Đề tài Cảm thức về thời gian và nỗi niềm dâu bể qua hình ảnh ông đồ trong bài thơ cùng tên của Vũ Đình Liên

Đề tài Cảm thức về thời gian và nỗi niềm dâu bể qua hình ảnh ông đồ trong bài thơ cùng tên của Vũ Đình Liên

A.Tên đề tài : “Cảm thức về thời gian và nỗi niềm dâu bể qua hình ảnh ông đồ trong bài thơ cùng tên của Vũ Đình Liên”

B.Dàn ý của bài thuyết trình:

I. Đặt vấn đề:

 Ông đồ là một hình tường nghệ thuật đặc sắc trong bài thơ cùng tên của Vũ Đình Liên. Thông qua bi kịch ông đồ trước những biến động lớn lao của nền văn hoá nước ta trong những năm đầu của thế kỷ XX,Vũ Đình Liên bộc lộ niềm thương cảm,tiếc nuối chân thành trước một nét đẹp văn hoá đang lụi tàn.Bài thơ là dòng cảm thức về thời gian và nỗi niềm dâu bể của nhà thơ.

II. Giải quyết vấn đề:

1.Luận điểm 1:

Thời hưng thịnh: Niềm vui thanh trầm.

2.Luận điểm 2:

 Thời suy tàn: Nỗi buồn hiu hắt.

3.Luận điểm 3:

 Thời diệt vong: Ông đồ vắng bóng.

III. Kết thúc vấn đề:

 Vòng sinh mệnh của ông đồ, cảm thức về thời gian và nỗi niềm trắc ẩn của nhà thơ.

 

