Đề tài: Tình quê thiết tha trong bài thơ “quê hương” của Tế Hanh

Đề tài: Tình quê thiết tha trong bài thơ “quê hương” của Tế Hanh

A. TÊN ĐỀ TÀI:

TÌNH QUÊ THIẾT THA TRONG BÀI THƠ “QUÊ HƯƠNG” CỦA TẾ HANH

B. DÀN Ý BÀI THUYẾT TRÌNH:

I/ Đặt vấn đề:

- Giới thiệu chung về bài thơ “Quê hương”.

- Nêu đôi nét về tác giả Tế Hanh và khái quát nội dung bài thơ: Lời kể về quê hương làng biển và nỗi nhớ khôn nguôi của tác giả.

- Trích bài thơ.

II/ Giải quyết vấn đề:

1/ Luận điểm 1: Tình quê thiết tha qua lời kể về quê hương làng biển.

2/ Luận điểm 2: Nỗi lòng của tác giả không nguôi nhớ về quê hương.

III/ Kết thúc vấn đề:

- Nêu cảm nhận chung về bài thơ.

- Suy nghĩ, tình cảm của cá nhân đối với tác giả và nhận thức từ bài thơ.

 

doc 6 trang Người đăng haiha30 Lượt xem 938Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài: Tình quê thiết tha trong bài thơ “quê hương” của Tế Hanh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TÊN ĐỀ TÀI: 
TÌNH QUÊ THIẾT THA TRONG BÀI THƠ “QUÊ HƯƠNG” CỦA TẾ HANH
DÀN Ý BÀI THUYẾT TRÌNH:
I/ Đặt vấn đề:
- Giới thiệu chung về bài thơ “Quê hương”.
- Nêu đôi nét về tác giả Tế Hanh và khái quát nội dung bài thơ: Lời kể về quê hương làng biển và nỗi nhớ khôn nguôi của tác giả.
- Trích bài thơ.
II/ Giải quyết vấn đề:
1/ Luận điểm 1: Tình quê thiết tha qua lời kể về quê hương làng biển.
2/ Luận điểm 2: Nỗi lòng của tác giả không nguôi nhớ về quê hương. 
III/ Kết thúc vấn đề:
- Nêu cảm nhận chung về bài thơ. 
- Suy nghĩ, tình cảm của cá nhân đối với tác giả và nhận thức từ bài thơ.
Trong mỗi đời người, hẳn có những kỷ niệm đẹp chẳng dễ phôi pha, nhất là những kỷ niệm về quê hương với tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng. Được nâng niu, gìn giữ, những kỷ niệm sâu sắc ấy sẽ mãi như một nguồn sáng trong tâm hồn trong trẻo, thiêng liêng và thức dậy dư ba. Chính những kỷ niệm ấy đã làm cho bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh gieo vào lòng ta bao nỗi niềm bâng khâng, bao rung cảm nhẹ nhàng, êm ái. Đọc bài thơ này chúng ta như đang được cùng tác giả về thăm một làng chài ven biển miền Trung - nơi chất muối thấm dần quê biển.
	Nhà thơ Tế Hanh sinh ra và lớn lên ở một làng chài ven biển Quảng Ngãi. Ông viết bài thơ “Quê hương” năm ông 18 tuổi và đang học ở Huế. Bài thơ được viết trong cảm xúc nhớ nhà, nhớ quê với một tấm lòng trong trẻo, thuần khiết. Lời thơ trong sáng, hình ảnh sáng tạo, cảm xúc nồng hậu thiết tha. Tình yêu quê hương, lòng thương nhớ quê hương của đứa con xa quê được tác giả trang trải qua những vần thơ đậm đà ý vị, như những cơn sóng biển dìu dặt lúc tràn bờ:
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới.
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng.
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã.
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng.
Rướn thân trắng bao la thâu thóp gió.
Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ.
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
“Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe”
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.
Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng.
Cả thân hình nồng thở, vị xa xăm.
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm.
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ.
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi.
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi.
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá !
Bài thơ được viết theo thể thơ tám chữ hiện đại với những sáng tạo mới mẻ, phóng khoáng, lời thơ bay bổng, đầy cảm xúc. Mở đầu bài thơ, tác giả giới thiệu khái quát về quê hương làng biển của mình nhưng nội dung của nó không chỉ có ý nghĩa thuyết minh hạn hẹp mà để rồi sau đó tác giả miêu tả cuộc sống lao động vất vả, niềm hạnh phúc bình dị của người dân chài làng biển: 
“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới.
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.”
