Chương trình địa phương: thơ văn Hà Tĩnh

Chương trình địa phương: thơ văn Hà Tĩnh

1. Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc

Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi

Còn hương nữa hãy dành phần người khác

Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi

Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc

Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp

Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi.

Hoa cỏ may khâu nặng ống quần, kìa!

Ơi các em tuổi quàng khăn đỏ

Bên bia mộ, xếp hàng nghiêm trang quá

Thương các chị lắm phải không, thì hãy quay về

Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống

Các chị nằm còn khát bóng cây che.

Hai mươi bảy năm qua chúng tôi không thêm một tuổi nào

Ba lần chuyển chỗ nằm lại trở về Đồng Lộc

Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc

Về bón chăm cho lúa được mùa hơn

Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo

Nắm mỳ luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường.

Cần gì ư? – Lời ai hỏi trong chiều

Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu

Ngày bom vùi tóc tai bết đất

Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được

Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang

Cho mọc dậy vài cây bồ kết

Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.

Đồng Lộc, 5-7-1995

Vương Trọng

 

doc 12 trang Người đăng haiha30 Lượt xem 2099Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Chương trình địa phương: thơ văn Hà Tĩnh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
THƠ VĂN HÀ TĨNH(chương trình địa phương)
1. Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc
Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa hãy dành phần người khác
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi.
Hoa cỏ may khâu nặng ống quần, kìa!
Ơi các em tuổi quàng khăn đỏ
Bên bia mộ, xếp hàng nghiêm trang quá
Thương các chị lắm phải không, thì hãy quay về
Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống
Các chị nằm còn khát bóng cây che.
Hai mươi bảy năm qua chúng tôi không thêm một tuổi nào
Ba lần chuyển chỗ nằm lại trở về Đồng Lộc
Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo
Nắm mỳ luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường.
Cần gì ư? – Lời ai hỏi trong chiều
Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.
Đồng Lộc, 5-7-1995
Vương Trọng
 Lời bình:
 Nhà thơ quân đội Đại tá Vương Trọng trong chiến tranh đã viết nhiều về người lính và sau hoà bình, lại đặc biệt thành công ở loại thơ thế sự. "Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc" có thể xem  là  sự kết tinh ở cả hai mảng đề tài ấy. Bài thơ in lần đầu vào năm 1995, có mặt trong Tuyển tập thơ Đồng Lộc-1998 và trong tập thơ riêng của tác giả Năm ngắn ngaỳ dài- NXB Vh-2005. 
