Giáo án Ngữ văn 8 tiết 50 bài 13: Tiếng Việt: Dấu ngoặc đơn và dấu hai chấm

Giáo án Ngữ văn 8 tiết 50 bài 13: Tiếng Việt: Dấu ngoặc đơn và dấu hai chấm

TIẾT 50 TIẾNG VIỆT

DẤU NGOẶC ĐƠN VÀ DẤU HAI CHẤM

1. Mục tiêu: Giúp HS:

 a) Về kiến thức: Hiểu rõ công dụng của dấu ngoặc đơn và dấu hai chấm.

 b) Về kĩ năng: Biết dùng dấu ngoặc đơn và dấu hai chấm trong khi viết.

 c) Về thái độ: Có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

2. Chuẩn bị của GV và HS

 a) Chuẩn bị của GV: SGK, SGV, đồ dùng dạy học- nghiên cứu soạn giáo án.

 b) Chuẩn bị của HS: SGK, vở ghi- học bài cũ- chuẩn bị bài mới theo SGK.

3. Tiến trình bài dạy

 * Ổn định tổ chức: Sĩ số 8B: .

 8C: .

a) Kiểm tra bài cũ (3’): Kiểm tra miệng.

 Câu hỏi: Nêu quan hệ ý nghĩa giữa các vế trong câu ghép? Đặt câu có quan hệ tăng tiến?

 

