Giáo án Ngữ văn 8 tiết 109, 110 bài 30: Văn bản Đi bộ ngao du (Trích Ê-Min hay Về giáo dục)

Giáo án Ngữ văn 8 tiết 109, 110 bài 30: Văn bản Đi bộ ngao du (Trích Ê-Min hay Về giáo dục)

TIẾT 109 VĂN BẢN

ĐI BỘ NGAO DU

(Trích Ê-min hay Về giáo dục)

1. Mục tiêu: Giúp HS:

 a) Về kiến thức: Hiểu rõ đây là một văn bản mang tính chất nghị luận với cách lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục; tác giả lại là nhà văn, bài này trích trong một tiểu thuyết, nên các lí lẽ luôn hòa quyện với thực tiễn cuộc sống của riêng ông, khiến văn bản nghị luận không những sinh động, mà qua đó ta còn thấy được ông là một con người giản dị, quý trọng tự do và yêu mến thiên nhiên.

 b) Về kĩ năng: Rèn kĩ năng phân tích các luận điểm, luận cứ và cách trình bày chúng trong bài văn nghị luận.

 c) Về thái độ: Có ý thức học tập nghiêm túc để lĩnh hội kiến thức.

2. Chuẩn bị của GV và HS:

 a) Chuẩn bị của GV: SGK, SGV – nghiên cứu soạn giáo án.

 b) Chuẩn bị của HS: SGK, vở ghi, sách bình giảng văn học 8 – học bài cũ – đọc, chuẩn bị bài mới theo câu hỏi SGK.

3. Tiến trình bài dạy:

 * Ổn định tổ chức: Sĩ số 8B: . .

 Sĩ số 8C: . .

a) Kiểm tra bài cũ (3’): Kiểm tra miệng.

 Câu hỏi: Trình bày những giá trị cơ bản về nghệ thuật và nội dung của văn bản Thuế máu?

 - Đoạn trích có nhiều hình ảnh giàu giá trị biểu cảm, giọng điệu vừa đanh thép vừa mỉa mai, chua chát; sử dụng tư liệu phong phú, xác thực bằng ngòi bút trào phúng, sắc sảo tạo nên sức truyền cảm và thuyết phục lớn tới người đọc. (6 điểm)

 