doc 12 trang Người đăng haiha30 Lượt xem 845Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài Cảm thức về thời gian và nỗi niềm dâu bể qua hình ảnh ông đồ trong bài thơ cùng tên của Vũ Đình Liên", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ TÀI THUYẾT TRÌNH VĂN HỌC
Năm học: 2008-2009
Thuyết trình viên: Lưu Trần Cẩm Thư (học sinh lớp 8/2)
A.Tên đề tài : “Cảm thức về thời gian và nỗi niềm dâu bể qua hình ảnh ông đồ trong bài thơ cùng tên của Vũ Đình Liên”
B.Dàn ý của bài thuyết trình:
I. Đặt vấn đề: 
	Ông đồ là một hình tường nghệ thuật đặc sắc trong bài thơ cùng tên của Vũ Đình Liên. Thông qua bi kịch ông đồ trước những biến động lớn lao của nền văn hoá nước ta trong những năm đầu của thế kỷ XX,Vũ Đình Liên bộc lộ niềm thương cảm,tiếc nuối chân thành trước một nét đẹp văn hoá đang lụi tàn.Bài thơ là dòng cảm thức về thời gian và nỗi niềm dâu bể của nhà thơ.
II. Giải quyết vấn đề: 
1.Luận điểm 1:
Thời hưng thịnh: Niềm vui thanh trầm.
2.Luận điểm 2:
	Thời suy tàn: Nỗi buồn hiu hắt.
3.Luận điểm 3:
	Thời diệt vong: Ông đồ vắng bóng. 
III. Kết thúc vấn đề:
	Vòng sinh mệnh của ông đồ, cảm thức về thời gian và nỗi niềm trắc ẩn của nhà thơ.
-Kính thưa quý thầy cô trong ban giám khảo!
	-Kính thưa quý thầy cô cùng các bạn thuyết trình viên thân mến!
	Đầu tiên em xin gửi đến quý thầy cô và các bạn lời chúc sức khoẻ và lời chào trân trọng nhất!
	Về dự hội thi thuyết trình văn học cấp huyện năm học 2008-2009 hôm nay, em xin tự giới thiệu : Em tên là Lưu Trần Cẩm Thư, học sinh lớp 8/2, trường Trung học Cơ sở Quế An. Sau đây, em xin phép được trình bày đề tài thuyết trình văn học của mình.
	-Kính thưa quý thầy cô!
	-Thưa các bạn!
	Cuộc đời vốn phức tạp và đầy biến động. Thời gian thì lạnh lùng và nghiệt ngã. Quy luật đào thải khắc nghiệt của thời gian chẳng chừa bất cứ một ai. Vào những năm đầu thế kỉ XX, sau khoá thi Hương cuối cùng ( năm 1918), chế độ khoa cử Nho học bị bãi bỏ. Những ông đồ trở thành kẻ sinh bất phùng thời, bị gạt ra ngoài lề xã hội, chỉ còn lại cái bóng dáng vất vưởng ẩn hiện như “cái di tích tiều tuỵ đáng thương của một thời tàn”. Cám cảnh trước một lớp người đang tàn tạ, tiếc nhớ về một quá khứ vàng son của dân tộc, nhà thơ Vũ Đình Liên đã sáng tác bài thơ “Ông đồ”. Bài thơ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc bởi tình cảm chân thành của tác giả. Có thể nói bài thơ là dòng cảm thức về thời gian và nỗi niềm dâu bể của nhà thơ qua hình ảnh ông đồ. Và đó cũng chính là nội dung em sẽ trình bày trong đề tài thuyết trình văn học hôm nay.
	-Kính thưa quý thầy cô cùng các bạn!
	Nhà thơ Vũ Đình Liên sinh ngày 12-11-1913, quê ở Châu Khê, Bình Giang, Hải Dương, mất ngày 18-1-1996. Ông thuộc lớp thi sĩ cùng thời với Thế Lữ, Lưu Trọng Lư...ngay từ khi phong trào “Thơ mới” ra đời, Vũ Đình Liên bước vào “Thơ mới” bằng một tấm lòng cảm thông, trắc ẩn, chân thành. Hồn thơ của ông mang nặng lòng thương người và niềm hoài cổ. Nhắc đến Vũ Đình Liên, người ta nghĩ ngay đến bài thơ “Ông đồ’’. Có thể nói, tác phẩm thể hiện sự kết tinh sâu lắng giữa hai nguồn cảm xúc ấy của một hồn thơ nhạy cảm, tinh tế nên có sức lan toả và lay động lòng người mạnh mẽ.
-Kính thưa quý thầy cô cùng các bạn!
