Giáo án hội giảng Ngữ văn 8 tiết 78: Văn bản Khi con tu hú -Tố Hữu

Giáo án hội giảng Ngữ văn 8 tiết 78: Văn bản Khi con tu hú -Tố Hữu

NGỮ VĂN 8

 TIẾT 78. VĂN BẢN

KHI CON TU HÚ

 -Tố Hữu-

A. MỤC TIÊU CẦN ĐẠT

 Giúp HS cảm nhận được lòng yêu sự sống, niềm khao khát tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi đang bị giam cầm trong tù ngục được thể hiện bằng những hình ảnh gợi cảm và thể thơ lục bát giản dị mà tha thiết.

B. CHUẨN BỊ

 GV: - Nghiên cứu tài liệu, soạn giáo án chi tiết,

 - Chọn một bức chân dung Tố Hữu, Tuyển tập thơ Tố Hữu.

 HS: Chuẩn bị bài theo hướng dẫn.

C. TIẾN TRÌNH CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY - HỌC TRÊN LỚP

 Giới thiệu bài:

 Người xưa có câu: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Có nghĩa là: một ngày trong tù bằng nghìn thu ở ngoài. Trong tù - bên ngoài quả thật là sự khác biệt rất lớn về không gian, về tâm trạng. Đó cũng chính là những không gian, những tâm trạng trong bài thơ "Khi con tú hú" của nhà thơ, của người tù cách mạng Tố Hữu.

 

