Giáo án Ngữ văn 8 tiết 65 bài 17: Văn bản: Ông đồ - Vũ Đình Liên

Giáo án Ngữ văn 8 tiết 65 bài 17: Văn bản: Ông đồ - Vũ Đình Liên

TIẾT 65 VĂN BẢN

ÔNG ĐỒ

- Vũ Đình Liên -

1. Mục tiêu: Giúp HS:

 a) Về kiến thức:

- Cảm nhận được tình cảnh tàn tạ của nhân vật ông đồ, qua đó thấy được niềm cảm thương và nỗi nhớ tiếc ngậm ngùi của tác giả đối với cảnh cũ người xưa gắn liền với một nét đẹp văn hoá cổ truyền.

 - Thấy được sức truyền cảm nghệ thuật đặc sắc của bài thơ.

 b) Về kĩ năng: Rèn kĩ năng phân tích bài thơ ngũ ngôn theo đúng yêu cầu.

 c) Về thái độ: Giáo dục HS ý thức trân trọng những nét đẹp văn hoá cổ truyền.

2. Chuẩn bị của GV và HS

 a) Chuẩn bị của GV: SGK, SGV, đồ dùng dạy học- nghiên cứu soạn giáo án.

 b) Chuẩn bị của HS: SGK, vở ghi- học bài cũ- chuẩn bị bài mới theo SGK.

 