	Trong xã hội xưa, ông đồ là người học chữ Nho nhưng thường không đỗ đạt, sống cuộc đời thanh bần giữa xã hội bằng nghề dạy học. Tuy không có quyền chức, không giàu sang, song vẫn có thể coi đó là một cuộc sống tương đối nhàn nhã,được mọi người coi trọng, nể vì. Hình ảnh ông đồ được phản ánh trong thơ văn với dáng dấp tao nhã, ung dung. Bởi họ cũng chẳng phải lo toan nhiều về kế sinh nhai.Ông đồ đã trở thành hình ảnh quen thân và hầu như không thể vắng bóng trong dịp Tết. Bởi, câu đối đỏ cùng với bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, cây nêu, tràng pháo...đã trở thành phong tục của người Việt Nam mỗi khi Tết đến, xuân về. Nhưng rồi, thực dân Pháp xâm lược đất nước ta. Nền văn minh phương Tây cũng theo đó mà tràn sang. Bút sắt đã thay thế bút lông. Các khoa thi chữ Hán dần dần bị huỷ bỏ. Nền Nho học bước vào giai đoạn suy vong, tàn lụi chỉ còn lại cái bóng dáng tiều tuỵ đáng thương của ông đồ. Những hình ảnh lạc loài, bơ vơ, tội nghiệp ấy đã hiện lên dưới lăng kính của Vũ Đình Liên và đọng lại trong bài thơ kiệt tác Ông đồ.
	Bài thơ gồm năm khổ thơ ngũ ngôn, gói gọn lại trong hai mươi câu thơ ngắn ngủi mà chứa đựng một nội dung lớn, đề cập đến một vấn đề quan trọng. Đó là vấn đề “ số phận của nền văn hoá dân tộc”. Với kết cấu đầu cuối tương ứng chặt chẽ, âm điệu trầm buồn, bài thơ bộc lộ nỗi ngậm ngùi, chua chát, tâm trạng tiếc nuối đến thảng thốt của nhà thơ về một nét đẹp văn hoá trong đời sống tinh thần của dân tộc đã bị người đời quên lãng và trôi vào dĩ vãng. Đằng sau hình ảnh ông đồ là sự cảm thức về thời gian và nỗi niềm trắc ẩn của nhà thơ trước những đổi thay dâu bể của cuộc đời.
	Với thể thơ cổ phong ngũ ngôn bình dị, ngôn ngữ cô đọng và gợi cảm, bài thơ tạo cho người đọc ấn tượng về thời gian, không gian như mở ra rồi khép lại trong vòng luẩn quẩn của nền Nho học. Ta có thể hình dung bài thơ như một đoạn phim tài liệu quay chậm. Bài thơ mở ra với hình ảnh hoa đào:
	Mỗi năm hoa đào nở
	Lại thấy ông đồ già
	Bày mực Tàu, giấy đỏ
	Bên phố đông người qua
	Mỗi năm cứ Tết đến, xuân về, hoa đào khoe sắc, ông đồ lại xuất hiện cùng với “mực Tàu”, “giấy đỏ”, hoà vào dòng người đông vui tấp nập của phố phường. Bằng hình thức tự sự, không biểu lộ cảm xúc chủ quan, tác giả đã ghi lại một bức tranh xuân rất thực nhưng cũng rất đẹp, chứa đầy sức sống mùa xuân và man mác hương vị thơ Đường. Màu thắm của hoa đào, màu tươi của giấy đỏ, màu đen nhánh của mực Tàu cùng với mái tóc hoa râm của ông đồ tạo nên một bức tranh vừa tươi đẹp, vừa đậm đà phong vị cổ điển. Bức tranh xuân ấy vừa mang một vẻ đẹp thánh thiện, lại vừa mang một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc. 
	Hình ảnh ông đồ hiện lên thật sống động qua lăng kính của nhà thơ :
	Bao nhiêu người thuê viết
	Tấm tắc ngợi khen tài
	Hoa tay thảo những nét
	Như phượng múa rồng bay
	Ông đồ ngồi trên hè phố, giữa đám đông xúm xít, tấm tắc ngợi khen, vẩy ngọn bút lông bay lượn trên tờ giấy, thảo nên những nét chữ sắc sảo, mềm mại như “phượng múa rồng bay”. Trong khoảnh khắc ấy, ông đồ đâu phải là “di chứng của một thời tàn”(ý Hoài Thanh).Hình ảnh ông đồ như làm sống dậy cái thời nghệ thuật thư pháp đang ở đỉnh cao. Rõ ràng, đây chính là lúc mà ông đồ cảm thấy vui hơn bao giờ hết. Ông vui vì cảm thấy nét bút của mình không hẳn đã phí hoài mà vẫn còn có ích, đem lại bao niềm vui cho đời. Ở bức tranh ấy, ta như cảm nhận được niềm hân hoan của hai nhà hoạ sĩ : Một hoạ sĩ vẽ chữ bằng thư pháp chữ Nho và một hoạ sĩ vẽ tranh thơ bằng chữ Quốc ngữ.
	 Cái tài, cái hoa tay của ông đồ dã để lại cho đời nét chữ như “phượng múa rồng bay” như những tác phẩm nghệ thuật đích thực, được người đời trân trọng, ngưỡng mộ. Đây là những dấu hiệu chứng tỏ vẻ đẹp văn hoá của một thời. Điều đó cũng chứng 
tỏ đây là thời kì đắc ý nhất của ông đồ, là thời kì hưng thịnh, vàng son của nền Nho học.
	Thế nhưng, càng suy ngẫm, ta nhận thấy từ trong sâu thẳm của hồn thơ Vũ Đình Liên phảng phất một nỗi niềm se sắt bởi cám cảnh trước vẻ tang thương của lớp nhà Nho lỗi thời, phải dùng bút mực làm kế mưu sinh. Còn đâu hình ảnh một ông đồ trang nghiêm trong thư phòng đọc Đường thi ? Còn đâu ông đồ tao nhã, luôn được trọng vọng trong cương vị của người dạy chữ thánh hiền ? Hình ảnh ông đồ hiện ra có một chút gì đó còm cõi, tiều tuỵ, đơn côi giữa dòng đời tấp nập, nhộn nhịp, sôi động của ngày xuân.