 Điều đáng lưu ý là, sau 3 năm bài thơ ra đời, năm 1998, sát bên nghĩa trang 10 cô gái Đồng Lộc, 2 cây bồ kết đã được trồng, nay đã vươn cao xanh tốt. Bốn năm sau đó, 2002, bài thơ được khắc vào tấm bia đá cẩm thạch bằng những dòng chữ đẹp, tô màu sơn vàng trang trọng, dựng lên cạnh cây bồ kết. Từ đó, các đoàn khách đến  viếng niệm đều được nghe đọc và nhiều người đã chép tay bài thơ.Cũng từ mấy năm nay, bài thơ được đưa vào chương trình dạy- học môn Ngữ văn lớp 8 ở tất cả các trường THCS của Hà Tĩnh. Vừa qua, tượng đài lại được tu tạo và bia mới hoành tráng hơn, cần cho một sự bổ sung, đã được thay vào (Ảnh). Một mặt khắc  bài thơ chữ Việt, một mặt  khắc bản dịch thơ tiếng Anh của ông Trần Đình Hoành, một dịch giả Việt kiều ở Mĩ, để khách quốc tế đọc có thể cảm nhận được.Những việc làm đó đều mang ý nghĩa của một tầm văn hoá, văn hoá tâm linh, văn hoá thẩm mĩ và văn hoá giáo dục.
Tên đề của bài thơ đã gợi ra không khí thiêng liêng.Thông thường, người đang sống, thỉnh cầu với vong linh người đã khuất. Nhưng ở đây, tác giả để cho mười cô gái anh hùng ở nghĩa trang nói lời thỉnh cầu với các đoàn khách đến viếng thăm. Bằng cách này, bài thơ xoá được cái rào cản hư vô "âm dương cách biệt". Trong không khí trang trọng, linh thiêng và hư ảo, ta nghe được lời  của những cô gái-liệt sĩ-anh hùng vừa gần gũi vừa thân tình, ấm áp.
Vẫn dịu dàng, khiêm tốn như xưa, lời trò chuyện của các cô đã hướng vào từng loại đối tượng. Khách đến đây có đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi khác nhau, nhưng tất cả đều có tâm thành, tâm nguyện. Sự hi sinh cùng một lúc 10 cô gái trẻ đã làm cho  ai cũng xúc động, tiếc thương và tri ân, nên lúc nào trên mộ các cô cũng có thật nhiều hương hoa. Nhưng các cô tự cho "hương cắm thế đủ rồi" và khuyên mọi người  hãy  đừng vì các cô, đừng vì 10 ngôi mộ này mà quên đi hàng ngàn liệt sĩ khác đã ngã xuống nơi đây để cùng "làm nên Đồng Lộc". Nhiều người không thể có bia mộ để thắp hương tưởng nhớ vì lửa khói bom thù đã làm cho thịt xương họ thành tro bụi, thể phách  họ đã hoà vào đất đai, sông núi. Cao cả biết bao, lời thỉnh cầu cho một sự công bằng với đồng đội:
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi
Hình ảnh so sánh chan hoà sắc màu xanh tươi, chan hoà ánh nắng; nhịp thơ ngân lên như một câu hát, làm át đi cái không khí và tâm trạng bi thương dễ có nơi này.
Với các em thiếu nhi hồn nhiên, ngoan ngoãn, lời của các cô là lời của những người chị gái đầy âu yếm, mến thương, khuyên nhủ ân cần:
Thương các chị lắm phải không? Thì hãy quay về.
Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống.
Với các bạn thanh niên cùng trang lứa là lời tâm sự, cảm thông, là lời của bạn bè chia sẻ;  vì các cô  vẫn cứ trẻ  trung "Hai mươi bảy năm qua... không thêm một tuổi nào","mãi mãi tuổi hai mươi". Cao đẹp thay, người đã hi sinh lại an ủi, khuyên người đang sống, xin đừng bi luỵ.
Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
Câu thơ rắn rỏi  nhằm  xua đi nỗi buồn thương, yếu đuối . Chi tiết "bữa  ăn cuối cùng" của cac cô bằng "nắm mì luộc chia nhau..." thật xiết bao cảm động.  Cho nên, điều cần nhất  của tình thương lúc này đâu phải là nước mắt, mà là "Về bón chăm cho lúa được mùa hơn"!