doc 7 trang Người đăng haiha30 Lượt xem 708Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Ngữ văn 8 tiết 65 bài 17: Văn bản: Ông đồ - Vũ Đình Liên", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Ngày soạn: .	Ngày dạy: . Dạy lớp 8B
	Ngày dạy: . Dạy lớp 8C
TIẾT 65 VĂN BẢN
ÔNG ĐỒ
- Vũ Đình Liên -
1. Mục tiêu: Giúp HS:
	a) Về kiến thức: 
- Cảm nhận được tình cảnh tàn tạ của nhân vật ông đồ, qua đó thấy được niềm cảm thương và nỗi nhớ tiếc ngậm ngùi của tác giả đối với cảnh cũ người xưa gắn liền với một nét đẹp văn hoá cổ truyền.
	- Thấy được sức truyền cảm nghệ thuật đặc sắc của bài thơ.
	b) Về kĩ năng: Rèn kĩ năng phân tích bài thơ ngũ ngôn theo đúng yêu cầu.
	c) Về thái độ: Giáo dục HS ý thức trân trọng những nét đẹp văn hoá cổ truyền.
2. Chuẩn bị của GV và HS
	a) Chuẩn bị của GV: SGK, SGV, đồ dùng dạy học- nghiên cứu soạn giáo án.
	b) Chuẩn bị của HS: SGK, vở ghi- học bài cũ- chuẩn bị bài mới theo SGK.
3. Tiến trình bài dạy
	* Ổn định tổ chức: Sĩ số 8B: .
	Sĩ số 8C: .
a) Kiểm tra bài cũ (3’): Kiểm tra miệng.
	Câu hỏi: Nêu giá trị nghệ thuật và nội dung cơ bản của bài thơ Muốn làm thằng Cuội?
- Sức hấp dẫn của bài thơ là ở hồn thơ lãng mạn pha chút ngông nghênh đáng yêu và những tìm tòi đổi mới thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật cổ điển (5 đ).
- Bài thơ là tâm sự của một con người bất hoà sâu sắc với thực tại tầm thường, xấu xa, muốn thoát li bằng mộng tưởng lên cung trăng để bầu bạn với chị Hằng (5 đ).
* Vào bài (1’): Từ đầu thế kỉ XX, nền Hán học và chữ Nho ngày càng mất vị thế quan trọng trong đời sống văn hoá Việt Nam. Các nhà Nho từ chỗ là nhân vật trung tâm của đời sống văn hoá dân tộc được xã hội tôn vinh, bỗng chốc trở nên lạc bước trong thời đại mới, bị cuộc đời bỏ quên và cuối cùng là vắng bóng. Bằng lòng thương người và tình hoài cổ sâu sắc, nhà thơ Vũ Đình Liên đã giúp thế hệ chúng ta cảm nhận rõ điều này qua kiệt tác Ông đồ một bài thơ nổi tiếng nhất của ông.
b) Dạy nội dung bài mới:
	I. ĐỌC VÀ TÌM HIỂU CHUNG (10’)
	GV: Ông đồ là một bài thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới. Lúc đầu, hai chữ “thơ mới” dùng để gọi tên một thể thơ: thơ tự do. Khoảng, sau 1930, một loạt thi sĩ trẻ xuất thân “Tây học” lê án “thơ cũ” (chủ yếu là thơ Đường luật) là khuôn sáo, trói buộc. Họ đòi đổi mới thơ ca và đã sang tác những bài thơ khá tự do, số chữ trong câu và số câu trong bài không có hạn định, gọi đó là “thơ mới”. Nhưng rồi “thơ mới” không còn chỉ để gọi thể thơ tự do mà chủ yếu dùng để gọi một phong trào thơ có tính chất lãng mạn tiểu tư sản bột phát năm 1932 và kết thúc năm 1945, gắn liền với những tên tuổi của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Vũ Đình Liên, Phong trào Thơ mới ra đời và phát triển mạnh mẽ rồi đi vào bế tắc trong vòng gần 15 năm.
	Trong thơ mới, số thơ tự do không nhiều, chủ yếu là thơ bảy chữ, lục bát, tám chữ. Dù vậy, so với thơ cũ, nhất là thơ luật Đường, thơ mới vẫn tự do, phóng khoáng, linh hoạt hơn, không còn bị ràng buộc bởi những quy tắc nghiệt ngã của thi pháp cổ điển.	
* Khái niệm về Thơ mới và phong trào Thơ mới: 
Ghi: Lúc đầu, hai chữ “thơ mới” dùng để gọi tên một thể thơ: thơ tự do, sau đó dùng để gọi một phong trào thơ có tính chất lãng mạn tiểu tư sản bột phát năm 1932 kết thúc năm 1945.	
1. Vài nét về tác giả, tác phẩm
	GV: Gọi HS đọc chú thích * SGK.
	?TB: nêu những hiểu biết của em về tác giả Vũ Đình Liên?
