Giáo án Ngữ văn 8 tiết 77 bài 21: Văn bản: Quê hương - Tế Hanh

Giáo án Ngữ văn 8 tiết 77 bài 21: Văn bản: Quê hương - Tế Hanh

TIẾT 77 VĂN BẢN

QUÊ HƯƠNG

- Tế Hanh -

1. Mục tiêu: Giúp HS:

 a) Về kiến thức: - Cảm nhận được vẻ đẹp tươi sang, giàu sức sống của một làng quê miền biển được miêu tả trong bài thơ và tình cảm quê hương đằm thắm của tác giả.

 - Thấy được những nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ.

 b) Về kĩ năng: Biết cách đọc diễn cảm và phân tích bài thơ đúng yêu cầu.

 c) Về thái độ: Có tình cảm yêu quý gắn bó với quê hương, đất nước.

2. Chuẩn bị của GV và HS:

 a) Chuẩn bị của GV: SGK, SGV, Sách bình giảng Văn 8- nghiên cứu soạn giáo án.

 b) Chuẩn bị của HS: SGK, vở ghi, sách bình giảng Văn 8- học bài cũ- đọc, soạn bài theo SGK.

 

doc 6 trang Người đăng haiha30 Lượt xem 821Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Ngữ văn 8 tiết 77 bài 21: Văn bản: Quê hương - Tế Hanh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Ngày soạn: 	Ngày dạy: Dạy lớp 8B
	Ngày dạy:.Dạy lớp 8C
TIẾT 77 VĂN BẢN
QUÊ HƯƠNG
- Tế Hanh -
1. Mục tiêu: Giúp HS:
	a) Về kiến thức: - Cảm nhận được vẻ đẹp tươi sang, giàu sức sống của một làng quê miền biển được miêu tả trong bài thơ và tình cảm quê hương đằm thắm của tác giả.
	- Thấy được những nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ.
	b) Về kĩ năng: Biết cách đọc diễn cảm và phân tích bài thơ đúng yêu cầu.
	c) Về thái độ: Có tình cảm yêu quý gắn bó với quê hương, đất nước.
2. Chuẩn bị của GV và HS:
	a) Chuẩn bị của GV: SGK, SGV, Sách bình giảng Văn 8- nghiên cứu soạn giáo án.
	b) Chuẩn bị của HS: SGK, vở ghi, sách bình giảng Văn 8- học bài cũ- đọc, soạn bài theo SGK.
3. Tiến trình bài dạy:
	* Ổn định tổ chức: Sĩ số 8B: ....
	 Sĩ số 8C: ...
a) Kiểm tra bài cũ (3’): Nêu nghệ thuật và nội dung cơ bản của bài Nhớ rừng?
	Đáp án: Bài thơ tràn đầy cảm hứng lãng mạn, cách lựa chọn biểu tượng thích hợp để bộc lộ chủ đề; hình ảnh thơ giàu chất tạo hình, ngôn ngữ và nhạc điệu phong phú giàu sức biểu cảm (6 điểm).
	- Tác giả mượn lời con hổ trong vườn bách thú để nói lên tâm trạng của những người Việt Nam yêu nước đầu thế kỉ XX: chán ghét thực tại, khao khát tự do (4 điểm).	
* Vào bài (1’): Ở giai đoạn sau của hành trình Thơ mới, trong rất nhiều giọng điệu có một số nhà thơ tìm về với cảm hứng quê hương xứ sở với những vùng quê mộc mạc thân thương. Trong số những nhà thơ đó, Tế Hanh đã góp một tiếng nói riêng độc đáo rất mực dung dị, đằm thắm về một vùng quê biển. Ông thường kể với bạn bè “Quảng Ngãi quê tôi có dòng sông Trà Bồng chảy êm đềm và trong xanh suốt bốn mùa. Trước khi đổ ra biển dòng sông lượn vòng ôm trọn làng biển quê tôi”. Hôm nay, qua những dòng thơ chan chứa cảm xúc nhớ quê, chúng ta cùng về thăm làng chài quê hương Tế Hanh qua bài Quê hương.
b) Dạy nội dung bài mới:
	I. ĐỌC VÀ TÌM HIỂU CHUNG (8’)
	1. Vài nét về tác giả, tác phẩm
	GV: Gọi HS đọc chú thích * SGK.
	?TB: Nêu những hiểu biết của em về tác giả, tác phẩm?
	Ghi:- Tế Hanh sinh 1921 quê ở Quảng Ngãi là nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới ở chặng cuối. Thơ ông nhỏ nhẹ, hồn hậu, tha thiết và gắn bó sâu nặng với quê hương. Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996.
	- Bài thơ Quê hương viết năm 1939.