doc 9 trang Người đăng haiha30 Lượt xem 610Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Ngữ văn 8 tiết 109, 110 bài 30: Văn bản Đi bộ ngao du (Trích Ê-Min hay Về giáo dục)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TUẦN 30 NGỮ VĂN BÀI 27
Kết quả cần đạt
- Hiểu rõ cách lập luận chặt chẽ, sinh động, mang đậm sắc thái cá nhân của nhà văn Pháp Ru-xô trong bài Đi bộ ngao du.
- Hiểu biết lượt lời và cách dùng lượt lời.
- Thông qua việc luyện tập, nắm chắc hơn cách đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận.
Ngày soạn: 	Ngày dạy: Dạy lớp 8B
	Ngày dạy:.Dạy lớp 8C
TIẾT 109 VĂN BẢN
ĐI BỘ NGAO DU
(Trích Ê-min hay Về giáo dục)
1. Mục tiêu: Giúp HS:
	a) Về kiến thức: Hiểu rõ đây là một văn bản mang tính chất nghị luận với cách lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục; tác giả lại là nhà văn, bài này trích trong một tiểu thuyết, nên các lí lẽ luôn hòa quyện với thực tiễn cuộc sống của riêng ông, khiến văn bản nghị luận không những sinh động, mà qua đó ta còn thấy được ông là một con người giản dị, quý trọng tự do và yêu mến thiên nhiên.
	b) Về kĩ năng: Rèn kĩ năng phân tích các luận điểm, luận cứ và cách trình bày chúng trong bài văn nghị luận.
	c) Về thái độ: Có ý thức học tập nghiêm túc để lĩnh hội kiến thức.
2. Chuẩn bị của GV và HS:
	a) Chuẩn bị của GV: SGK, SGV – nghiên cứu soạn giáo án.
	b) Chuẩn bị của HS: SGK, vở ghi, sách bình giảng văn học 8 – học bài cũ – đọc, chuẩn bị bài mới theo câu hỏi SGK.
3. Tiến trình bài dạy:
	* Ổn định tổ chức: Sĩ số 8B: ....
	 Sĩ số 8C: ...
a) Kiểm tra bài cũ (3’): Kiểm tra miệng.
	Câu hỏi: Trình bày những giá trị cơ bản về nghệ thuật và nội dung của văn bản Thuế máu?
	- Đoạn trích có nhiều hình ảnh giàu giá trị biểu cảm, giọng điệu vừa đanh thép vừa mỉa mai, chua chát; sử dụng tư liệu phong phú, xác thực bằng ngòi bút trào phúng, sắc sảo tạo nên sức truyền cảm và thuyết phục lớn tới người đọc. (6 điểm)
	- Chính quyền thực dân đã biến người dân nghèo khổ ở các xứ thuộc địa thành vật hi sinh để phục vụ cho lợi ích của mình trong các cuộc chiến tranh phi nghĩa, tàn khốc. (4 điểm)
* Vào bài (1’): Ru-xô là nhà văn tiến bộ người Pháp. Cuộc đời lao động đầy gian truân của ông đã đào luyện ông thành nhà văn có tư tưởng tiến bộ đấu tranh cho tự do bình đẳng giữa con người với con người trong xã hội phong kiến Pháp thế kỉ XVIII. Chúng ta sẽ làm quen với ông qua trích đoạn Đi bộ ngao du trích tiểu thuyết Ê-min hay Về giáo dục.
b) Dạy nội dung bài mới:
	I. ĐỌC VÀ TÌM HIỂU CHUNG (15’)
	1. Vài nét về tác giả, tác phẩm
	GV: Gọi HS đọc chú thích * SGK. T. 100.
	?TB: Nêu những hiểu biết của em về tác giả Ru-xô, tác phẩm “Ê-min hay Về giáo dục” và đoạn trích “Đi bộ ngao du”?
	HS: Nêu theo chú thích * SGK.
	Ghi:- Ru-xô (1712 - 1778) là nhà văn, nhà triết học, nhà hoạt động xã hội Pháp. Ông là tác giả của một số tiểu thuyết nổi tiếng với tư tưởng tiến bộ chống lại chế độ phong kiến.
	- Tác phẩm “Ê-min hay Về giáo dục” là một thiên “luận văn – tiểu thuyết”, nội dung đề cập đến việc giáo dục một em bé từ khi mới ra đời đến lúc trưởng thành. Tác phẩm gồm 5 quyển. “Đi bộ ngao du” trích trong quyển V của tác phẩm.