	Ghi:- Vũ Đình Liên (1913 – 1996) thuộc lớp thi sĩ đầu tiên của phong trào Thơ mới, có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào Thơ mới. Thơ ông thể hiện hai cảm hứng chủ đạo là tình thương người và lòng hoài cổ.
	GV: Vũ Đình Liên viết không nhiều nhưng đã để lại trong lòng người đọc một ấn tượng khó quên. Nói đến Vũ Đình Liên là người ta nói đến bài thơ Ông đồ. Đây là bài thơ hay nhất, kết tinh nhất của hồn thơ Vũ Đình Liên. Ông thuộc lớp thi sĩ Thơ mới đầu tiên ngay khi phong trào Thơ mới vừa ra quân. Thơ ông quan về với vẻ đẹp hoài cổ (vẻ đẹp muôn năm cũ, quay về với những vang bóng của một thời). Vũ Đình Liên còn là một nhà giáo, một nhà nghiên cứu văn học, một nhà dịch thuật, chủ nhiệm khoa tiếng Pháp trường Đại học sư phạm Ngoại ngữ, là thành viên tích cực của nhóm Văn học Lê Quý Đôn những năm 1956-1963.
	?TB: Nêu những hiểu biết của em về bài thơ “Ông đồ”?	
	HS: Là bài thơ xuất sắc nhất của Vũ Đình Liên, đồng thời cũng được xem là một trong số những bài thơ hàng đầu của Thơ mới.
	Ghi: - Bài thơ “Ông đồ” viết năm 1936 là bài thơ hay nhất, kết tinh nhất của hồn thơ Vũ Đình Liên.
	2. Đọc bài thơ
	GV: Bài thơ được viết theo thể thơ ngũ ngôn, toàn bài gồm 5 khổ thơ, khi đọc chú ý nhấn giọng ở những câu thơ có cấu trúc lặp lại ở đầu các khổ 1, 3, 5; các câu hỏi tu từ, từ ngữ gợi tả để thể hiện cảm xúc của nhà thơ.
	GV: Đọc diễn cảm bài thơ, gọi 2 HS đọc. GV nhận xét, uốn nắn.
	?KH: Bài thơ được viết theo thể thơ nào, chỉ rõ bố cục của nó?
	HS: Bài thơ làm theo thể ngũ ngôn gồm năm khổ, mỗi khổ 4 câu. Bố cục bài thơ chia ba phần: hai khổ thơ đầu => Hình ảnh ông đồ thời đắc ý; hai khổ thơ tiếp: => Hình ảnh ông đồ thời tàn; khổ thơ kết:=> Sự vắng bóng của ông đồ và câu hỏi bâng khuâng nhớ tiếc của nhà thơ.
	GV: Chúng ta sẽ đi phân tích bài thơ theo bố cục trên.
	II. PHÂN TÍCH (25’)	
1. Hình ảnh ông đồ thời đắc ý (8’)
	?TB: Ông đồ xuất hiện như thế nào trong hai khổ thơ đầu?
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
	?KH: Những từ “mỗi năm”, “lại” gợi lên trong em suy nghĩ gì về sự xuất hiện của ông đồ?
	HS: Mỗi khi tết đến, hoa đào nở, lại thấy ông đồ cùng mực tàu, giấy đỏ bên hè phố đông người qua lại, như góp mặt vào cái đông vui, náo nhiệt của phố phường. Hình ảnh đó đã trở thành thân quen như không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến, xuân về. 
	?TB: Ông đồ xuất hiện vào khoảng thời gian đó cùng mực tàu, giấy đỏ để làm gì?
	HS: Ông xuất hiện vào thời điểm Tết đến để viết chữ Nho, viết câu đối đỏ, tức là cung cấp một thứ hàng mà mỗi gia đình cần sắm cho ngày Tết. 
	GV: Theo phong tục, khi Tết đến, người ta sắm câu đối hoặc một đôi chữ nho viết trên giấy đỏ dán lên vách, lên cột, vừa để trang hoàng nhà cửa ngày Tết, vừa gửi gắm lời cầu chúc tốt lành. Khi đó, ông đồ được thiên hạ tìm đến và ông có dịp trổ tài, đồng thời, có được ít tiền tiêu tết. Tuy là viết thuê kiếm tiền nhưng khi đó, chữ của ông còn đang được mọi người trân trọng, thưởng thức nên ông vẫn đang trong thời đắc ý.
	?KH: Em nhận xét như thế nào về thái độ của những người xung quanh đối với ông đồ?
	HS: Mọi người vẫn còn yêu thích chữ Nho và phong tục chơi câu đối vì vậy, người ta kéo nhau tìm đến ông đồ, và lúc này, ông rất “đắt hàng”, có “Bao nhiêu người thuê viết”. “Bao nhiêu người” nghĩa là nhiều người, đông người đếm không hết. Người ta không chỉ tìm đến ông vì cần thuê ông viết chữ, mà còn để thưởng thức tài viết chữ đẹp của ông. Mọi người tấm tắc ngợi khen tài ông, khen ông có hoa tay, khen chữ ông như phượng múa rồng bay.
	?KH: Nêu cảm nhận của em về hình ảnh ông đồ trong hai khổ thơ đầu?