	Thế rồi thời gian thì vẫn lặp lại một cách tuần hoàn mà cuộc đời thì không lặp lại, đầy biến động, đổi thay :
	Nhưng mỗi năm mỗi vắng
	Người thuê viết nay đâu ? 
	Giấy đỏ buồn không thắm
	Mực đọng trong nghiên sầu...
	 * * * *	
	Ông đồ vẫn ngồi đấy
	Qua đường không ai hay
	Lá vàng rơi trên giấy
	Ngoài trời mưa bụi bay.
	Đọc đoạn thơ, ta nghe hẫng hụt, chơi vơi. Từ “mỗi” lặp lại trong câu thơ “ mỗi năm mỗi vắng” như gõ nhịp đếm bước đi vô tình của thời gian. Thời gian vẫn lạnh lùng trôi, hoa đào vẫn nở rộ mỗi dịp Tết đến, xuân về nhưng người thuê viết hỏi còn mấy ai? Chữ “nhưng” xuất hiện ở đầu khổ thơ như một vết cắt, đánh dấu một quá trình biến đổi lớn lao, sâu sắc, toàn diện của đời sống xã hội ở nước ta lúc bấy giờ. Trong các thập niên cuối thế kỷ XIX và những năm đầu của thế kỷ XX, do bị ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn hoá phương Tây, chữ Nho cùng với nền Hán học không còn giữ vị trí độc tôn như trước nữa. Xã hội thực dân đã sản sinh ra lớp thị dân hãnh tiến thay cho lớp ông đồ một thời được trọng vọng . Xã hội ấy còn làm thay đổi cả những tập tục văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Đối với những người còn mang nặng nỗi niềm hoài cổ như nhà thơ thì sự đổi thay này quả là quá đột ngột, quá lớn, ngoài sức tưởng tượng. Câu hỏi thảng thốt, sững sờ “Người thuê viết nay đâu?” biểu lộ niềm thương cảm sâu sắc, nỗi đau đớn, xót xa của nhà thơ trước tình cảnh bị lãng quên một cách bi thảm của ông đồ:
	Ông đồ vẫn ngồi đấy
	Qua đường không ai hay
Ông đồ với hình hài héo hắt, vẫn ngồi đợi khách trong nỗi cô độc, bơ vơ bên hè phố. Mặc cho người đời quên lãng, xã hội chối từ, ông đồ vẫn cố bám víu vào cuộc sống, vẫn ngồi đấy mà chờ đợi trong nỗi tuyệt vọng. Quả thật xót xa! Có lẽ, ông không ngờ rằng cuộc đời lại lạnh lùng và nhẫn tâm đến thế.Đáp lại sự chờ đợi vô vọng của ông là thái độ thờ ơ lạnh nhạt của người đời. Nó như ngọn roi tàn nhẫn của thời thế quất vào quá khứ để huỷ diệt tận gốc rễ một chút dư hương cuối cùng của nền Nho học. Lời thơ nghe như tiếng nấc thổn thức, nghẹn ngào. Một sự đổi thay quá chóng vánh và cũng thật nghiệt ngã. Nếu trước kia người ta xúm xít, chen nhau để được ngắm nghía, thưởng thức tài nghệ của ông đồ thì giờ đây ông chỉ còn biết ngồi nhìn lá vàng rơi dưới trời mưa bụi:
	Lá vàng rơi trên giấy
	Ngoài trời mưa bụi bay
Hai câu thơ trĩu nặng nỗi niềm! Ông đồ đang lặng lẽ, âm thầm ngồi thu mình bên hè phố như một pho tượng, nhìn dòng người tấp nập qua lại mà cảm thấy dường như họ thuộc về thế giới xa lạ, khác hẳn với thế giới của ông - một thế giới không còn có nắng xuân rực rỡ mà chỉ thấy lá vàng rơi và mưa bụi lất phất! Lá vàng rơi, mưa bụi bay, người qua đường, nghĩa là dòng đời vẫn chảy trôi mà mặc nhiên chẳng ai biết có một ông đồ đang tồn tại. Quả là một sự vô cảm đến nao lòng! Hình ảnh “Lá vàng rơi” gợi lên nỗi buồn, sự tàn phai, rơi rụng. Bụi mưa, bụi thời gian, hay màn bụi vô hình của sự quên lãng ? Tất cả góp phần làm sáng tỏ thực trạng bi thương của ông đồ.Có lẽ, nếu không có một tấm lòng giàu niềm trắc ẩn, không có một niềm thương cảm chân thành,Vũ Đình Liên không thể có được những câu thơ hay đến như vậy. 