	GV: Ê-min hay Về giáo dục là một thiên “luận văn – tiểu thuyết” nội dung đề cập đến việc giáo dục một em bé từ khi mới ra đời cho đến lúc trưởng thành. Tác phẩm chia làm 5 quyển tương ứng với 5 giai đoạn liên tiếp của quá trình giáo dục. Giai đoạn 1 bắt đầu từ khi em bé mới sinh đến lúc 2- 3 tuổi. Giai đoạn 2 kể từ khi Ê-min lên 4-5 tuổi đến lúc 12 tuổi. Giai đoạn 3 kéo dài 3 năm từ 12 đến 15 tuổi. Giai đoạn 4 từ 16 đến 20 tuổi. Giai đoạn 5 lúc Ê-min đã trưởng thành. Quyển V, Ru-xô bố trí cho Ê-min tình cờ gặp gỡ Xô-phi một cô gái nết na được giáo dục từ bé theo những nguyên tắc tương tự như với Ê-min. Hai người yêu nhau. Trước khi cưới, Ê-min đi du lịch 2 năm để cho đạo đức và nghị lực được thử thách và cũng để hiểu biết xã hội.	
	2. Đọc văn bản
	GV: Nêu yêu cầu đọc: Đoạn 1 đọc với giọng chậm, khoan thai, diễn tả tâm trạng tự do, thoải mái. Đoạn 2 đọc rõ ràng, chậm; nhấn mạnh ở vế thứ hai của mỗi vấn đề đặt ra. Ví dụ: “Ai là người yêu mến nông nghiệp chút ít mà lại không muốn biết các sản vật đặc trưng cho khí hậu những nơi mình đi qua và cách thức trồng trọt những đặc sản ấy?”. Đoạn còn lại là đoạn giàu yếu tố biểu cảm nên đọc với giọng thể hiện cảm xúc hòa với tâm trạng.
	GV: Gọi 3HS mỗi HS đọc một đoạn. GV uốn nắn cách đọc cho từng HS.
	GV: Gọi HS đọc các chú thích 1, 4, 5, 7, 9, 14, 15, 17.
	?KH: Hãy tóm tắt 3 luận điểm chính trong văn bản được tác giả trình bày thành 3 đoạn văn?
	HS: Đoạn 1 luận điểm 1: Đi bộ ngao du thì ta hoàn toàn tự do, tùy theo ý thích, không bị lệ thuộc vào bất cứ ai (gã phu trạm), bất cứ cái gì (giờ giấc, xe ngựa, đường sá,). Đoạn 2 luận điểm 2: Đi bộ ngao du thì ta có dịp trau dồi kiến thức. Đoạn 3 luận điểm 3: Đi bộ ngao du rất tốt cho sức khỏe và tinh thần.
	GV: Tìm hiểu ba đoạn văn mang luận điểm chính, ta thấy tác giả đều làm sáng rõ luận điểm bằng cách đi từ cái chung (luận điểm chính) đến các chi tiết (lí lẽ cụ thể). Đó là cách trình bày đoạn theo kiểu diễn dịch. Với các luận điểm này, ta cũng có thể trình bày theo cách ngược lại là xuất phát từ những lí lẽ cụ thể để khái quát lên thành từng luận điểm chính tức là trình bày theo cách quy nạp.
	?TB: Từ ba luận điểm chính trên, hãy thử đề xuất một nhan đề khác cho bài văn nghị luận này?
	HS: Có thể đặt lại nhan đề là : Lợi ích của đi bộ ngao du.
	?KG: Theo em trật tự sắp xếp ba luận điểm chính có hợp lí không? Vì sao?
	HS: Hợp lí. Các luận điểm đó được sắp xếp theo trình tự luận điểm này làm nảy sinh luận điểm kia. Sự sắp xếp đó xuất phát từ chính cuộc đời lao động tự học và đấu tranh cho tự do của tác giả đã giúp ông nhận ra một chân lí hết sức giản dị: chỉ có tự do con người mới phát huy đầy đủ sức sáng tạo của mình. Đi bộ ngao du chính là lúc con người tự do thoải mái nhất, từ đó mà trau dồi, củng cố được vốn tri thức nhiều nhất. Và đó cũng là hệ quả của lập luận thứ ba. Khi con người được tự do thoải mái thì tri thức được bồi bổ, sức khỏe được tăng cường, tinh thần được thoải mái.
	GV: Đối với Ru-xô, tự do là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Ông luôn khao khát tự do. Ông cảm thấy tự do quý giá như thế nào bởi ngay từ khi còn nhỏ tuổi ông đã phải chịu cảnh bị chủ xưởng chửi mắng, đánh đập rồi lại phải đi ở cho người ta để kiếm ăn trong khổ cực tủi nhục. Vì vậy, suốt đời ông đấu tranh cho tự do, chống lại chế độ phong kiến. Ru-xô lại là người thuở nhỏ hầu như không được học hành (chỉ được học từ năm 12 đến năm 14 tuổi sau đó chuyển sang học nghề thợ để kiếm ăn) do đó ông rất khao khát kiến thức, cả đời ông phải nỗ lực tự học. Có lẽ vì thế nên lập luận trau dồi vốn tri thức không phải trong sách vở mà từ thực tiễn sinh động của thiên nhiên được ông xếp ở vị trí thứ hai trong số các lợi ích của đi bộ ngao du.