	GV: Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh. Năm 15 tuổi ông ra học Trung học ở Huế. Vốn yêu thích thơ văn từ tuổi nhỏ lại chịu ảnh hưởng của ông thân sinh là một nhà Nho, lớn lên say mê văn học lãng mạn Pháp và được gặp gỡ với một số cây bút nổi tiếng của phong trào Thơ mới, Tế Hanh bắt đầu bước vào con đường sáng tác văn học. Bài thơ đầu tiên của ông là Những ngày nghỉ học (1938) về sau những bài thơ thuở học trò được tác giả tập hợp trong tập Hoa niên được Giải thưởng của Tự lực Văn đoàn năm 1941. Sau năm 1945, Tế Hanh tham gia cách mạng và trở thành một trong những cây bút tiêu biểu của nền thơ cách mạng. Thơ Tế Hanh chủ yếu viết về quê hương. Ông có tới 4 bài thơ viết về quê hương. Đó là các bài Quê hương (1939), Nhớ con sông quê hương (1956), Trở lại quê hương (1976), Trở về với sông xưa (1978). Thơ Tế Hanh thường nhỏ nhẹ, hồn hậu nhưng tha thiết và sâu lắng. 
	Bài thơ Quê hương viết năm 1939, khi Tế Hanh tròn 18 tuổi đang học ở Huế. Xa quê, xa nhà, nhớ nhà, bằng một xúc cảm thuần khiết trong trẻo, ông đã viết bài thơ này như một kỉ niệm dâng tặng quê hương. Bài thơ có thể coi là một “mảnh hồn trong trẻo” nhất mà Tế Hanh có được trước cách mạng tháng Tám.
	2. Đọc văn bản
	GV: Đọc to, rõ ràng, nhấn giọng ở những từ ngữ miêu tả thể hiện được tình cảm của tác giả với quê hương ở những cung bậc khác nhau.
	GV: Đọc mẫu, gọi HS đọc, GV nhận xét, uốn nắn.
	?TB: Bài thơ viết theo thể thơ nào? 
	HS: Bài thơ viết theo thể thơ tám chữ.
GV: Đây là thể thơ mới xuất hiện trong Thơ mới có hình thức tự do, độ dài ngắn không hạn định có thể liền mạch hoặc nhiều khổ, số câu, số khổ trong bài thơ không bắt buộc; gieo vần liền và vần ôm với sự hoán vị bằng trắc đều đặn (2 câu vần bằng đến 2 câu vần trắc). Vì vậy, bài thơ tám chữ tuy khá tự do nhưng vần điệu vẫn nhịp nhàng, đều đặn, mở ra khả năng diễn tả phong phú.
?TB: Bài thơ chia làm mấy đoạn? Nội dung của mỗi đoạn?
HS: Bài thơ chia 4 đoạn. Hai câu đầu: tác giả giới thiệu chung về làng quê mình. Sáu câu tiếp: tả cảnh thuyền chài ra khơi đánh cá. Tám câu tiếp: cảnh thuyền đánh cá trở về bến. Bốn câu cuối: nỗi nhớ quê hương khôn nguôi của tác giả.
II. PHÂN TÍCH (25’)
	GV: Gọi HS đọc hai câu thơ đầu.
- Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
	?KH: Qua hai câu thơ, em thấy tác giả giới thiệu về làng quê mình như thế nào?
	HS: Hai câu thơ mở đầu rất bình dị, tự nhiên, tác giả giới thiệu chung về làng quê mình: nghề nghiệp của làng là nghề chài lưới; về mặt địa lí, đó là một làng ven biển được bao bọc bởi con sông chảy ra biển. Cách giới thiệu đó không có gì đặc biệt nhưng vẫn gây được sự chú ý của người đọc bởi lời thơ tự sự mộc mạc và cả cách tính độ dài không gian độc đáo của người đi biển
	GV: Gọi HS đọc 6 câu thơ tiếp. Yêu cầu học sinh nêu nội dung khổ thơ.
	1. Cảnh dân chài bơi thuyền ra khơi đánh cá (9’)
	?TB: Cảnh dân làng bơi thuyền ra khơi đánh bắt cá được tác giả miêu tả qua những từ ngữ hình ảnh nào?
- Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió
	?KH: Cách sử dụng từ ngữ, cách xây dựng các hình ảnh thơ có gì đặc sắc?
	HS: Tác giả sử dụng một loạt những tính từ giàu sức gợi tả, một loạt những hình ảnh tươi tắn trẻ trung: gió nhẹ, sớm mai hồng, dân trai tráng cùng nhiều động từ mạnh (hăng, phăng, vượt) và hình ảnh so sánh vừa độc đáo vừa mang ý tượng trưng kết hợp với giọng điệu thơ bay bổng đã khắc họa thành công bức tranh sinh hoạt của làng chài.
	?KG: Cách miêu tả đó cho thấy cảnh dân làng ra khơi như thế nào?