Đây là những "cô gái miền quê ra đi cứu nước"(Xuân Giao); đã vậy, coi hi sinh là lẽ thường, chỉ hiềm một nỗi: "Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được". Cho nên,cuối cùng, riêng các cô, chỉ  "Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ cho mọc dậy vài cây bồ kết". Đây là hình tượng sáng tạo thật là độc đáo. Sự thông minh nghệ sĩ của nhà thơ đã nói đúng ý nguyện chung cho tất cả vì đó là một "ý muốn bình thường, dung dị và dễ thương"( Mĩ Châu).  Bồ kết, một loại cây quả của làng mạc đồng quê, chứ không phải là một thứ cây, hoa quí hiếm- cao sang nào khác. Đơn giản vậy thôi. Bởi lẽ, "Tất cả chưa chồng và chưa ngỏ lời yêu", các cô tuổi thanh xuân phơi phới  yêu đời, yêu cái đẹp, yêu cái thanh sạch, thích  làm dyên con gái, chăm sóc  mái tóc mình cho  óng mượt, suôn sẻ, thơm tho.Người nước ngoài đọc thơ chắc sễ hiểu những người nữ anh hùng, những người con gái Việt Nam còn yêu cái đẹp cho đến "cả khi chết đi rồi"!
Thế là, từ việc yêu cầu thắp hương cho đất mẹ thấm máu xương bao đồng đội, trồng nhiều cây cho quê hương xanh-mát-đẹp, đến việc bón chăm cho lúa đồng thêm mùa bội thu...tất cả những  lời thỉnh cầu về nhiều việc làm tốt đẹp ấy đều vì hạnh phúc của những người đang sống..Và, những cây bồ kết kia cũng là để có" hương chia đều" cho tất cả đấy thôi. Bài thơ đã nói với mọi người một điều chí lí và thuyết phục: mọi tình cảm, mọi việc làm chúng ta dành cho những người đã hi sinh cũng chính là cho cuộc sống hôm nay. Bởi vậy, đem  tất cả sức lực và tài năng làm cho quê hương đất nước  mạnh giàu, nhân dân ấm no hạnh phúc, cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn lên là cách đền ơn đáp nghĩa thiết thực nhất, đúng với tâm nguyện của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì dân, vì nước. Linh hồn của họ đã nhập vào hồn thiêng sông núi, vẫn dõi theo, phù trợ cho "Quốc thái Dân an".
 Thơ được khắc bia đá thật là hi hữu. Đây không chỉ là một bài thơ hay theo cái nghĩa thông thường mà  là thơ "tải đạo giúp đời". Nó đã làm cho người đọc, người nghe thực sự xúc động và ám ảnh. Qua bài thơ, ai cũng thấy tầm vóc các anh hùng liệt sĩ của chúng ta lớn hơn một lần nữa. Cái đẹp mĩ học ở đây đã tới tầm cái thiêng liêng cao cả.
2. Tuổi 20 - Nén nhang cho các chị
Mười đôi mắt xanh mười mái tóc xanh
Nằm lặng lẽ hiền lành bên đám cỏ
Tuổi 20 vẫn còn nguyên ở đó
Tha thiết yêu đời trong những tiếng bom rơi
Đất quê mình có nóng không các chị ơi
Gió quê mình sao cứ bồi hồi thế
Hạt bụi cuốn bay bay lá xạc xào như kể
Tuổi 20 đi mãi mãi không về
Có những tuổi 20 đẹp như một lời thề
Đẹp như cánh hoa mua nô đùa bên bom đạn
Những tiếng cười rộn ràng như tiếng hát
Tiếng hát ngọt ngào lặng lẽ bên hố bom
Có những nỗi buồn đẹp như ánh trăng non
Buồn nhớ mẹ nhớ cay xè khói bếp
Khi tắt hương thơm thoảng hương bồ kết
Những trái tim mình nằm mãi những yêu thương
Tuổi 20 ngủ lại với con đường
Mười giấc ngủ cứ vô thường như thế
Như nén hương bao nhiêu giọt lệ
Xin khẽ khàng thôi, khẽ khàng thôi
Các chị đã ngủ rồi...
3. VỀ QUÊ NỘI (Nguyễn đức Huân)
Bố mẹ đưa con về thăm quê nội,
Một buổi chiều nắng đổ lửa đồng quê
Tuổi thơ con chưa biết đến bao giờ
Tro ổi vườn ông và những ngôn từ mô, tê , răng, rứa.
Đồ chơi của con là gậy tre mắt nứa
Là cái ống phóc chẳng biết bắn thế nào ?
Con cứ hỏi hoài " thế nghĩa là sao ? "
Khi ai hỏi ai đùa tiếng quê mình rất lạ, 
Về quê ấy, có cây có lá