	Để giúp các em thấy được tâm hồn khao khát tự do, yêu thiên nhiên và giàu tình cảm của tác giả, ta cùng sang phần phân tích.
	II. PHÂN TÍCH 
	1. Đi bộ ngao du con người hoàn toàn được tự do (23’)	
	?TB: Hãy tìm những luận cứ làm sáng tỏ luận điểm trên?
	Ghi: - Ta ưa đi lúc nào thì đi, ta thích dừng lúc nào thì dừng, [] Ta quan sát khắp nơi; [] ta xem xét tất cả []. Tôi nhìn thấy một dòng sông ư, tôi đi men theo sông; []. Bất cứ đâu tôi thích, tôi lưu lại đấy. []. Tôi chẳng phụ thuộc vào những con ngựa hay gã phu trạm. [], tôi hưởng thụ tất cả sự tự do mà con người có thể hưởng thụ. [] nhưng Ê-min [] Nếu em dừng lại, làm sao em có thể chán [] ở chốn nào em cũng có những thư để giải trí. []
	?KH: Em có nhận xét gì về cách nêu luận cứ trong luận điểm này?
	HS: Sử dụng chủ yếu kiểu câu trần thuật; kể theo ngôi thứ nhất, lặp đại từ “ta, tôi”; sử dụng phép liệt kê; dẫn chứng xác đáng, cụ thể trình bày theo từng khía cạnh của vấn đề. Sự thú vị của việc đi bộ ngao du được làm rõ không chỉ ở tác giả mà còn ở cả cậu học trò của ông là Ê-min tạo cho vấn đề càng trở nên thuyết phục.
	?G: Qua cách trình bày, em nghĩ thế nào về quan điểm của tác giả cho rằng đi bộ ngao du là hoàn toàn tự do?
	HS: Ngay từ đầu đoạn văn, tác giả đã liệt kê một loạt dẫn chứng xác đáng theo từng khía cạnh của vấn đề để chứng minh cho luận điểm. Ông khẳng định đi bộ ngao du là cách con người được giải phóng, được tự do. Trước hết sự tự do được thể hiện ở chỗ người đi bộ được tự định đoạt thời gian lịch trình “ta ưa đi lúc nào thì đi”, được thoải mái quan sát cảnh vật theo ý muốn “ta quay sang phải, sang trái; ta xem xét tất cả những gì thấy hay hay”. Tiếp đó, con người được tự do đến tận nơi mình thấy thích để thưởng ngoạn: “Tôi nhìn thấy một dòng sông ư, tôi đi men theo sông;”. Và điều quan trọng hơn cả là đi bộ ngao du khiến con người được giải phóng không phụ thuộc vào bất cứ điều gì: “Bất cứ đâu tôi ưa thích, tôi lưu lại đấy. Hễ lúc nào thấy chán, tôi bỏ đi Tôi chẳng phụ thuộc và những con ngựa hay gã phu trạm tôi hưởng thụ tất cả sự tự do mà con người có thể hưởng thụ.”; lúc mệt có thể “dừng lại ở chốn nào cũng có những thứ để giải trí”. Sự cảm nhận đó không chỉ nhà văn mới có mà cả người học trò Ê-min cùng đi cũng vậy. Nhà văn như người tìm ra một chân lí bất ngờ mà không mấy ai quan tâm để ý, giúp người đọc cảm nhận rất rõ cái hứng khởi tràn đầy của việc đi bộ ngao du đó là sự thoải mái tùy theo ý muốn cá nhân, không bị lệ thuộc vào bất cứ ai, bất cứ điều gì (giờ giấc, xe ngựa, đường xá, thời tiết) thỏa mãn được nhu cầu hòa hợp với thiên nhiên.
	Ghi: - Đi bộ ngao du con người được tự do thưởng ngoạn, được hòa mình với thiên nhiên không phụ thuộc vào bất cứ điều gì.
	?KG: Có thể nói thế nào về cách lập luận của tác giả? Tại sao tác giả lại xưng hô lúc là “tôi” lúc là “ta”? Việc lặp lại các đại từ đó có tác dụng gì?