doc 5 trang Người đăng haiha30 Lượt xem 567Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Ngữ văn 8 tiết 50 bài 13: Tiếng Việt: Dấu ngoặc đơn và dấu hai chấm", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Ngày soạn:	..	Ngày dạy: . Dạy lớp 8B
	Ngày dạy: . Dạy lớp 8C
TIẾT 50 TIẾNG VIỆT
DẤU NGOẶC ĐƠN VÀ DẤU HAI CHẤM
1. Mục tiêu: Giúp HS:
	a) Về kiến thức: Hiểu rõ công dụng của dấu ngoặc đơn và dấu hai chấm.
	b) Về kĩ năng: Biết dùng dấu ngoặc đơn và dấu hai chấm trong khi viết.
	c) Về thái độ: Có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
2. Chuẩn bị của GV và HS
	a) Chuẩn bị của GV: SGK, SGV, đồ dùng dạy học- nghiên cứu soạn giáo án.
	b) Chuẩn bị của HS: SGK, vở ghi- học bài cũ- chuẩn bị bài mới theo SGK.
3. Tiến trình bài dạy
	* Ổn định tổ chức: Sĩ số 8B: .
	 8C: .
a) Kiểm tra bài cũ (3’): Kiểm tra miệng.
	Câu hỏi: Nêu quan hệ ý nghĩa giữa các vế trong câu ghép? Đặt câu có quan hệ tăng tiến?
	Đáp án: - Các vế của câu ghép có quan hệ ý nghĩa với nhau khá chặt chẽ. Những quan hệ thường gặp là: quan hệ nguyên nhân, quan hệ điều kiện (giả thiết), quan hệ tương phản, quan hệ tăng tiến, quan hệ lựa chọn quan hệ bổ sung, quan hệ tiếp nối, quan hệ đồng thời, quan hệ giải thích. (4 điểm)
	- Mối quan hệ thường được đánh dấu bằng những quan hệ từ, cặp quan hệ từ hoặc cặp từ hô ứng nhất định. Tuy nhiên, để nhận biết chính xác quan hệ ý nghĩa giữa các vế câu, trong nhiều trường hợp, ta phải dựa vào văn cảnh hoặc hàon cảnh giao tiếp. (4 điểm)
	- Nó chẳng những hát hay mà nó còn học rất giỏi nữa. (2 điểm)
* Vào bài (1’): Trong quá trình tạo lập văn bản, viết giấy tờ, nhiều khi chúng ta phải sử dụng dấu ngoặc đơn và dấu hai chấm. Các dấu đó dùng như thế nào, dùng với mục đích gì? Giờ học này, ta cùng tìm hiểu.
b) Dạy nội dung bài mới:
	I. DẤU NGOẶC ĐƠN (12’) 
	1. Ví dụ
	a) Đùng một cái, họ (những người bản xứ) được phong cho cái danh hiệu tối cao là “chiến sĩ bảo vệ công lí và tự do”.
	b) Gọi là kênh Ba Khía vì ở đó hai bên bờ tập trung toàn những con ba khía chúng bám đặc sệt quanh các gốc cây (ba khía là một loại còng biển lai cua, càng sắc tím đỏ, làm mắm xé ra trộn tỏi ớt ăn rất ngon).
	c) Lí Bạch (701 – 762), nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời Đường, tự Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ, quê ở Cam Túc; lúc mới năm tuổi, gia đình về định cư ở làng Thanh Liên, huyện Xương Long thuộc Miên Châu (Tứ Xuyên).
	GV: Gọi HS đọc ví dụ a, b, c.
	?TB: Ví dụ a, dấu ngoặc đơn dùng để làm gì?
	HS: Dùng để đánh dấu phần giải thích để làm rõ họ ngụ ý chỉ ai (những người bản xứ). 
	GV: Phần này thường nhằm giúp người đọc hiểu rõ hơn phần được chú thích, nhưng nhiều khi có tác dụng nhấn mạnh.
	?TB: Ví dụ b, dấu ngoặc đơn dùng với vai trò gì?
	HS: Dùng đánh dấu phần thuyết minh về một loại động vật mà tên của nó (ba khía) được dùng để gọi tên một con kênh, nhằm giúp người đọc hình dung rõ hơn đặc điểm của con kênh này.
	?TB: Ví dụ c, dấu ngoặc đơn được dùng với mục đích như thế nào?
	HS: Dùng đánh dấu phần bổ sung thêm thông tin về năm sinh (701) và mất (762) của nhà thơ Lí Bạch và phần cho người đọc biết thêm Miên Châu thuộc tỉnh nào (Tứ Xuyên).
	GV: Cho HS thử bỏ phần trong dấu ngoặc đơn của ba ví dụ đi.
	?KH: Nếu bỏ phần trong dấu ngoặc đơn thì ý nghĩa cơ bản của những đoạn trích trên có thay đổi không? Vì sao?
	HS: Ý nghĩa cơ bản của những đoạn trích đó không thay đổi vì phần trong dấu ngoặc đơn không thuộc phần nghĩa cơ bản của câu. Song có phần trong dấu ngoặc đơn thì nội dung sẽ cụ thể chi tiết hơn.
	?TB: Quan tìm hiểu ví dụ, em hãy nhận xét về công dụng của dấu ngoặc đơn?
	2. Bài học
	Ghi:- Dấu ngoặc đơn dùng để đánh dấu phần chú thích (giải thích, thuyết minh, bổ sung thêm).
	GV: Dấu ngoặc đơn dùng để đánh dấu phần chú thích cho một từ ngữ, một vế trong câu hoặc cho một câu, một chuỗi câu trong đoạn văn. Phần trong dấu ngoặc đơn có thể là một từ ngữ, một câu, một chuỗi câu thậm chí là một con số hay một dấu câu khác (thường là dấu chấm hỏi hoặc dấu chấm than). Trường hợp dùng dấu ngoặc đơn với dấu chấm hỏi là để tỏ ý hoài nghi. Trường hợp dùng dấu ngoặc đơn với dấu chấm than để tỏ ý mỉa mai. Đôi khi dấu ngoặc đơn dùng với cả dấu chấm hỏi và dấu chấm than để tỏ ý vừa hoài nghi vừa mỉa mai, có thể coi đây là một biểu hiện đặc biệt của trường hợp dùng dấu ngoặc đơn đánh dấu phần bổ sung thêm.