	HS: Ở hai khổ thơ đầu, hình ảnh ông đồ như hòa vào, góp vào cái rộn ràng, tưng bừng, sắc màu rực rỡ của phố xá đang đón Tết; mực tàu, giấy đỏ của ông hòa với màu đỏ của hoa đào nở; sự có mặt của ông đã thu hút bao người xúm đến. Lúc ấy, ông trở thành trung tâm của sự chú ý, là đối tượng của sự ngưỡng mộ.
	Ghi: - Ông đồ là trung tâm của sự chú ý, là đối tượng ngưỡng mộ của mọi người.
	GV: Số phận của ông đồ sẽ thay đổi ra sao khi mà chữ Nho đang ngày càng mất vị thế quan trọng trong đời sống văn hoá Việt Nam.
	?TB: Hãy đọc và nêu nội dung của hai khổ thơ 3, 4?
	2. Hình ảnh ông đồ thời tàn (9’)
	?TB: Hình ảnh ông đồ thời tàn được miêu tả thế nào? 
- Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm;
Mực đọng trong nghiên sầu
- Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay,
	?KH: Chỉ ra bút pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai khổ thơ này?
	HS: Hình ảnh ông đồ được miêu tả trong thế đối lập, tương phản với hai khổ thơ đầu cùng câu hỏi tu từ đầy nhức nhối và biện pháp nhân hoá “giấy buồn, nghiên sầu” khắc họa rõ nét sự đổi thay đột ngột của số phận ông đồ. 
	?KG: Các biện pháp nghệ thuật trên đem lại cho em cảm nhận gì về con người và cảnh vật được nói đến trong khổ thơ?
	HS: Ở hai khổ này, vẫn nổi bật hình ảnh ông đồ với mực tàu, giấy đỏ bên hè phố ngày Tết, nhưng tất cả đã khác xưa. Chẳng còn đâu cảnh bao nhiêu người thuê viết chen chúc, tấm tắc ngợi khen, mà là cảnh tượng vắng vẻ đến thê lương: “Nhưng mỗi năm mỗi vắng – Người thuê viết nay đâu?”. Ông đồ ngồi đấy nhưng cũng chẳng cầm đến bút, chạm đến giấy. Vì vậy mà: “Giấy đỏ buồn không thắm; Mực đọng trong nghiên sầu”. Nỗi buồn tủi lan sang cả những vật vô tri vô giác. Tờ giấy đỏ cứ phơi ra đấy mà chẳng được đụng đến trở thành bẽ bàng, màu đỏ của nó trở thành vô duyên, không thắm lên được; nghiên mực cũng vậy, không hề được chiếc bút lông chấm vào, nên mực như đọng lại bao sầu tủi và trở thành nghiên sầu! Phép nhân hóa được tác giả sử dụng thật “đắt” và có sức lay động mạnh mẽ người đọc.
	?KG: Hai câu đầu khổ thơ thứ tư gieo vào lòng chúng ta nỗi niềm gì?
	HS: Ông đồ vẫn ngồi đấy như xưa, nhưng cuộc đời đã hoàn toàn khác xưa. Đường phố vẫn đông người qua, nhưng không ai biết đến sự có mặt của ông! Ông vẫn cố bám lấy sự sống, vẫn muốn có mặt với cuộc đời, nhưng cuộc đời thì đã quên hẳn ông! Ông ngồi đấy bên phố đông mà vô cùng lạc lõng, lẻ loi. Ông ngồi đấy lặng lẽ mà trong lòng ông là một tấn bi kịch, là sự sụp đổ hoàn toàn. Trời đất cũng ảm đạm, lạnh lẽo như lòng ông.
	?KG: Em hãy nói rõ cái hay của những câu thơ: “Lá vàng rơi trên giấy – Ngoài giời mưa bụi bay”?
	HS: Đây là hai câu mượn cảnh ngụ tình, là miêu tả mà biểu cảm, ngoại cảnh mà kì thực là tâm cảnh. Lá vàng rơi vốn đã gợi sự tàn tạ, buồn bã; đây lại là lá vàng rơi trên những tờ giấy dành viết câu đối của ông đồ. Vì ông ế khách, tờ giấy đỏ cứ phơi ra đấy hứng lá vàng rơi và ông cũng bỏ mặc! Ngoài giời mưa bụi bay, đấy là mưa trong lòng người chứ đâu còn là mưa ngoài trời! Dường như cả trời đất cũng ảm đạm, buồn bã cùng với ông đồ!
	GV: Có thể nói đây là hai câu thơ tả cảnh để ngụ tình, nhưng là một cảnh buồn đặc sắc. Hình ảnh ông đồ như chìm dần, như nhoè lẫn trong cái không gian đầy mưa gió. Để rồi sau đó không biết mọi sự sẽ ra sao khi mà ông đã bị mọi người và xã hội bỏ rơi hoàn toàn.
	?TB: Hãy nêu cảm nhận của em về hình ảnh ông đồ ở thời tàn?
	Ghi: Ông đồ trở nên lạc lõng, lẻ loi, bị mọi người và xã hội bỏ rơi hoàn toàn.
	GV: Gọi HS đọc khổ thơ cuối.