doc 9 trang Người đăng haiha30 Lượt xem 747Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án hội giảng Ngữ văn 8 tiết 78: Văn bản Khi con tu hú -Tố Hữu", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Ngữ văn 8
	Tiết 78. Văn bản 
Khi con tu hú
	-Tố Hữu-
A. Mục tiêu cần đạt
	Giúp HS cảm nhận được lòng yêu sự sống, niềm khao khát tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi đang bị giam cầm trong tù ngục được thể hiện bằng những hình ảnh gợi cảm và thể thơ lục bát giản dị mà tha thiết.
B. Chuẩn bị
	GV: 	- Nghiên cứu tài liệu, soạn giáo án chi tiết,
	- Chọn một bức chân dung Tố Hữu, Tuyển tập thơ Tố Hữu...
	HS: 	Chuẩn bị bài theo hướng dẫn.
C. Tiến trình các hoạt động dạy - học trên lớp
	Giới thiệu bài: 
	Người xưa có câu: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Có nghĩa là: một ngày trong tù bằng nghìn thu ở ngoài. Trong tù - bên ngoài quả thật là sự khác biệt rất lớn về không gian, về tâm trạng. Đó cũng chính là những không gian, những tâm trạng trong bài thơ "Khi con tú hú" của nhà thơ, của người tù cách mạng Tố Hữu.
Hoạt động của GV và HS
Nội dung
I. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
 1.1. Hoạt động 1: GV sử dụng bài giảng điện tử:
1. Tác giả 
(1920- 2002)
- Tố Hữu (1920-2002) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê gốc: Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Ông là nhà cách mạng, nhà thơ lớn của dân tộc.
- Ông được coi là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng và thơ ca kháng chiến. Con đường thơ của Tố Hữu theo sát những biến cố lịch sử của dân tộc Việt Nam thế kỉ XX. Các tác phẩm chính: Từ ấy (1937-1946); Việt Bắc (1946-1954); Gió lộng (1955-1961); Ra trận (1962-1971); Máu và hoa (1972-1977); Một tiếng đờn (1979-1992) ...
 Tố Hữu đã được nhận nhiều giải thưởng cao quý:
+ Giải nhất Giải thưởng văn học Hội nhà văn Việt Nam (1954-1955) với tập thơ Việt Bắc.
+ Giải thưởng văn học ASEAN (1996).
+ Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).
1.2. Hoạt động 2: GV diễn giảng bổ sung:
- Tố Hữu sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo. Bà mẹ giàu tình thương, hiền từ nhưng không may mất sớm để lại cho nhà thơ nhiều kỉ niệm sâu sắc. Người cha yêu thích thơ văn đã giúp cho Tố Hữu, ngay từ nhỏ, thuộc nhiều thơ và đã biết làm thơ Đường luật. 
 Nhà thơ lớn lên ở quê hương xứ Huế mộng mơ, với sông Hương, núi Ngự, với những điệu hò mái nhì, mái đẩy... nên “Huế thơ, Huế nghĩa, Huế tình” đã trở đi, trở lại trong thơ ông trong trẻo như ca dao, mượt mà như câu hát dân ca...
- Thơ Tố Hữu luôn luôn theo sát những chặng đường lịch sử của Cách mạng Việt Nam.
 “Từ ấy"(1937-1946) là tập thơ đầu tay của người thanh niên yêu nước say sưa với lí tưởng Đảng :
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim 
 Tập thơ có ba phần: Máu lửa- Xiềng xích- Giải phóng. Bài thơ Khi con tu hú chúng ta học hôm nay thuộc phần Xiềng xích, phần thứ hai của tập thơ.
 “Việt Bắc" là bản hợp xướng của nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp (1946-1954) mà kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu".
 “Gió lộng" (1955-1961) là khúc ca vui ngợi ca công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, là tiếng thét căm thù, tiếng thét đấu tranh đối với bọn cướp nước và bán nước ở miền Nam.
 “Ra trận" (1962-1971) là bài ca đánh Mĩ, là bài ca thắng Mĩ.