Làm chiếc kèn sâu con thổi tò te.
Cũng về quê con biết cưỡi nghé cưỡi me,
Nó biết đứng, biết đi không phải như ngựa xe vườn bách thú 
Con chưa thấy một cánh diều no gió,
Lững lờ trôi giữa bát ngát đồng quê
Như tuổi thơ xưa bố hì hục trưa hè,
Cắt dán cánh diều để chiều kịp đi thả.
Về quê nội cái gì cũng lạ,
Con biết đi nhổ mạ cấy vùi,
Cũng lần đầu biết tát nước bằng gầu giai...
Chim vườn ông ca hát những sớm mai...
Ba tuổi về quê, thấy gì con gái ?
Thấy mọi người chân đất lưng trần,
Con bảo bà đi dép khỏi bẩn chân
Và Hà Đồng bằng tuổi con sao quần không mặc ?
Ông làm cho con đôi thùng gánh nước.
Hè quê mình những giọt ngọc hiếm hoi
Vài ngày ở quê con cũng đã quen rồi,
Cũng chân đất lưng trần thẩn thờ chơi nhởi,
Lượm những quả tro bày xếp đồ hàng...
Một buổi chiều gió dịu, nắng mênh mang,
Ba bố con ra đồng ra bãi.
Bố quen rồi tầm nhìn như ngắn lại,
Với các con xa tít tận chân trời.
Với bố - cánh đồng quê mình gắn với một thời thơ ấu
Những địa danh : Mụ Léc, ruồng Hầu...
Lâu lắm rồi và lắng đọng rất lâu.
Với các con cánh đồng như chấm phá...
Bông cỏ may dính chặt áo con,
Con nghịch, con đùa, con chạy lon ton,
Chân cố tránh bãi phân bò khô cứng
Hái một bông cỏ dại chết từ lâu,
Thế cũng đủ để làm giàu những mái đầu thơ trẻ...
Đồng ruộng quê mình khô cong nứt nẻ,
Hoa móc hoa mua nắng héo lâu rồi
Thương những hàng dứa dại đứng đơn côi...
Cánh đồng đó, có thương người vất vả ?
Tất cả nhờ trời, mùa đói, mùa no.
Tuổi thơ con thích chơi thích đùa,
Chưa biết củ khoai bẻ đôi - mất mùa đói kém.
Các con chơi giữa cánh đồng mênh mông nhạt nắng,
Chạy hết bờ này lại đến bờ kia, 
Chân đi dép bước gồ ghề, té ngã
Đã qua rồi đường bên tông, trải nhựa.
Chưa thấy những cục đất cày phơi nắng giữa đồng quê.
Giữa không gian bát ngát bốn bề ...
Hè mỗi năm các con có thích về quê ?
Về nơi ấy có tình làng nghĩa xóm,
Ai cũng muốn cho con lạc, khoai, bánh tráng...
Ông bà thương và chú bác xa gần,
Anh Quyền, chị Dung, o Thành, o Yên, có cả Hà Đồng,
Những buổi trưa thẩn thờ sang nhởi.
Để buổi chiều con qua bên ấy,
Hỏi làm gì đây ông Chiểu hầm đồ,
Cái cuốc cái liềm cũng chưa biết - ngây thơ,
Trước mắt các con là những điều kì diệu...
Mai này lớn lên rồi con sẽ hiểu,
Có một mùa hè như thế ở quê hương ...
4. ĐẮM ĐUỐI SÔNG LA
Nghiêm Huyền Vũ
Nếu em có dịp về quê ngoại
Rẽ nắng La Giang một mái chèo
Đường qua Tùng Lĩnh xanh ngăn ngắt
Bốn bề vi vút tiếng thông reo
Nhà anh ở cạnh bờ sông ấy 
Tiếng sóng lao xao vỗ trước thềm
Sông mở lòng mình con nước cả
Để làm xao xuyến ánh trăng lên
Em đi từ thưở còn thơ dại
Bím tóc con con tuổi học trò
Giọng nói bây giờ êm như nước
Nhắc về trong NỚ nhớ CHI MÔ
Chỉ có dòng sông trong mắt em
Còn in bóng núi dãy Giăng Màn
Dầu bao năm tháng không về lại
Vẫn còn thăm thẳm nước La Giang
Vẫn còn mây biếc bến Tam Soa
Ngàn Phố Ngàn Sâu hợp một nhà
Đánh đắm thuyền mình anh chẳng tiếc
Thêm một lần đắm đuối sông La
5. Anh có về Hà Tĩnh cùng em
Anh có về Hà Tĩnh cùng em không?
Miền quê nghèo chưa bao giờ anh tới
Dẫu một lần thôi, em vẫn luôn chờ đợi
Anh hãy về tắm nước dòng La.
Hà Tĩnh quê em chất phác, thật thà
Gió Lào thổi qua nên nghĩa tình ấm áp
Đi qua chiến tranh đạn bom khốc liệt
