Cô bé bán diêm - Ngọn lửa, khát vọng

Cô bé bán diêm - Ngọn lửa, khát vọng

Dàn bài

I/Đặt vấn đề: - Có ngọn lửa con người mới sống hạnh phúc yên bình

- Ngọn lửa đã thành hình tượng đẹp có ý nghĩa thiêng liêng trong văn học

- Em đã rung động với hình ảnh ngọn lửa diêm trong truyện Cô bé bán diêm của An- dec- xen

II/ Giải quyết vấn đề:

1/ Giới thiệu tác giả

2/ Tóm tắt sơ lược hoàn cảnh của cô bé

3/ Thực tế và mộng tưởng trong mỗi lần quẹt diêm - Ý nghĩa của hình ảnh ngọn lửa diêm trong mỗi lần quẹt

- Hai lần quẹt diêm đầu

- Lần quẹt diêm thứ ba

- Lần quẹt diêm cuối cùng

 

doc 5 trang Người đăng haiha30 Lượt xem 1448Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Cô bé bán diêm - Ngọn lửa, khát vọng", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Cô bé bán diêm - NGỌN LỬA, KHÁT VỌNG
Dàn bài
I/Đặt vấn đề: - Có ngọn lửa con người mới sống hạnh phúc yên bình
Ngọn lửa đã thành hình tượng đẹp có ý nghĩa thiêng liêng trong văn học
Em đã rung động với hình ảnh ngọn lửa diêm trong truyện Cô bé bán diêm của An- dec- xen
II/ Giải quyết vấn đề:
1/ Giới thiệu tác giả 
2/ Tóm tắt sơ lược hoàn cảnh của cô bé 
3/ Thực tế và mộng tưởng trong mỗi lần quẹt diêm - Ý nghĩa của hình ảnh ngọn lửa diêm trong mỗi lần quẹt 
Hai lần quẹt diêm đầu
Lần quẹt diêm thứ ba
Lần quẹt diêm cuối cùng
III/ Kếtthúc vấn đề : Ngọn lửa diêm đã thể hiện tấm lòng nhân ái của nhà văn
 Liên hệ thực tế - Kết thúc
 ===//===
Kính thưa Ban giám khảo!
Kính thưa các thầy cô giáo và toàn thể các bạn !
Theo thần thoại Hi lạp, khi loài người mới sinh ra, họ phải sống trong một thế giới tối tăm và mông muội, trong hoang vu và khổ ải. Lúc đó thần Dớt đã cai trị loài người. Thần Dớt có lửa, chỉ có thần mới làm chủ được thế giới, thần bắt loài người phải phục vụ đấng tối cao, xem loài người như nô lệ. Thế rồi Tô-lê-mê, một vị Thần Lửa đã cảm thông với nỗi khổ của loài người, ngài đã lấy trộm ngọn lửa của thần Dớt phân phát cho loài người. Có được ngọn lửa, loài người như có thượng đế soi đường. Ngọn lửa đã giúp họ vượt qua tất cả, giúp họ chinh phục được thiên nhiên, đánh thắng được thế giới thần linh của Dơt. Có ngọn lửa loài người mới được sống trong hạnh phúc và yên bình. Có lẽ cũng từ đó, ngọn lửa đã thành một hình tượng đẹp có ý nghĩa thiêng liêng trong văn học và cả trong đời sống của con người. Ngọn lửa luôn soi đường, luôn sưởi ấm, ngọn lửa là niềm tin, là ước mơ, là tương lai tươi sáng. 
Thật thế thời gian không làm mất đi ý nghĩa của ngọn lửa mà nó càng tỏa sáng lung linh hơn qua nhiều tác phẩm. Em đã từng xúc động với ngọn lửa huyền thoại trong “Trái tim Đan-kô” và em cùng đã rưng rưng trước ngọn lửa trong “Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt. Và càng rung động hơn trước hình ảnh ngọn lửa diêm trong tác phẩm “Cô bé bán diêm” của nhà văn An-dec-xen.
Vâng ! nói đến thế giới cổ tích của An-dec-xen, tuổi thơ chúng em như những cánh chim luôn khao khát được bay đến chân trời của những vùng đất, những xứ sở thần tiên đầy bí ẩn tuyệt diệu trong những câu chuyện cổ tích. Chắc hẳn trong số chúng ta ai cũng đã và đang mê say những câu chuyện cổ tích. Cho dù nhà văn đáng kính của chúng ta đã qua đời từ rất lâu nhưng vẫn có hàng triệu con tim của những cô cậu trò nhỏ đang lắng nghe những câu chuyện của ông. An-dec-xen đã thổi vào truyện của mình một