 “Máu và hoa" (1972-1977) có cả sự mất mát, hi sinh và vinh quang chiến thắng.
 “Một tiếng đờn" (1979-1992) là khúc hát khải hoàn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
 Với những cống hiến to lớn ấy, Tố Hữu đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng cao quý:
+ Giải nhất Giải thưởng văn học Hội nhà văn Việt Nam (1954-1955) với tập thơ Việt Bắc.
+ Giải thưởng văn học ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (1996).
+ Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).
Có thể khẳng định rằng: Tố Hữu là người mở đầu, người dẫn đầu nền thơ ca cánh mạng, thơ ca hiện đại Việt Nam.
1.3. Hoạt động 3:
- GV ?: Tóm lại, về tác giả Tố Hữu, chúng ta cần ghi nhớ những điểm nào?
 - HS: Ông là nhà cách mạng, là nhà thơ lớn của dân tộc.
 - GV khái quát ghi bảng:
Là nhà cách mạng, nhà thơ lớn của dân tộc
2, Tác phẩm
2.1. Hoạt động1:
 - GV ?: Theo dõi tiếp phần chú thích và em hãy cho biết bài thơ Khi con tu hú được sáng tác trong hoàn cảnh đặc biệt nào?
- HS: Bài thơ được sáng tác trong nhà lao Thừa Phủ (7-1939) khi tác giả mới bị bắt giam vào đây.
Sáng tác trong nhà lao Thừa Phủ (tháng 7.1939)
2.2. Hoạt động 2:
GVdiễn giảng bổ sung: 
 Bài thơ được viết khi ông mới vào tù được 3 tháng, và tuổi đời mới 19. Trước đó, ở lứa tuổi 18, Tố Hữu đang say sưa lý tưởng của Đảng bỗng bị giam cầm trong nhà lao tăm tối. Và âm thanh là sợi dây duy nhất kết nối người tù với thế giới bên ngoài. Bởi vậy, trong bài “Tâm tư trong tù” Tố Hữu viết :
 Cô đơn thay là cảnh thân tù !
 Tai mở rộng mà lòng sôi rạo rực
 Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
 ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu !
 Bài Khi con tu hú viết sau đó ít lâu trong cùng cảnh ngộ cũng cùng một cảm xúc, một tâm trạng.
II. Tìm hiểu chung
II.1. Hoạt động 1:
 1. Đọc
- GV ?: Các em đã được chuẩn bị bài ở nhà. Theo em, bài thơ này nên đọc như thế nào ?
- HS: Đoạn 1 đọc chậm vừa với giọng tươi vui, tha thiết, ngắt nhịp 2/2/2 ở câu lục và 4/4 ở câu bát. 
 Đoạn 2 cần đọc nhanh hơn với giọng uất ức nghẹn ngào, ngắt nhịp 6/2 ở câu thứ 8 và nhịp 3/3 ở câu thứ 9.
- GV : + Cho HS đọc
 + HS nhận xét cách đọc của bạn và đọc lại. 
2. Giải nghĩa từ
II.2. Hoạt động 2:
- GV ?: Trong bài thơ, tác giả có nhắc đến loài chim tu hú. Em hiểu gì về loài chim này ?
- HS: Trả lời theo chú thích.
- GV bổ sung: "Tu hú" là từ tượng thanh. Nó gợi lên tiếng kêu của loài chim này. Đây là cách lấy đặc điểm của sự vật để gọi tên sự vật đó.
- GV ?: Trong câu thơ Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào có một từ địa phương. Theo em đó là từ nào? Cho biết nghĩa của từ ấy ?
- HS: "Bắp" là từ địa phương, có nghĩa là "ngô".
-GV bổ sung: từ địa phương này được dùng rộng rãi ở Trung bộ và cả Nam bộ.
3. Thể thơ
II.3. Hoạt động 3:
- GV ?: Bài thơ được viết theo thể thơ nào ? 
Lục bát
- HS: Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát.
- GV ?: Bằng hiểu biết của mình, em hãy thuyết minh ngắn gọn về thể thơ ấy ?
- HS : Trình bày về số tiếng, cách gieo vần và nhịp thơ...
II.4. Hoạt động 4:
- GV ?: Bài thơ có nhan đề là Khi con tu hú. Theo em nên hiểu nhan đề ấy như thế nào trong 3 cách hiểu sau đây
(GV sử dụng bài tập trắc nghiệm để HS lựa chọn)
4. Bố cục:
- GV ?: Vậy mạch cảm xúc của bài thơ này là gì? Mạch cảm xúc ấy được triển khai thành các khúc đoạn cảm xúc như thế nào ? Hãy chỉ ra kết cấu của bài thơ ?