	HS: Cách lập luận của tác giả trong đoạn văn hết sức chặt chẽ. Luận điểm đưa ra được chứng minh bằng lí lẽ và dẫn chứng rất phong phú. Điều ấy chứng tỏ cách lập luận của tác giả mang đậm sắc thái cá nhân. Đây là con người có vốn sống thực tế phong phú. Chủ thể của đoạn văn rất linh hoạt. Lúc là “ta” lúc lại là “tôi”. Khi cần giãi bày chung, lí luận chung dùng “ta”; khi thể hiện cái riêng trong cuộc sống, sở thích của mình, tác giả dùng “tôi”. Cách lặp lại đại từ “ta” hoặc “tôi” trong khi kể có ý nghĩa nhấn mạnh kinh nghiệm của bản thân trong việc đi bộ ngao du, từ đó tác động vào lòng tin của người đọc. Sự thay đổi chủ thể trong một đoạn văn nghị luận tránh được sự khô khan và trùng lặp.
	GV: Ở đoạn này, những trải nghiệm của cái “tôi” riêng tư ấy còn được thể hiện dưới dạng kể chuyện về Ê-min, người học trò của ông, tuy rằng Ê-min chỉ là một người học trò do ông tưởng tượng ra mà thôi.
c) Củng cố, luyện tập (2’):
	GV: Gọi HS đọc diễn cảm lại toàn bộ đoạn 1. GV nhận xét, uốn nắn.
d) Hướng dẫn học sinh tự học ở nhà (1’):
	- Học thuộc phần tác giả, tác phẩm; nắm nội dung nghệ thuật phần đã phân tích; đọc, tìm hiểu kĩ phần còn lại để tiết tới học tiếp.
	------------------------------------------------------
Ngày soạn: 	Ngày dạy: Dạy lớp 8B
	Ngày dạy:.Dạy lớp 8C
TIẾT 110 VĂN BẢN
ĐI BỘ NGAO DU
(Trích Ê-min hay Về giáo dục)
1. Mục tiêu: Tiếp tục giúp HS:
	a) Về kiến thức: Hiểu rõ đây là một văn bản mang tính chất nghị luận với cách lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục; tác giả lại là nhà văn, bài này trích trong một tiểu thuyết, nên các lí lẽ luôn hòa quyện với thực tiễn cuộc sống của riêng ông, khiến văn bản nghị luận không những sinh động, mà qua đó ta còn thấy được ông là một con người giản dị, quý trọng tự do và yêu mến thiên nhiên.
	b) Về kĩ năng: Rèn kĩ năng phân tích các luận điểm, luận cứ và cách trình bày chúng trong bài văn nghị luận.
	c) Về thái độ: Có ý thức học tập nghiêm túc để lĩnh hội kiến thức.
2. Chuẩn bị của GV và HS:
	a) Chuẩn bị của GV: SGK, SGV – nghiên cứu soạn giáo án.
	b) Chuẩn bị của HS: SGK, vở ghi, sách bình giảng văn học 8 – học bài cũ – đọc, chuẩn bị bài mới theo câu hỏi SGK.
3. Tiến trình bài dạy:
	* Ổn định tổ chức: Sĩ số 8B: ....
	 Sĩ số 8C: ...
a) Kiểm tra bài cũ (3’): Kiểm tra miệng.
	Câu hỏi: Nêu ngắn gọn hiểu biết của em về tác giả Ru-xô và tác phẩm Ê-min hay Về giáo dục cũng như đoạn trích Đi bộ ngao du?
	Đáp án: - Ru-xô (1712 – 1778) là nhà văn, nhà triết học, nhà hoạt động xã hội Pháp. Ông là tác giả của một số tiểu thuyết nổi tiếng với tư tưởng tiến bộ chống lại chế độ phong kiến. (5 điểm)
	- Tác phẩm “Ê-min hay Về giáo dục” là một thiên “luận văn – tiểu thuyết”, nội dung đề cập đến việc giáo dục một em bé từ khi mới ra đời đến lúc trưởng thành. Tác phẩm gồm 5 quyển. “Đi bộ ngao du” trích trong quyển V của tác phẩm. (5 điểm)	
	* Vào bài (1’): Tiết trước chúng ta đã cùng đi tìm hiểu xong luận điểm 1 của bài văn. Tiết học này, ta tiếp tục tìm hiểu hai luận điểm còn lại.
b) Dạy nội dung bài mới:
	GV: Gọi HS đọc đoạn văn 2. Yêu cầu HS nêu luận điểm của đoạn.
	2. Đi bộ ngao du sẽ có dịp trau dồi thêm hiểu biết, vốn tri thức (19’)
	?TB: Tác giả dùng những luận cứ nào để làm rõ luận điểm hai?
	Ghi: - Đi bộ ngao du là đi như Ta-lét, Pla-tông và Pi-ta-go. Tôi khó lòng hiểu nổi một triết gia có thể quyết định ngao du cách khác mà không xem xét những tài nguyên mình giẫm chân lên [] Ai là người yêu mến nông nghiệp lại không muốn biết các sản vật [] Ai là người hứng thú với tự nhiên học [] mà không xem xét nó [] 