Nâng niu từng điệu hò từng khúc hát yêu thương.
Về cùng em xuôi ngược khắp nẻo đường
Để yêu hơn câu ca trù Cổ Đạm
Yêu tiếng thơ Nguyễn Du với bao nhiêu đồng cảm
Kiêu hãnh cùng cây thông Nguyễn Công Trứ thuở nào.
Đêm sông La giữa sóng nước xôn xao
Anh sẽ nhớ "Tràng Giang" xưa trong thơ Huy Cận
Nhớ Ngàn Phố, Ngàn Sâu, con sông quê "dợn dợn"
Vun đắp tâm hồn cho những thi nhân.
Xuôi về Can Lộc anh có thấy không?
Chàng Xuân Diệu ngày xưa con thầy đồ xứ Nghệ
Dẫu xa quê hương, cuộc đời bao dâu bể
Vẫn nhớ vô cùng mùi vị bánh đa quê.
Hà Tĩnh quê em, anh có muốn về?
Đến Đồng Lộc nghiêng mình nghe thì thầm hương đất
Bài ca về những người con gái đẹp nhất
Mãi mãi ra đi cho xanh sắc quê nhà!
Về Thiên Cầm nghe sóng nước hòa ca
Đàn trời ru anh - khúc ru của sóng
Để anh thấy yêu hơn một vùng quê anh dũng
Vẫn ngọt lành, như môi thắm em xinh.
Nếu yêu nhau anh hãy cùng em
Lên chùa Hương Tích quỳ dưới chân Diệu Thiện
Để lòng mình được thanh lọc sau bon chen, vướng bận
Tĩnh lặng một vùng sắc sắc - không không...
Anh có về Hà Tĩnh với em?
Quê hương từng ngày đi lên đổi mới
Đến Vũng Áng, công trường đang mời gọi
Kẻ Gỗ đón nước về tưới thắm một vùng quê.
Và yêu nhau, anh ơi hãy nhớ về
Bên mái tranh nghèo có mẹ già đứng đợi
Uống nước chè xanh, ăn cơm chín tới...
Canh hến quê mình ngọt vị tháng năm.
Hà Tĩnh quê mình giản dị thế thôi anh!
Người Hà Tĩnh cũng dịu dàng như đất
Em đã yêu anh, tình yêu chân chất
Mộc mạc vô cùng như Hà Tĩnh mình thương.
Anh hãy về Hà Tĩnh cùng em...
6. Về với sông La.......
Em chưa một lần về với sông La
Để mái tóc thơm buông dài theo gió
Dải đê xanh miên man hoa dại nở
Anh chờ em cuống quýt bước chân trần.
Một dòng xanh triệu con sóng chưa tràn
Như tình anh một đời không nói hết
Đêm sông La giọng hò ai tha thiết
Hết giận rồi người về với sông La.
Vầng trăng non lơ lửng vẫn còn xa
Dẫu Thọ Tường chỉ cách đôi nhịp bước
Em chưa một lần về sao hiểu được
Bởi tình anh đã hóa nước sông rồi.....
 7. GIỮA HÀ NỘI NGHE CÂU HÁT QUÊ HƯƠNG
Lương Đình khoa
Em hát đi, bồi hồi giọng quê ấm
Nghe rưng rưng giữa chồn đô thành
Dẫu tôi – em lần đầu gặp mặt
Mà thật gần, như vốn đã quen thân!
Em hát đi, cho tôi gửi chút tình,
"Với Hà Tĩnh mình, răng mà thương mà nhớ" (*)
Bước chân xa qua bao nhiêu lầm lỡ
Muốn trở về gột rửa trước sông Lam!
Muốn trở về tạ lỗi với tháng năm
Với trái tim thuỷ chung bao dung đời mẹ
Mái tranh nghèo mà tình như sóng bể
 Mãi ru thầm theo mỗi bước chân xa
Tiếng Nghệ (Nguyễn Bùi Vợi)
Cái gầu thì bảo cái đài
Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi
Chộ tức là thấy mình ơi
Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em
Thích chi thì bảo là sèm
Nghe ai bảo đọi thì mang bát vào
Cá quả lại gọi cá tràu
Vo troốc là bảo gội đầu đấy em
Nghe em giọng Bắc êm êm
Bà con hàng xóm đến xem chật nhà
Răng chưa sang nhởi nhà choa
Bà o đã nhốt con ga trong truồng
Em cười bối rối mà thương
Thương em một lại trăm đường thương quê
Gió Lào thổi rạc bờ tre
Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn
Chắt từ đã sỏi đất cằn
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em

Tài liệu đính kèm:

  • docChuong trinh dia phuong Tho van Ha Tinh.doc