- HS: 6 câu đầu: Tái hiện cảnh mùa hè.
 4 câu cuối: Bộc lộ tâm trạng của người tù.
- GV kết luận: Bài thơ có hai đoạn.
5. Phương thức biểu đạt
II.5. Hoạt động 5:
- GV ?: Căn cứ vào mạch cảm xúc ấy, em hãy chỉ ra phương thức biểu đạt trong từng đoạn thơ và cả bài thơ ?
- HS : Đoạn 1: Phương thức biểu đạt chính là miêu tả,
 Đoạn 2: Phương thức biểu đạt chính là biểu cảm.
- GV bổ sung: Bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu là bài thơ trữ tình. Cho nên phương thức biểu đạt chính của toàn bài là biểu cảm (ở đoạn 1, tác giả miêu tả để bộc lộ cảm xúc cũng chính là biểu cảm thông qua miêu tả).
- GV ?: Đây là một bài thơ trữ tình. Theo em, nhân vật trữ tình ở đây là ai?
- HS: Nhân vật trữ tình chính là tác giả, người tù cách mạng- nhân vật xưng “ta”.
III. Tìm hiểu chi tiết
1.1. Hoạt động 1:
1.Cảnh trời đất vào hè trong tâm tưởng người tù cách mạng:
- GV ?: Em hãy đọc lại 6 câu thơ đầu và cho biết khúc ca vào hè, bản nhạc vào hè được gợi tả từ những âm thanh nào?
- HS: Bức tranh vào hè được mở đầu bằng âm thanh của tiếng chim tu hú gọi bầy, tiếng ve ngân, tiếng sáo diều.
1.2. Hoạt động 2:
- GV sử dụng bài giảng điện tử:
+ Tiếng tu hú gọi bầy
+ Tiếng ve ngân
+ Tiếng sáo diều
3. Hoạt động 3.
 -GV Diễn giảng: Đứng trước vẻ đẹp của thiên nhiên, nếu người hoạ sĩ dùng màu sắc, hình khối, đường nét...; người nhạc sĩ dùng âm thanh, cung bậc... để diễn tả cảm xúc của mình thì thi sĩ- nhà thơ lại dùng một chất liệu đặc biệt là ngôn ngữ để tái tạo, tái hiện vẻ đẹp ấy.
 + ?: Trong đoạn thơ này, cùng với những âm thanh rộn rã, tươi vui, bức tranh vào hè còn được khơi gợi trong tâm tưởng người tù cách mạng bằng những màu sắc và hương vị như thế nào?
- GV sử dụng bài giảng điện tử
 + Màu sắc: Màu vàng của lúa, của bắp; màu hồng của nắng, màu xanh của trời... 
 + Hương vị:Lúa chín, trái cây ngọt...
GV?: Em có nhận xét gì về âm thanh, màu sắc, hương vị của bức tranh vào hè?
- âm thanh rộn rã...màu sắc rực rỡ...hương vị ngọt ngào...
- GV ?: Bức tranh mùa hè không tĩnh lặng mà ta như còn nghe được sự vận động của sự vật, của sự sống trong câu thơ: Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần. Hãy trình bày cảm nhận của em về cái hay, cái đẹp của câu thơ trên?
- HS: Cái hay, cái đẹp của câu thơ trên là ở cách dùng từ của tác giả. Từ đang, từ dần gợi ra được sự vận động của sự vật, của thời gian.
- GV bổ sung: Với từ đang và từ dần, câu thơ "Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần" đã diễn tả được sự vận động của sự vật, một sự vận động, một sự chuyển hoá tiến dần đến sự hoàn thiện, hoàn mĩ.
 - GV?: Bức tranh vào hè rộn rã âm thanh, rực rỡ sắc màu, ngọt ngào hương vị tưởng chừng như đang thu dần lại thì bỗng được mở ra bằng một không gian rộng lớn hơn: 
 Trời xanh càng rộng càng cao
 Đôi con diều sáo lộn nhào từng không...
Theo em, tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào trong hai câu thơ ấy ?
- HS: + Điệp từ càng (cặp từ hô ứng trong câu ghép) như mở ra một không gian cao hơn, rộng hơn, xanh hơn.
 + Đôi con diều sáo bay lượn gợi một không gian bao la, tự do, yên bình.
 + Dấu ba chấm như muốn nói rằng còn nhiều sự vật chưa kể hết và đó là một không gian dài, rộng đến vô cùng vô tận, không có điểm dừng.
1.4. Hoạt động 4:
- GV?: Từ hiểu biết trên, hãy trình bày suy nghĩ, cảm nhận của em về bức tranh vào hè trong tâm tưởng người tù cách mạng ?