Sự đối lập hai cảnh đời ông đồ đã diễn tả chính xác và gợi cảm bước thăng trầm của nền Nho học nước nhà. Tài hoa của ông đồ đã bị lỡ nhịp trong bước đi của thời đại. Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ đang trôi theo dòng văn hoá Tây học mới mẻ, xa lạ, giàu tính thực dụng. Buổi giao thời chào đón một nền văn minh mới, người ta ồ ạt, hân hoan với những giá trị mới mà quay lưng lại với những giá trị cũ. Nền văn minh Nho học đã không cùng hoà nhập vào dòng chảy cuộc sống và lập tức nó bị cuốn trôi vào quên lãng. Hình ảnh ông đồ bị gạt ra bên lề cuộc sống, ngồi lặng yên như hoá đá là một minh chứng xót xa cho hiện thực đau thương ấy.Hết thật rồi chữ Nho, kẻ sĩ, ông đồ. Từ thư phòng ra hè phố và bây giờ là sự cáo chung. Phải chăng nỗi dâu bể của thân phận ông đồ đã tạo nên nỗi đau nhân tính trong lòng nhà thơ ?
Năm nay, Tết lại đến, xuân lại về, hoa đào lại khoe sắc, nhưng trong bức tranh xuân ấy đã khuyết đi một hình ảnh:
	Năm nay đào lại nở
	Không thấy ông đồ xưa
	Những người muôn năm cũ
	Hồn ở đâu bây giờ ?
Đâu rồi ông đồ già? Thời gian có thể vô tình, nhưng nhà thơ đã giật mình khi phát hiện ra khoảng trống của bức tranh. Một chút ngỡ ngàng, bâng khuâng, xót xa, tiếc nuối nhói lên trong lòng thi sĩ. Nhà thơ cất lên câu hỏi đau đáu:
	Những người muôn năm cũ
	Hồn ở đâu bây giờ ?
Câu hỏi day dứt, khắc khoải, vang lên như tiếng nói từ nghìn xưa vọng về. Thể xác con người và các giá trị vật chất khác có thể chỉ là những thoáng phù du ngắn ngủi, tạm bợ, nhưng các giá trị tinh thần, cái “hồn” của một nền văn hoá, cái cốt cách tinh thần của một dân tộc lại là những điều có ý nghĩa vĩnh cửu.Ông đồ trở thành “những người muôn năm cũ”, những “hồn”, đã trở thành biểu tượng của quá khứ vang bóng một thời, trở thành niềm trắc ẩn trong trái tim con người. Hai câu thơ cuối âm thanh vang vọng như tiếng nấc nghẹn ngào của nỗi niềm hoài cổ, tưởng nhớ những năm tháng huy hoàng xa xôi. Phải chăng đó chính là niềm tiếc thương cho những giá trị tinh thần của một thời, là nỗi ám ảnh day dứt với tất cả tấm lòng biết trân trọng những giá trị văn hoá, tinh hoa dân tộc của nhà thơ Vũ Đình Liên ?
-Kính thưa quý thầy cô!
	-Thưa các bạn!
Đến đây, ta có thể nhận thấy bài thơ đã gói gọn vòng sinh mệnh của chính ông đồ: thịnh - suy - huỷ. Thời gian, một thứ trò chơi vĩnh cửu của vũ trụ càn khôn, đã trở thành một nhân vật vô hình đầy bí ẩn, một thứ ấn tượng đến không ai hay, đi không ai biết và có khả năng chi phối mọi sự vật trên đời.Vũ Đình Liên, với cái nhìn nhân hậu, nhà thơ đã bao quát và diễn tả một không gian nhân thế trong những năm 1930-1945. Đó là “ những điều trông thấy ” về những đổi thay dâu bể của cuộc đời bằng mối giao cảm sâu lắng, tinh tế. Có lẽ vì thế nên bài thơ có sức lan toả nhiều thời. Hình ảnh ông đồ trở thành một hình tượng thơ mang nặng tâm sự hoài cổ . Có thể nói bài thơ “Ông đồ” không phải là tiếng nói của phái thơ cũ bênh vực cho người cựu học mà là tâm trạng trắc ẩn của nhà thơ trước số phận đau thương của “lớp người đi vào cõi chết”, là “lời sám hối cuối cùng của một con người bị lạc loài.”. Đó chính là dòng cảm thức về thời gian và nỗi niềm dâu bể của nhà thơ trước cuộc sống.
Hôm nay, sống ở thời đại mới văn minh, tiến bộ, tuy chúng ta không còn được thấy bóng dáng ông đồ - các nhà Nho thuở trước, nhưng cái âm điệu trầm buồn của bài thơ vẫn còn vang vọng mãi, bi kịch ông đồ, nỗi niềm tâm sự của tác giả vẫn mãi mãi gợi niềm rung cảm trong lòng ta, gợi nhắc chúng ta phải biết ghi nhớ, yêu thương trân trọng những di sản văn hoá tinh thần của cha ông thuở trước. Đặc biệt là trong thời đại mở cửa, hội nhập, tăng cường quan hệ hợp tác hiện nay, bài thơ “Ông đồ” lại càng có ý nghĩa hơn đối với mỗi chúng ta. 
-Kính thưa quý thầy cô cùng các bạn!
Đề tài thuyết trình văn học của em đến đây là kết thúc, xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, chú ý lắng nghe của quý thầy cô và các bạn! Kính chúc quý thầy cô và các bạn sức khoẻ, hạnh phúc! Chúc hội thi của chúng ta thành công tốt đẹp!
	Em xin cảm ơn!

Tài liệu đính kèm:

  • docde tai ttvh8.doc