- Những triết gia phòng khách nghiên cứu tự nhiên học trong các phòng sưu tập [] chẳng có ý niệm gì về tự nhiên cả.
	- Nhưng phòng sưu tập của Ê-min thì phong phú hơn các phòng sưu tập của vua chúa; phòng sưu tập ấy là cả trái đất.
	?KH: Nhận xét cách đưa luận cứ trong đoạn văn?
	HS: Sử dụng nghệ thuật so sánh, kèm theo lời bình luận vừa mang tính phủ định lại vừa mang tính khẳng định; dẫn chứng gần gũi, phong phú; lí lẽ chặt chẽ, lô gíc.
	?KH: Vào đầu đoạn hai, Ru-xô khẳng định “đi bộ ngao du là đi như Ta-lét, Pla-tông và Pi-ta-go.” nghĩa là sao? Ông nhấn mạnh điều đó bằng cách nào?
	HS: Vào đầu đoạn, tác giả khẳng định “Đi bộ ngao du là đi như Ta-lét, Pla-tông và Pi-ta-go.” nghĩa là phải luôn luôn quan sát, nghiền ngẫm trong lúc đi dạo chơi, có vậy mới thu nhận và trau dồi thêm kiến thức. Nhằm nhấn mạnh cho luận điểm, ông vừa đưa dẫn chứng vừa đưa ra những đòi hỏi đối với một nhà triết gia, một người yêu nông nghiệp, người có hứng thú với tự nhiên học khi họ đi ngao du.
	?KG: Vậy, tác giả đã lập luận làm rõ sự hơn hẳn của các kiến thức thu được khi đi bộ ngao du như thế nào?
HS: Để nói về sự hơn hẳn của các kiến thức thu được khi đi bô ngao du, tác giả đã dùng so sánh kèm theo lời bình luận vừa mang tính phủ định lại vừa mang tính khẳng định. Ông so sánh kiến thức linh tinh trong các phòng sưu tập, thậm chí cả các phòng sưu tập của vua chúa với sự phong phú trong phòng sưu tập của người đi bộ ngao du là Ê-min. Tác giả phủ định “Những triết gia phòng khách của các ngài nghiên cứu tự nhiên học trong các phòng sưu tập; họ có các thứ linh tinh; họ biết gọi tên nhưng chẳng có một ý niệm gì về tự nhiên cả.”. Tiếp đó, tác giả đi đến khẳng định: “Nhưng phòng sưu tập của Ê-min thì phong phú hơn các phòng sưu tập của các vua chúa, phòng sưu tập ấy là cả trái đất.” nghĩa là kiến thức trong thế giới tự nhiên, trong thực tiễn vô cùng phong phú, khi ta ngao du bằng đi bộ ta có thể xem xét, học tập được nhiều kiến thức có trong thực tiễn.
?TB: Ý nghĩa của cách diễn đạt bằng so sánh kèm theo bình luận này là gì?
HS: Đề cao kiến thức thực tế khách quan, xem thường kiến thức sách vở, giáo điều.
?KH: Nhận xét cách lập luận của tác giả ở đoạn này? Từ đó, em hiểu như thế nào về điều Ru-xô muốn nói?
HS: Ở đoạn này, ta thấy rằng trong mỗi lí lẽ tác giả đưa ra đều có sự đòi hỏi. Mỗi đòi hỏi của tác giả chứng tỏ vốn tri thức rất phong phú. Nhờ thế mới có sự khẳng định: “Phòng sưu tập của Ê-min phong phú hơn phòng sưu tập của vua chúa.”. Rõ ràng đi bộ ngao du với Ru-xô là một dịp mang lại nhiều hiểu biết cho mình. Lẽ dĩ nhiên nó phải đòi hỏi con người luôn tìm tòi, suy nghĩ, tìm hiểu thế giới xung quanh mình một cách chủ động; luôn luôn phải tìm hiểu và khám phá tự nhiên, nếu không tuy đi nhiều thấy nhiều nhưng ta cũng chẳng biết gì cả. Vấn đề Ru-xô đặt ra có ý nghĩa rộng lớn trong đời sống chúng ta.
Ghi: - Đi bộ ngao du đòi hỏi con người luôn chủ động tìm tòi, suy nghĩ, tìm hiểu thế giới xung quanh mình.
GV: Yêu cầu HS đọc thầm đoạn 3 và nhắc lại luận điểm chính được nói đến trong đoạn.
3. Đi bộ ngao du sẽ nâng cao sức khỏe và tinh thần (14’)