- HS: Bức tranh vào hè rất đẹp vì có âm thanh sống động, màu sắc tươi sáng, hương vị ngọt ngào, không gian khoáng đạt, tự do.
 1.5. Hoạt động 5:
- GV ?: Từ khung cảnh vào hè đặc biệt này, em có nhận xét gì về nét đẹp tâm hồn và tình cảm của nhà thơ ?
- HS: Nhà thơ có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu cuộc sống.
- GV bổ sung:
 Với sáu câu thơ, Tố Hữu đã tái hiện sinh động một bức tranh vào hè đầy sức sống. Tiếng chim tu hú không chỉ gọi bầy mà còn gọi cả mùa màng, gọi cả thế giới sự vật chuyển động trong từng nhành cây thớ vỏ. Một thế giới sự vật hô ứng không ngừng. Bức tranh tâm tưởng thể hiện sức cảm nhận mãnh liệt, tinh tế của một tâm hồn trẻ trung, yêu đời nhưng đang mất tự do nên khao khát tự do đến cháy ruột, cháy lòng...
- GV khái quát ghi bảng:
 Không gian khoáng đạt, tự do.
2.1. Hoạt động 1:
2. Tâm trạng người tù cách mạng
- GV diễn giảng: Trong thơ sự thay đổi nhịp điệu, thay đổi giọng điệu, ngôn ngữ là dấu hiệu của sự thay đổi cảm xúc, tâm trạng. Nói đúng hơn cảm xúc, tâm trạng của tác giả là yếu tố quyết định dẫn đến việc thay đổi nhịp điệu, giọng điệu ngôn ngữ. Các em hãy đọc lại 4 câu thơ cuối bài và cùng cảm nhận về điều đó.
- HS đọc lại 4 câu thơ cuối.
- GV ?: ở đoạn thơ thứ hai cách bộc lộ cảm xúc của tác giả có gì khác so với đoạn thơ thứ nhất?
- HS: ở đoạn 1, tác giả gián tiếp bộc lộ cảm xúc thông qua cảnh vào hè còn ở đoạn 2, tác giả trực tiếp bộc lộ cảm xúc của mình...
- GV bổ sung: Nếu như ở đoạn 1, cảm xúc của nhân vật trữ tình được gửi vào cảnh vật thì ở đoạn 2, nhân vật trữ tình trực tiếp bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình bằng việc sử dụng đại từ "ta": "Ta nghe hè dậy bên lòng".
- GV ?: Theo em, nhịp thơ, giọng điệu thơ, ngôn ngữ thơ ở đây có gì đặc biệt ?
HS: + Nhịp thơ bị thay đổi đột ngột (nhịp 6/2 trong câu thứ 8; nhịp 3/3 ở câu thứ 9),
 + Giọng điệu nghẹn ngào, uất ức,
 + Dùng nhiều động từ mạnh: dậy, đạp, ngột, uất
 + Dùng nhiều từ cảm thán, câu cảm thán: ôi !... làm sao,... thôi!
2.2. Hoạt động 2:
- GV ?: Em cảm nhận được điều gì khi tác giả viết: Ta nghe hè dậy bên lòng ?
- HS: Với câu thơ ấy mùa hè không còn ở ngoài trời mà nó đã vào trong nhà giam và dậy lên ngay bên lòng tác giả...
2.3. Hoạt động 3:
- GV?: Vì sao tác giả lại muốn đạp tan phòng giam khi nghe hè dậy bên lòng ?
- HS: + Vì tâm trạng u uất trong nhà giam chật chội, thiếu sinh khí (ngột làm sao, chết uất thôi)
 + Vì thiết tha yêu cuộc sống...,
 + Vì khao khát tự do, muốn được tiếp tục hoạt động cách mạng...
2.4. Hoạt động 4:
GV sử dụng giáo án điện tử: 
- GV?: Mở đầu và kết thúc bài thơ đều xuất hiện tiếng chim tu hú, hay nói một cách khác: xuyên suốt bài thơ là âm thanh của tiếng chim tu hú. Nhưng tâm trạng của người tù khi nghe tiếng tu hú thể hiện ở đoạn thơ đầu và đoạn cuối rất khác nhau, vì sao?
- HS: + ở câu thơ đầu, tâm trạng người tù khi nghe tiếng tu hú kêu là tâm trạng hoà hợp với sự sống mùa hè, biểu hiện niềm say mê cuộc sống.
 + ở câu thơ cuối, tiếng tu hú gợi cảm xúc u uất, khắc khoải, nôn nóng - tâm trạng của người bị mất tự do, bị tách rời cuộc sống.
 + Vì hai tâm trạng được khơi dậy từ hai không gian hoàn toàn khác nhau: không gian tự do và không gian mất tự do.
2.5. Hoạt động 5:
- GV? Qua câu kết Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu, em cảm nhận được điều gì về âm thanh của tiếng chim tu hú?
