nào? Phân tích cái “sang” trong câu thơ này?
	HS: Đây thực sự là một câu kết thúc bất ngờ. Bất ngờ vì nói chung với các chiến sĩ cách mạng thì đời cách mạng đầy rấy những khó khăn, gian khổ nhưng Bác lại viết “thật là sang”. Chữ “sang” ở đây có thể coi là nhãn tự của bài thơ, nó đã kết tinh, bật sáng tinh thần toàn bài. Ta hiểu rằng nhờ có lòng yêu nước, tinh thần lạc quan mà cái nghèo, cái thiếu thốn, cái gian khổ của cuộc đời cách mạng được đánh giá là sang. Đây là cái sang thực sự của con người biết tự chủ, biết vượt lên gian khổ sống thoải mái ung dung để chèo lái con thuyền cách mạng của đất nước.
	Ghi: - Cái sang của cuộc đời cách mạng là biết tự chủ vượt lên gian khổ, sống thoải mái ung dung để chèo lái con thuyền cách mạng của đất nước.
	GV: Sau 30 năm xa nước, nay được trở về sống giữa lòng đất nước yêu dấu, trực tiếp lãnh đạo cách mạng để cứu nước, cứu dân. Lúc này, Bác Hồ rất vui vì Người tin chắc rằng thời cơ giải phóng dân tộc đang tới gần, điều mà Bác chiến đấu suốt đời để đạt tới đang trở thành hiện thực. So với niềm vui lớn lao đó thì những gian khổ trong sinh hoạt có nghĩa lí gì; thậm chí tất cả những hang tối, cháo bẹ, rau măng, bàn đá chông chênh kia không phải là gian khổ mà đều trở thành sang trọng, vì đó là cuộc đời cách mạng. Có thể nói thú lâm tuyền được nói đến trong bài thơ cùng với hình thức thơ thất ngôn tứ tuyệt chính là thể hiện của tính cổ điển còn cuộc đời cách mạng được nói đến trong bài thơ chính là tính hiện đại=> Bài thơ có sự kết hợp hài hòa giữa tính cổ điển và hiện đại.
	?KH: Nêu nghệ thuật và nội dung cơ bản của bài thơ?
	III. TỔNG KẾT – GHI NHỚ (5’)
	Ghi:- Bài thơ tứ tuyệt bình dị pha giọng vui đùa có sự kết hợp hài hòa giữa tính cổ điển và hiện đại, kết thúc bất ngờ mà hợp lí.
	- Thể hiện tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác trong cuộc sống cách mạng đầy gian khổ ở Pác Bó. Với Người, làm cách mạng và sống hòa hợp với thiên nhiên là một niềm vui lớn.
	GV: Gọi HS đọc ghi nhớ SGK.
c) Củng cố, luyện tập (2’):
	GV: Gọi HS đọc diễn cảm bài thơ. GV uốn nắn và đọc lại cho cả lớp nghe.
d) Hướng dẫn học sinh tự học ở nhà (1’):
	- Học thuộc lòng bài thơ và ghi nhớ. Tiết tới chuẩn bị bài Câu cầu khiến. Yêu cầu: Xem lại kiến thức câu cầu khiến đã học ở lớp dưới; đọc, tìm hiểu kĩ các ví dụ và câu hỏi trong mục I, sau đó trả lời. 

Tài liệu đính kèm:

  • docTiet 81 bai 22.doc