	?TB: Tìm các từ ngữ, hình ảnh, câu văn làm lí lẽ, dẫn chứng cho luận điểm ba?
	Ghi: - Biết bao hứng thú khác nhau ta tập hợp được nhờ cách ngao du thú vị [] sức khỏe được tăng cường, tính khí trở nên vui vẻ.
	- Tôi thường thấy những kẻ ngồi trong các cỗ xe tốt chạy rất êm nhưng mơ màng, buồn bã, cáu kỉnh hoặc đau khổ; còn những người đi bộ lại luôn luôn vui vẻ, khoan khoái []
	?KH: Cách trình bày luận điểm trên độc đáo ở chỗ nào?
	HS: Câu văn mở đầu đoạn vừa là chuyển ý, vừa là nêu luận điểm. Đoạn văn sử dụng phép so sánh giữa người đi xe và đi bộ, sử dụng phép liệt kê, dùng nhiều từ ngữ giàu sức biểu cảm: vui vẻ, khoan khoái, hân hoan, thích thú; dùng nhiều câu cảm thán: ta hân hoan biết bao, ta thích thú biết bao, ta ngủ ngon giấc biết bao đó là sự kết hợp hài hòa giữa lí lẽ và tình cảm trong văn nghị luận.
	?KG: Từ cách trình bày trên, tác giả muốn nói với chúng ta điều gì?
	HS: Việc so sánh trạng thái tinh thần của người đi bộ với người đi xe và việc sử dụng nhiều yếu tố biểu cảm cùng phép liệt kê chỉ rõ tác dụng của việc đi bộ đối với sức khỏe, tinh thần con người đã làm cho đoạn văn trở nên giàu cảm xúc, bộc lộ được trạng thái tinh thần đặc biệt của người đi bộ đó là trạng thái tràn đầy phấn chấn (vui vẻ, yêu đời, yêu cuộc sống, yêu con người), tin tưởng ở việc đi bộ ngao du. Tất cả những điều đó thuyết phục người đọc tin tưởng vào lợi ích của đi bộ ngao du là giúp con người hoàn thiện về cả thể chất lẫn tinh thần.
	Ghi: Đi bộ ngao du giúp con người hoàn thiện cả thể chất lẫn tinh thần.	
	?G: Hiểu biết của em về con người và tư tưởng, tình cảm của Ru-xô qua bài này?
	HS: Đó là một con người giản dị nhưng sâu sắc như chính điều ông đã viết trong bài này (những điều trong cuộc sống đời thường, một việc tưởng như đơn giản là đi bộ ngao du nhưng lại có chiều sâu rất đáng chú ý). Đó là một con người có tư tưởng quý trọng tự do, quan tâm chú ý đánh giá cao thực tế của tự nhiên và những kiến thức rút ra từ tự nhiên; ghét lối sống hời hợt của những triết gia phòng khách. Đó là một con người có tình cảm yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống con người mà ở đây là yêu những niềm vui nho nhỏ, bình dị trong cuộc sống đời thường và trân trọng những niềm vui đó: hân hoan khi về gần đến nhà, thích thú trước một bữa cơm đạm bạc và ngủ ngon giấc trong một cái giường tồi tàn!
	GV: Phải yêu thiên nhiên và yêu cuộc sống như thế nào thì mới tìm thấy bao điều lí thú và bổ ích trong việc đi bộ ngao du và mới viết nên một bài văn về đi bộ ngao du hấp dẫn đến thế.
	III. TỔNG KẾT – GHI NHỚ (5’)
	?KH: Nêu nghệ thuật và nội dung cơ bản của đoạn trích?
	Ghi:- Bài văn thể hiện sự lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục lại rất sinh động do các lí lẽ và thực tiễn cuộc sống tác giả từng trải qua luôn bổ sung cho nhau.
	- Bài văn còn thể hiện rõ Ru-xô là một con người giản dị, quý trọng tự do và yêu thiên nhiên.
	GV: Gọi HS đọc ghi nhớ SGK. T. 102.
c) Củng cố, luyện tập (2’):
	GV: Đọc diễn cảm toàn bộ bài văn cho cả lớp nghe để học sinh nắm bắt chắc hơn kiến thức tiết học.
d) Hướng dẫn học sinh tự học ở nhà (1’):
	- Học thuộc ghi nhớ. Tiết tới chuẩn bị bài Hội thoại. Yêu cầu: Ôn lại kiến thức tiết trước, đọc, tìm hiểu kĩ các ví dụ và câu hỏi mục I sau đó trả lời.

Tài liệu đính kèm:

  • docTiet 109, 110 bai 30.doc