làn gió mới. Tuy vậy ông vẫn gởi vào truyện những phép màu, những vị sứ giả để mang hạnh phúc đến cho nhân vật dù hạnh phúc đó không trọn vẹn. Truyện “Cô bé bán diêm” là một câu chuyện đầy tình thương của nhà văn An-dec-xen. Đặc biệt vị sứ giả mang hạnh phúc đến cho nhân vật chính trong truyện chính là hình ảnh ngọn lửa diêm đã trở thành một hình tượng lấp lánh. Ngọn lửa đã thắp sáng cho em bé bay lên trời với Thượng đế , đã sưởi ấm cho em trong những đêm đông rét mướt, đã trở thành cầu nối để em bé bán diêm đến với thế giới mơ ước của mình.
Kính thưa Ban giám khảo!
Kính thưa các thầy cô giáo!
Trước khi đi vào phần chính của đề tài, em muốn nói qua vài nét về nhà văn của mọi nhà của mọi thời . An-dec-xen sinh ra và lớn lên trên đất nước Đan –mạch, một quốc gia của vùng Bắc Âu, trong một gia đình nghèo bố làm thợ đánh giày. Có lẽ tuổi thơ của An-dec-xen đã ảnh hưởng đến trang văn của ông rất lớn. Ông ham thích văn thơ từ nhỏ nhưng học hành rất ít. Năm 1819, cậu thiếu niên An-dec-xen rời quê lên thủ đô Co-ben-ha-ghen, ước mơ trở thành nhà thơ và nhà soạn kịch. Nhưng chẳng ai muốn in thơ và dựng kịch của ông cả. Năm 1822 nhờ sự giúp đỡ của Ban giám đốc nhà hát ông được đi học thêm, đỗ tú tài năm 1827 rồi vào dại học năm 1828. Sau đó ông bắt đầu in một số tác phẩm, tên tuổi của ông được nhiều người biết đến. Năm 1835, tại I-ta-li-a, ông bắt đầu sáng tác một số truyện lấy nhan đề “Truyện cho trẻ em”. Ông đã tìm ra mảnh đất dụng võ cho chính mình. Rất nhiều truyện đã trở thành quen thuộc với bạn bè năm châu, không chỉ cho trẻ em mà cho nhiều lứa tuổi, trong số đó có “Nàng công chúa và hạt đậu” “Nàng tiên cá” “Bầy chim thiên nga” “Bộ quần áo mới của hoàng đế” “Chú lính chì dũng cảm” hay “Cô bé bán diêm”.
Kính thưa Ban giám khảo!
Đọc truyện “Cô bé bán diêm” ta cảm thấy như An-dec-xen đang dẫn chúng ta theo con đường bán diêm của em bé gái nghèo khổ, bất hạnh mồ côi mẹ. Cái lạnh giá của vùng Bắc Âu làm sao cô chịu được khi đầu trần chân đất. Nhiều lúc cái lạnh giá ấy xuống đến dưới 0 độ C, tuyết phủ đầy trời, không gian chỉ toàn một màu trắng lạnh vây phủ quanh cô. Cô bé phải bán diêm trong hoàn cảnh thật tội nghiệp. Đôi bàn chân của cô đã tím lại vì băng tuyết . Trước đó chiếc giày cũ kĩ của cô cũng đã bị một chiếc xe cán nát. Áo quần rách rưới, cô bé phải lang thang khắp đường phố để bán diêm. Nếu không bán được que diêm nào mà về nhà thì nhất định em sẽ bị bố đánh. Nhưng trời rét quá, không thể lang thang thêm giữa trời đêm, cô phải ngồi nép vào một góc tường, giữa hai ngôi nhà, cô thu đôi bàn chân vào người nhưng vẫm không đỡ rét. Cô bé suy nghĩ giá mà quẹt một que diêm mà hơ ngón tay nhỉ! 
Cuối cùng cô bé đánh liều quẹt một que diêm. Ngọn lửa xanh lam bùng lên dẫn dắt độc giả theo diễn biến câu chuyện. Mỗi lần quẹt diêm là lúc cô bé được sống trong những thời khắc hạnh phúc nhất. Ngọn lửa diêm như một thiên thần nối liền ước mơ và khát vọng tuổi thơ của cô bé. Đó là ước mơ được ăn ngon, được vui chơi, được sống trong hạnh phúc của mái ấm gia đình. Một ước mơ thật bình dị gần gũi với tuổi thơ không cao sang chút nào. Thế là ngọn lửa từ que diêm thứ nhất cháy sáng. Ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần biến đi, trắng ra rực hồng trên que gỗ sáng chói trông đến vui mắt . Cô bé tưởng chừng như trước mắt là một lò sưởi bằng sắt có hình nổi bằng đồng bóng loáng. Trong lò sười , lửa cháy nom đến vui mắt và tỏa ra hơi nóng dịu dàng. Rồi que diêm thứ hai được đốt lên, diêm cháy và sáng rực. Bức tường như biến thành tấm rèm bằng vải màu. Cô bé nhìn thấu vào tận trong nhà. Bàn ăn đã dọn, khăn trải bàn trắng tinh. Trên bàn toàn bát đĩa bằng sứ quí giá và có cả ngỗng quay. Điều kì diệu nhất là ngỗng ta nhảy ra khỏi đĩa và mang cả dao ăn phuốc sét bay về phía cô bé. Ước mơ thật đơn sơ bình dị, nhưng hạnh phúc chỉ đến với cô bé trong que gỗ ngắn ngủi, vì que diêm cháy rồi cũng tắt đi, hiện thực lạnh lẽo lại hiển hiện trước mắt em.
	Ngọn lửa diêm vẫn tiếp tục cháy sáng . Ngọn lửa ấy trở thành chiếc cầu tình thương nối đến gia đình hạnh phúc, đoàn tụ sum họp trong mùa lễ giáng sinh gia đình có cha có mẹ, ông bà đoàn tụ bên mâm cỗ ngày lễ. Các em sẽ được mẹ bà cho quà rồi ông già No en cưỡi tuần lộc xuất hiện qua ô cửa sổ mang theo những món quà nho nhỏ xinh xinh. Thế rồi ngọn lửa diêm cũng mang đến cho cô bé hạnh phúc mà em đang mong chờ. Cây thông no-en hiện lên. Cây này lớn và trang trí lỗng lẫy hơn cây thông mà em thấy năm ngoái mà em thấy năm ngoái qua cửa kính một nhà buôn giàu có. Hàng ngàn ngọn nến sáng rực lấp lánh trên cành lá xanh tươi và rất nhiều bức tranh màu sắc rực rỡ như những bức tranh bày trong các cửa hàng hiện ra trước mắt cô bé. Hạnh phúc ấy thật mong manh như chiếc bong bóng nước, nó vỡ tan tành khi que diêm vụt tắt.
Ngọn lửa diêm không chỉ là mái ấm gia đình mà còn là niềm khao khát tình thương, sự thèm thuồng được âu yếm chiều chuộng từ hơi ấm của mẹ, tình thương của bà. Ngọn lửa diêm thứ tư đưa cô bé đến gặp bà. Một ngọn lửa có ánh sáng xanh tỏa ra xung quanh và cô bé thấy rõ ràng bà “to lớn, đẹp lão” đang mỉm cười với cô. Ngọn lửa diêm cháy lặng thầm cứ thôi thúc cô bé níu kéo bà lại. Cô bé sợ bà sẽ ra đi như lò sưởi, cây thông no-en “Bà ơi! Cháu van bà! Bà xin thượng đế cho cháu về với bà.” Ngọn lửa diêm như sợi dây vô hình níu kéo hạnh phúc cho cô bé. Diêm càng sáng tức thời gian bà ở lại bên cháu càng lâu hơn. Cô bé đánh liều quẹt tất cả các que còn lại, ngọn lửa diêm lần lượt từ tay cô bé cháy mãi, nối nhau chiếu sáng như ban ngày. Ngọn lửa ấy đã đưa cô bé đến đỉnh cao của hạnh phúc mà cô hằng khao khát. Em được tận mắt nhìn thấy người bà yêu dấu của mình, người mà cô bé yêu thương nhất. Càng ý nghĩa hơn khi ngọn lửa diêm như một vị thiên sứ dẫn đường đưa cô bé đến nơi mà cô bé hằng mong ước. Một viễn cảnh nhưng cũng thật gần gũi mà xa vời khó có thể chạm tay đến. Bà cầm tay cô bé rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét đau buồn nào đe dọa họ nữa. Họ đã về chầu Thượng đế. Cô bé từ nay sống tràn ngập trong niềm vui và hạnh phúc, được sống trong tình cảm thiêng liêng bà cháu. Hạnh phúc cũng sẽ đến với những người xấu số, trong thực tế cũng có mộng tưởng. Cô bé cứ tưởng như những lúc que diêm vụt sáng, ông già Nô-en cưỡi tuần lộc từ từ bay xuống đón lấy em bay lên chào Thượng đế chí nhân. Một ngôi sao lạc lõng giữa bầu trời cao rộng được đoàn tụ cùng gia đình hạnh phúc.