	3. Tâm tư của nhà thơ (8’)
	?TB: Khung cảnh trong khổ thơ cuối có gì khác?
- Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
	?KG: So sánh nội dung khổ thơ đâu với nội dung khổ thơ cuối, em có nhận xét gì về kết cấu của bài thơ? Giá trị biểu cảm của kết cấu ấy như thế nào?
	HS: Bài thơ mở ra bằng hình ảnh hoa đào, khép lại bằng hình ảnh hoa đào. Chỉ khác nhau trước đây, bên hoa đào có ông đồ nay “Không thấy ông đồ xưa”. Đó là kiểu kết cấu đầu cuối tương ứng vừa đảm bảo sự chặt chẽ của cấu tứ, vừa có tác dụng làm nổi bật chủ đề đó là cái tứ “Cảnh cũ người đâu”. Từ nay, hình ảnh ông đồ vĩnh viễn đi vào quá khứ, vĩnh viễn vắng bóng trong cuộc sống sôi động. Ông đã cố bám lấy xã hội hiện đại nhưng ông đã bị buông rơi. Bóng dáng của ông đồ đâu phải bóng dáng của một người mà là bóng dáng của một thời đại, bóng dáng kí ức của chính chúng ta.
	?KH: Em suy nghĩ như thế nào khi đọc hai câu thơ kết thúc?
	HS: Hai câu cuối kết thúc bằng một câu hỏi tu từ, nó là lời tự vấn của nhà thơ, là nỗi niềm thương tiếc khắc khoải của nhà thơ trước việc vắng bóng “ông đồ xưa”. Từ sự vắng bóng ông đồ khi Tết đến, nhà thơ bâng khuâng, xót xa nghĩ tới những người “muôn năm cũ” không bao giờ còn thấy nữa. Câu hỏi không có câu trả lời gieo vào lòng người đọc những cảm thương tiếc nuối không dứt.
	GV: Trong thơ trữ tình, cảm xúc trữ tình của nhà thơ mới là nội dung cốt lõi của tác phẩm. Trong bài Ông đồ, qua sự tương phản giữa hai cảnh tượng cùng miêu tả ông đồ ngồi viết câu đối ngày Tết, có thể thấy rõ tâm tư tình cảm của nhà thơ. Đó là niềm cảm thương chân thành đối với tình cảnh những ông đồ đang tàn tạ trước sự đổi thay của cuộc đời; đồng thời đó còn là niềm nhớ nhung, luyến tiếc những cảnh cũ người xưa nay đã vắng bóng. Sự cảm thương chân thành trước những số phận bất hạnh là tình cảm nhân đạo đáng quý, nhưng hoài cổ (nhớ tiếc cái xưa cũ) cũng không phải là sự tiêu cực vì ở bài thơ này, cái xưa cũ không còn nữa mà nhà thơ ngậm ngùi nhớ tiếc đó đã từng gắn bó thân thiết, dường như không thể thiếu đối với đời sống Việt Nam hàng trăm năm, lại mang một vẻ đẹp văn hóa và gắn với những giá trị tinh thần truyền thống, thì niềm hoài cổ có một ý nghĩa nhân văn và thể hiện một tinh thần dân tộc đáng trân trọng.
	Ghi: Nhà thơ cảm thương chân thành trước sự vắng bóng của ông đồ và thể hiện nỗi tiếc nhớ những cảnh cũ người xưa.
	?KG: Nêu nhận xét khái quát về giá trị nghệ thuật và nội dung của bài thơ?
	III. TỔNG KẾT – GHI NHỚ (4’)
	Ghi:- Bài thơ giản dị viết theo thể ngũ ngôn giọng điệu thơ nhỏ nhẹ, điềm đạm mà thấm thía, ít lời mà nhiều ý, ngôn ngữ giản dị trong sáng; kết cấu đầu cuối tương ứng.
	- Bài thơ thể hiện sâu sắc tình cảnh đáng thương của “ông đồ” qua đó toát lên niềm cảm thương chân thành trước một lớp người đang tàn tạ và nỗi tiếc nhớ cảnh cũ người xưa của nhà thơ.
	GV: Gọi HS đọc ghi nhớ SGK. T. 10.
c) Củng cố, luyện tập (1’):
	GV: Gọi 1 HS đọc lại toàn bộ bài thơ. 
d) Hướng dẫn học sinh tự học ở nhà (1’):
	- Học thuộc lòng bài thơ và phần ghi nhớ.
	- Tiết tới soạn bài Hai chữ nước nhà. Yêu cầu:
	+ Đọc kĩ: bài thơ, phần chú thích *, chú thích từ khó, các câu hỏi phần đọc - hiểu văn bản.
	+ Tìm hiểu ý chính và cảm xúc bao trùm đoạn thơ.
	+ Ôn lại kiến thức đã học về thể thơ song thất lục bát nhận diện thể thơ về số câu, chữ, cách hiệp vần, ngắt nhịp và tác dụng của thể thơ trong việc diễn tả nội dung câu chuyện lịch sử.
	+ Trả lời toàn bộ các câu hỏi phần đọc - hiểu văn bản.

Tài liệu đính kèm:

  • docTiet 65 bai 17.doc