	II. DẤU HAI CHẤM (11’)
	1. Ví dụ
	a) Rồi Dế Choắt loanh quanh, băn khoăn. Tôi phải bảo:
	- Được, chú mình cứ nói thẳng thừng ra nào.
	Dế Choắt nhìn tôi mà rằng:
	- Anh đã nghĩ thương em như thế thì hay là anh đào giúp cho em một cái ngách sang bên nhà anh, phòng khi tắt lửa tối đèn có đứa nào đến bắt nạt thì em chạy sang
	b) Như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất.
	Người xưa có câu: “Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng”. Tre là thẳng thắn, bất khuất!
	c) Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.
	GV: Gọi HS đọc ví dụ a, b, c mục II.
	?TB: Ở ví dụ a, dấu hai chấm được dùng để làm gì?
	HS: Dùng để đánh dấu (báo trước) lời đối thoại (của Mèn với Choắt và của Choắt với Mèn).
	?TB: Ví dụ b, c dấu hai chấm được dùng với những công dụng nào?
	HS: Ví dụ b: đánh dấu (báo trước) lời dẫn trực tiếp (dẫn lại lời của người xưa). Ví dụ c: dùng để đánh dấu (báo trước) phần giải thích lí do thay đổi tâm trạng của nhân vật “Tôi” trong ngày đầu tiên đi học.
	?TB: Khi dùng để báo trước lời dẫn trực tiếp và lời đối thoại, dấu ngoặc đơn trong hai ví dụ còn dùng kèm với dấu nào nữa?
	HS: Dùng kèm dấu gạch ngang (ví dụ a). Dùng kèm dấu ngoặc kép (ví dụ c).
	?KH: Qua phân tích ví dụ, hãy nêu công dụng của dấu hai chấm?
	2. Bài học
	Ghi: Dấu hai chấm dùng để:
	- Đánh dấu (báo trước) phần giải thích, thuyết minh cho một phần trước đó;
	- Đánh dấu (báo trước) lời dẫn trực tiếp (dùng với dấu ngoặc kép) hay lời đối thoại (dùng với dấu gạch ngang).
	GV: Gọi HS đọc toàn bộ các ghi nhớ trong SGK.
	GV: Khác với phần trong dấu ngoặc đơn, phần đứng sau dấu hai chấm được người viết cho là thuộc nội dung nghĩa cơ bản của câu hay của đoạn văn. Trong phần lớn các trường hợp, nếu bỏ phần sau dấu hai chấm, câu văn hoặc đoạn văn không chỉ mất đi một phần nghĩa cơ bản mà còn trở nên không hoàn chỉnh về nghĩa và bị coi là sai. Dấu hai chấm được dùng gần như bắt buộc sau từ kính gửi trong các văn bản hành chính công vụ.
	III. LUYỆN TẬP (15’) 
	1. Bài 1 (T. 135, 136)
	GV: Gọi HS đọc bài tập 1.
	?: Giải thích công dụng của dấu ngoặc đơn trong các đoạn trích a, b, c?
	a) Đánh dấu phần giải thích ý nghĩa của các cụm từ tiệt nhiên, định phận tại thiên thư, hành khan thủ bại hư.
	b) Đánh dấu phần thuyết minh nhằm giúp người đọc hiểu rõ trong 2.290 m chiều dài của cầu có tính cả phần cầu dẫn.
	c) Dấu ngoặc đơn được dùng ở hai chỗ. Ở vị trí thứ nhất dấu ngoặc đơn đánh dấu phần bổ sung. Phần này có quan hệ lựa chọn với phần được chú thích (có phàn này thì không có phần kia): người tạo lập văn bản hoặc là người viết, hoặc là người nói. Cách dùng này của dấu ngoặc đơn thường gặp trong các đề thi như: Anh (chị) hãy giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công.”
	Ở vị trí thứ hai dấu ngoặc đơn đánh dấu phần thuyết minh để làm rõ những phương tiện ngôn ngữ ở đây là gì.
	2. Bài 2 (T. 136)
	?: Giải thích công dụng của dấu hai chấm trong những đoạn trích ở bài 2?
	a) Đánh dấu (báo trước) phần giải thích cho ý: họ thách nặng quá.
	b) Đánh dấu (báo trước) lời đối thoại (của Dế Choắt nói với Dế Mèn) và phần thuyết minh nội dung mà Dế Choắt khuyên Dế Mèn.
	c) Đánh dấu (báo trước) phần thuyết minh cho ý: đủ màu là những màu nào.
	3. Bài 5 (T. 137)
	?: Bạn đó chép lại dấu ngoặc đơn đúng hay sai? Vì sao?
	HS: Sai, vì dấu ngoặc đơn (cũng như dấu ngoặc kép) bao giờ cũng được dùng thành cặp. 
	GV: Yêu cầu các em sửa: đặt thêm một dấu ngoặc đơn.
	?: Phần được đánh dấu bằng dấu ngoặc đơn có phải là một bộ phận của câu không?
	HS: Phần được đánh dấu bằng dấu ngoặc đơn không phải là bộ phận của câu.
	GV: Các em lưu ý: phần chú thích có thể là bộ phận của câu, nhưng cũng có thể là một hoặc nhiều câu.
	4. Bài 6 (T. 137)
	?: Viết đoạn văn ngắn về sự cần thiết phải hạn chế việc gia tăng dân số có dùng dấu ngoặc đơn và dấu hai chấm?
	GV: Cho HS làm bài tập. GV gọi HS đọc, GV nhận xét.
c) Củng cố, luyện tập (2’):
	GV: Cho HS đọc lại toàn bộ phần ghi nhớ trong SGK.
d) Hướng dẫn học sinh tự học ở nhà (1’):
	- Học thuộc ghi nhớ, làm bài tập 3, 4 (T.137).
	- Soạn Đề văn thuyết minh và cách làm bài văn thuyết minh. Yêu cầu: Đọc kĩ các đề văn thuyết minh trong mục 1.I. và văn bản Xe đạp sau đó trả lời các câu hỏi.

Tài liệu đính kèm:

  • docTiet 50 bai 13.doc