- HS: Đó là một âm thanh khắc khoải (đã kêu, đang kêu, vẫn còn kêu) như giục giã, thiêu đốt...
2.6. Hoạt động 6:
- GV ?: Em hãy trình bày suy nghĩ cảm nhận của mình về tâm trạng của người tù cách mạng qua bốn câu thơ cuối bài?
HS: Đó là tâm trạng đau khổ, uất ức, ngột ngạt; cháy lên khát vọng về một cuộc sống tự do...
GV: Đó là tâm trạng đau khổ, uất ức, ngột ngạt của người tù cách mạng. Tâm trạng ấy như truyền đến độc giả cái cảm giác ngột ngạt cao độ, niềm khát khao cháy bỏng muốn đạp tan phòng giam, phá tan xiềng xích thoát khỏi cảnh ngục tù, trở về với cuộc sống tự do để tiếp tục hoạt động cách mạng.
 Ngột ngạt, uất ức đến tột cùng; khát khao tự do đến cháy bỏng.
2.7. Hoạt động 7: 
GV sử dụng bài giảng điện tử:
Nếu như có các cách diễn đạt sau đây, em đồng ý với cách diễn đạt nào ? Vì sao ? (GV chiếu)
Cách 1: Từ "ta" trong "Ta nghe hè dậy bên lòng ..." đã diễn tả được tâm trạng của tác giả khi bị giam cầm trong nhà ngục của bọn thực dân. 
Cách 2: Từ "ta" trong "Ta nghe hè dậy bên lòng ..." đã diễn tả được tâm trạng của các chiến sĩ cách mạng khi bị giam cầm trong nhà ngục của bọn thực dân.
Cách 3: Từ "ta" trong "Ta nghe hè dậy bên lòng ..." không chỉ diễn tả được tâm trạng của tác giả mà như còn diễn tả được tâm trạng của các chiến sĩ cách mạng khi bị giam cầm trong nhà ngục của bọn thực dân.
IV. Tổng kết:
IV.1. Hoạt động 1: 
- GV sử dụng bài giảng điện tử:
Câu hỏi 1: hãy chỉ ra nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ ?
- Thể thơ lục bát giản dị, tha thiết.
- Hình ảnh âm thanh chọn lọc, gần gũi gợi cảm
- Sức tưởng tượng mạnh mẽ, cảm xúc mãnh liệt, chân thành.
Giọng điệu thay đổi tự nhiên (khi tươi vui, hào hứng, khi u uất dằn vặt).
- Tạo sự đối lập tương phản giữa hai không gian bên: ngoài nhà tù và bên trong nhà tù.
Câu hỏi 2: Qua bài thơ này, em cảm nhận được nét đẹp nào trong tâm hồn, tình cảm của nhà thơ - người tù cách mạng trong cảnh tù đày?
- Lòng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thiết tha,
- Niềm khao khát tự do cháy bỏng.
 IV.2. Hoạt động 2:
GV bổ sung: Với thể thơ lục bát mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt. Bài thơ liền mạch, giọng điệu tự nhiên, cảm xúc nhất quán, khi tươi sáng khoáng đạt, khi dằn vặt u uất, rất phù hợp với cảm xúc thơ. cùng với sức tưởng tượng mạnh mẽ và nghệ thuật tạo sự đối lập tương phản giữa hai không gian bên ngoài nhà tù và bên trong nhà tù. Bài thơ thể hiện tiếng lòng tha thiết với thiên nhiên, cuộc sống, niềm khao khát tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng trong cảnh tù đày.
* Ghi nhớ: (sgk)
 Với câu thơ kết "Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu.", tiếng chim tu hú không còn là tiếng gọi bầy hiền lành mà đã trở thành tiếng kêu thấm đẫm tâm trạng. Nó kêu ở ngoài trời. Nó kêu ở nơi tự do. Nó kêu trong lòng người. Nó khắc khoải, giục giã, thiêu đốt... Tiếng gọi tự do ấy ấm áp làm sao, mà cũng nóng bỏng làm sao. Nó đang cháy lên một nỗi niềm khao khát. Từ tiếng gọi mùa đến tiếng gọi thúc giục con người hành động, bài thơ vận hành theo hướng đi từ bóng tối tù ngục đến ánh sáng của tự do.
 Với một kết thúc mở, lời thơ khép lại, một thế giới tâm trạng mở ra và dư âm của nó là tiếng chim tu hú. Thế giới ấy là cả một miền thơ trong lòng mỗi người đọc thơ, mỗi người yêu thơ. Giờ học hôm nay xin tạm dừng ở đây!

Tài liệu đính kèm:

  • docKhi con tu hu 14.1.07.doc