	HS: Dân làng ra khơi trong một khung cảnh thiên nhiêu tươi đẹp. Thời gian là buổi sớm mai, không gian nhuốm ánh nắng hồng, trời trong xanh, gió nhẹ, những chàng trai khỏe mạnh, vạm vỡ điều khiển con thuyền, thuyền lướt nhẹ trên sông với vẻ đẹp mạnh mẽ (chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã- phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang) trong tư thế chinh phục sông dài, biển rộng. Bốn câu thơ vừa là phong cảnh thiên nhiên tươi sang, vừa là bức tranh lao động đầy hứng khởi và dào dạt sức sống.
	Ghi: Phong cảnh thiên nhiên tươi sáng, bức tranh lao động đầy hứng khởi và dạt dào sức sống.
	?KG: Hình ảnh so sánh “Cánh buồm giương to hồn làng” gợi cho em những cảm nhận gì?
	HS: Hình ảnh thật đẹp trong cái vẻ cường tráng, khoáng đạt của nó. Cánh buồm như một sinh thể biết cử động và hơn thế nữa nó mang theo một mảnh hồn quê hương ra khơi. Cánh buồm là một vật thể hữu hình được ví với “mảnh hồn làng” là cái vô hình trừu tượng đã làm cho cái đặc điểm tinh thần riêng của làng chài được hình tượng hóa. Cách miêu tả tinh tế và đặc sắc đó đã làm cho câu thơ trở nên đẹp sâu sắc và bất ngờ. Nhà thơ đã biến cái vô hình thành cái hữu hình. Cánh buồm trắng căng gió ra khơi đã trở thành biểu tượng đẹp và rất thích hợp của làng chài quê hương.
	GV: Hình ảnh cánh buồm trắng căng gió biển khơi quen thuộc bỗng trở nên lớn lao, thiêng liêng và rất thơ mộng. Nhà thơ vừa vẽ ra chính xác cái hình, vừa cảm nhận được cái hồn của sự vật.
	GV: Gọi HS đọc 8 câu thơ tiếp, yêu cầu HS nêu nội dung khổ thơ.
	2. Cảnh thuyền cá về bến (9’)
	?TB: Cảnh thuyền cá về bến được khắc họa bằng những câu thơ nào?
- Ngày hôm sau ồn ào trên bến đõ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
“Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe”
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.
	?KH: Ở những dòng thơ này, cách miêu tả của tác giả có gì khác đoạn thơ trên?
	HS: Tác giả không tả một con người cụ thể mà gợi không khí cả làng. Ở đây chỉ có những âm thanh “ồn ào”, trạng thái “tấp nập”. Câu thơ “Nhờ ơn trời” như một tiếng reo vui, tiếng thở phào nhẹ nhõm, một lời cảm tạ trời đất đã phù hộ cho người dân chài được bình an vô sự trở về với kết quả lao động xứng đáng “cá đầy ghe”.
	GV: Phải đặt những câu thơ trên vào bối cảnh nhọc nhằn đầy hiểm nguy của việc ra khơi những năm trước cách mạng, khi trình độ và phương tiện còn thấp kém, còn phụ thuộc rất nhiều vào may rủi mới thấy lời cầu nguyện trong thơ không phải là vô nghĩa. Vì vậy, con thuyền trở về là niềm vui đầy ắp trong khoang. Những con cá bắt được bằng mồ hôi nước mắt đôi khi phải đánh đổi bằng cả tính mạng con người được nhìn bằng ánh mắt thân thương, trìu mến: “Những con cá tươi ngon thân bạc trắng”.
	?TB: Trong không khí đầy ắp niềm vui ấy, người dân chài hiện ra như thế nào?
- Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;
	?KG: Em cảm nhận những hình ảnh đó ra sao?
	HS: Tác giả tả người dân chài bằng hai câu thơ độc đáo. Câu đầu là tả thực, câu sau là sáng tạo độc đáo, gợi cảm, rất thú vị. Hình ảnh người dân chài được miêu tả vừa chân thực vừa lãng mạn và trở nên có tầm vóc phi thường. Câu thơ thể hiện cách cảm nhận tài hoa, khỏe khoắn của tác giả.
	GV: Nếu ở đầu bài thơ những người dân chài được nhắc đến trong cái tên gọi chung nhất “Dân trai tráng” thì ở khổ thơ này họ được miêu tả một cách chi tiết và cụ thể. Họ hiện ra trong dáng vẻ vạm vỡ, từng trải, nhuộm nắng, nhuộm gió, nhuộm cả cái vị mặn mòi của biển cả. Tất cả như hòa quyện, in dấu trên làn da của họ. Họ như những sinh thể được tách ra từ cuộc sống đại dương, họ là những đứa con của biển cả. Những người dân chài thì vậy, còn những con thuyền thì sao?
- Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.
	?KG: Hình ảnh những con thuyền sau chuyến ra khơi trở về được khắc họa có gì độc đáo?
	HS: Hai câu thơ dùng nghệ thuật nhân hóa, từ ngữ gợi tả. Cụm từ “im bến mỏi” rất gợi cảm. Câu thơ chỉ ra được trạng thái thư giãn hài lòng về chuyến ra khơi vừa qua cho nên con thuyền mới “nghe” mới cảm thấy vị muối của biển như đang lan tỏa trong cơ thể mình. Đó cũng chính là hình ảnh người dân chài ở khía cạnh vất vả, phong sương.
	GV: Hai câu thơ thể hiện sáng tạo nghệ thuật độc đáo của tác giả, tác giả không chỉ thấy con thuyền đang nằm im trên bền mà còn thấy sự mệt mỏi say sưa của con thuyền. Con thuyền vô tri đã trở nên có hồn, một tâm hồn rất tinh tế. Cũng như người dân chài, con thuyền lao động ấy cũng thấm đậm vị muối mặn của biển khơi. Không có một tâm hồn tinh tế, tài hoa và nhất là nếu không có tấm lòng gắn bó sâu nặng với con người cùng cuộc sống lao động làng chài quê hương thì không thể có những câu thơ xuất thần như vậy.
	?TB: Cảm nhận của em về cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về?
	Ghi: Cảnh tấp nập, rộn ràng tràn ngập niềm vui sướng mãn nguyện.
	3. Tình cảm của tác giả với làng chài quê hương (7’)
	?TB: Hãy tìm những câu thơ nói lên tình cảm của tác giả với làng quê của mình?
- Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ song chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!
	?KG: Cách thể hiện tình cảm của nhà thơ có gì đặc sắc?
	HS: Biểu hiện tình cảm trực tiếp, liệt kê các hình ảnh sự vật cụ thể, kết hợp giữa kể, tả và biểu cảm.
	?G: Hãy phân tích để làm rõ tình cảm của tác giả dành cho quê hương trong khổ thơ cuối này?
	HS: Bốn câu thơ kết, nhà thơ trực tiếp nói về nỗi nhớ làng quê khôn nguôi của mình. Nỗi nhớ chân thành, tha thiết nên lời thơ thật giản dị, như thốt ra từ trái tìm: Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá! Cậu học sinh Tế Hanh, đưa con hiếu thảo của quê hương đang phải đi học xa quê đó cứ “luôn tưởng nhớ”, nhớ tới cồn cào cái mùi “nồng mặn” đặc trưng của quê hương. Với Tế Hanh, cái hương vị lao động làng chài đó chính là cái hương vị riêng đầy quyến rũ của quê hương. Nhà thơ đã cảm nhận được chất thơ trong đời sống lao động hằng ngày của người dân, đó là một điều đáng quý. Vì vậy hình ảnh quê hương trong bài thơ không hề buồn bã, hiu hắt như nhiều bài thơ mới cùng đề tài này, mà thật tươi sáng, khỏe khoắn, mang hơi thở của lao động, của sự sống.
	Ghi: Nỗi nhớ quê hương chân thành, tự nhiên mà da diết khôn nguôi.
	III. TỔNG KẾT – GHI NHỚ (4’)
	?KH: Đánh giá chung về nghệ thuật và nội dung của bài thơ?
	Ghi:- Bài thơ tám tiếng với những vần thơ bình dị, gợi cảm có nhiều hình ảnh sáng tạo thú vị, lãng mạn, bay bổng giàu sức truyền cảm.
	- Bài thơ vẽ nên một bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng chài ven biển và cho thấy tình cảm quê hương trong sáng, tha thiết của nhà thơ.
	GV: Gọi HS đọc ghi nhớ SGK. T. 18.
c) Củng cố, luyện tập (2’):
	GV: Cho HS đọc diễn cảm bài thơ. GV nhận xét, uốn nắn.
d) Hướng dẫn học sinh tự học ở nhà (1’):
	- Học thuộc lòng bài thơ và ghi nhớ.
	- Làm bài tập 1, 2 phần luyện tập SGK. T. 18.
	- Tiết tới soạn Khi con tu hú. Yêu cầu:
	+ Đọc kĩ bài thơ, đọc kĩ chú thích *, chú thích từ khó, các câu hỏi trong phần đọc – hiểu văn bản.
	+ Trả lời các câu hỏi đọc – hiểu văn bản vào vở soạn.	

Tài liệu đính kèm:

  • docTiet 77 bai 21.doc