	Hình ảnh ngọn lửa diêm sẽ càng ý nghĩa hơn khi những que diêm đã vụt tắt. Mỗi khi que diêm không còn cháy là thế giới tăm tối mở ra trước mắt cô bé. Cô bé nghĩ về hiện tại quá tồi tệ, người cha đầy khắc nghiệt, rồi phố vắng teo lạnh buốt tuyết phủ trắng xóa, gió bấc vi vu và mấy người khách qua đường hoàn toàn lãnh đạm với hoàn cảnh nghèo khổ của em. Thế rồi những que diêm vụt tắt, bốn bức tường dày đặc lạnh lẽo hiện ra, người bà yêu thương cũng biến mất. Cô bé vẫn ngồi cô đơn một mình dưới tuyết rơi dày đặc. Thực tế thật phũ phàng và khắc nghiệt. Chỉ cần khi que diêm vụt tắt , những bất hạnh như chờ chực để vồ xuống số phận của cô bé tội nghiệp .
Kính thưa các thầy cô giáo cùng các bạn!
Lép Ton – stoi đã từng nói: “Nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm”. Hình tượng nghệ thuật ngọn lửa diêm của nhà văn An-dec-xen mang một giá trị nhân văn sâu sắc. Đó chính là tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà văn xứ Bắc Âu. An- dec- xen đã tỏ ra thấu hiểu, trân trọng những ước mơ bình dị của tuổi thơ và ông đã để cho ngọn lửa diêm sáng lên lung linh kì ảo nhằm thỏa mãn những ước mơ của cô bé bất hạnh tội nghiệp. Hình ảnh ngọn lửa diêm ấy như khẽ nhắc mọi người phải biết san sẻ những niềm hạnh phúc cho nhau. Đừng thơ ơ vô cảm trước những mảnh đời bất hạnh. Cuộc sống sẽ đẹp biết bao khi trong cuộc đời có nhiều những tấm lòng nhân hậu.
Đọc truyện “Cô bé bán diêm” em lại nghĩ đến những em bé VN đang ở trong hoàn cảnh bất hạnh. Các em bé ấy thật tội nghiệp khi thiếu vắng đi tình yêu của ông bà cha mẹ phải lang thang đi kiếm sống. Nhưng ít nhiều các em cũng được xã hội dành cho những tình cảm ưu ái qua các chương trình “Ngày vì người nghèo”, “Quỹ chất độc da cam” Những việc làm ấy như những ngọn lửa sưởi ấm bao tâm hồn lạnh giá cô đơn và đó chẳng khác gì ngọn lửa diêm mà An-dec-xen đã đốt lên để sưởi ấm cho cô bé bán diêm. Dân tộc Việt nam ta không chỉ yêu nước mà còn rất nhân hậu và bao dung, ai cũng sẵn sàng sẻ chia vì họ biết rằng làm được một điều thiện là đang đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình. Đúng như một học giả phương Tây đã viết : “Một ánh lửa sẻ chia là một ánh lửa lan tỏa, một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Đôi môi có hé mở mới thu nhận nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban tâm hồn mới ngập tràn hạnh phúc”
	Ước mơ bao giờ cũng đẹp nhưng ước mơ của người nghèo là ước mơ đẹp nhất . Một ước mơ rất gần gũi và mộc mạc, chân thành và thực tế. Có tuổi thơ nào lại không muốn ăn ngon mặc ấm, không muốn được sống trong những ngày tràn đầy niềm vui? Nhưng đối với cô bé bán diêm thì thật tội nghiệp. Bằng tinh thần nhân ái vô bờ An –dec- xen đã thắp lên ngọn lửa diêm và biến ngọn lửa diêm thành sứ giả của ước mơ, khát vọng. Vị sứ giả ấy cứ đưa em dạo quanh khu vườn hạnh phúc có tất cả những điều mà em muốn . Vị sứ giả đã sưởi ấm cho thực tế lạnh lẽo phũ phàng của em. Ngọn lửa diêm đã biến thành ánh sáng soi đường cho em đi. Ngọn lửa ấy đã nối kết thực tế và mộng tưởng, hiện tại và tương lai. Ngọn lửa ấy luôn là vị sứ giả nhắc nhở mọi người hãy sống và biết yêu thương. Em tin rằng ngọn lửa ấy không chỉ thắp sáng ước mơ của cô bé bán diêm mà còn thắp sáng niềm tin niềm khát vọng trong tâm hồn của muôn người. Và mỗi chúng ta hãy làm một ngọn lửa diêm nhỏ bé để góp phần làm nên sự ấm áp cho cuộc đời này.
	Cảm ơn sự chú ý lắng nghe của thầy cô và các bạn !
	Em xin kính chúc hội thi của chúng ta thành công tốt đẹp! 

Tài liệu đính kèm:

  • docDTai TTVH NGONLUA TINH THUONG Doc Co be ban diem.doc