Hai chữ “làng tôi” được tác giả viết nên với một cảm xúc thương nhớ tự hào. Đó là một làng chài ven biển như một thứ cù lao, dân ở đây làm nghề đánh cá. Nhưng cái tình của Tế Hanh, cái hồn biển của Tế Hanh gửi vào câu chữ để cái làng ấy hiện ra duyên dáng, nên thơ, phảng phất cơn gió nhẹ làm sóng nước bồng bềnh. Làng ở vào thế trung tâm, nước là đường viền, còn làng là một điểm ấm sáng hiện ra như một niềm thương nhớ, chơi vơi. Hơn nữa làng không chỉ có nước bao vây mà khoảng cách biển cũng được đo bằng không gian. Không gian ấy là không gian nước, vừa quấn quyện, vừa mênh mông thơ mộng. Làng vốn là làng mà bốn mùa dập dờn trong sóng nước êm ru. Nhà thơ đã cá biệt hóa cái làng chài lưới của mình bằng những cảm nhận rất riêng ấy. Nó vừa thực vừa hiện lên như một giấc chiêm bao. Sáu câu tiếp theo, tác giả đã miêu tả cảnh dân chài bơi thuyền đi đánh cá với một vẻ đẹp dân dã, được mở đầu bằng khung cảnh nên thơ:
“Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá”
Đó là những câu thơ đẹp mở ra cảnh bầu trời cao rộng nhuốm nắng hồng bình minh. Không gian trong sáng, tinh khôi, thật là một buổi sáng đẹp trời. Làm nghề chài lưới trên biển mà được một ngày đẹp trời như thế này thực sự là một niềm vui đáng kể. Với cách dùng tính từ một cách chọn lọc: trong, nhẹ, hồng tác giả đã tạo nên một hình ảnh trong sáng. Giọng thơ nhỏ nhẹ, tâm tình nhưng lại có tiếng reo vui diễn tả được tâm trạng hào hứng, hăm hở của dân chài trong buổi ra khơi. Bên cạnh đó, mấy tiếng “dân trai tráng” gợi ra hình ảnh những tay chèo khỏe mạnh, vạm vỡ đúng như câu người dân vùng biển thường nói về dân chài lưới“Ăn sóng nói gió”. Trên khung cảnh đó nổi bật lên hình ảnh đoàn thuyền băng mình ra khơi:
“Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”
Niềm vui đi chinh phục biển và cả khí thế ra đi của bà con dân chài được thể hiện qua các hình ảnh: con thuyền, mái chèo, cánh buồm đầy ấn tượng với một loạt ẩn dụ, so sánh mới mẻ. Chiếc thuyền được so sánh như con tuấn mã – ngựa đẹp phi nhanh lướt sóng ra khơi, tạo nên một hình ảnh khỏe, trẻ trung, diễn tả khí thế hăng hái, phấn khởi lên đường. Chữ “hăng” dùng rất hay, rất thích đáng, nó kiên kết các từ ngữ “dân trai tráng” và “con tuấn mã” hợp thành một thể thống nhất, một vẻ đẹp của văn chương. Đồng thời hành động chèo thuyền của những người dân chài được tác giả miêu tả rất tinh tế: “Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”. Mái chèo như những lưỡi kiếm khổng lồ chém phăng xuống nước một cách mạnh mẽ. Một loạt động từ mạnh “hăng”, “phăng”, “vượt” được tác giả sử dụng kết hợp với hình ảnh so sánh “con tuấn mã”đã diễn tả thật ấn tượng khí thế băng tới của con thuyền ra khơi, làm toát lên một sức sống mạnh mẽ, một vẻ đẹp hùng tráng đầy hấp dẫn, gợi lên một phong cảnh thiên nhiên tươi sáng, một bức tranh lao động đầy hứng thú, phấn khởi và dạt dào sức sống.
 Trên nền trời nước mênh mang ấy, nhìn chiếc thuyền thẳng tiến ra khơi tác giả có sự liên tưởng rất đẹp, một vẻ đẹp lãng mạn với sự so sánh độc đáo bất ngờ:
	“Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
	Rướn thân trắng bao la thâu thóp gió”
Hình ảnh cánh buồm trắng căng gió biển khơi quen thuộc mỗi ngày bỗng trở nên lớn lao thiêng liêng và rất thơ mộng. “Giương” nghĩa là căng lên đón gió ra khơi. Vì thế tác giả so sánh cánh buồm to như mảnh hồn làng thật hay, thật đặc sắc. Tế Hanh như nhận ra đó chính là biểu tượng của linh hồn làng chài. Cánh buồm là một sự vật cụ thể hữu hình được ví với mảnh hồn làng là cái trừu tượng vô hình. Nhà thơ vừa vẽ ra chính xác cái hình vừa cảm nhận được cái “hồn” sự vật. Sự so sánh ở đây không làm cho việc miêu tả cụ thể hơn nhưng đã gợi ra một vẻ đẹp bay bổng mang ý nghĩa lớn lao. Có hình ảnh nào diễn tả được chính xác, giàu ý nghĩa và đẹp hơn để biểu hiện linh hồn làng chài bằng hình ảnh cánh buồm trắng giương to giữa biển khơi bao la đó? Không! Chúng ta có thể khẳng định như vậy bởi vì sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa biện pháp so sánh và ẩn dụ trong câu thơ như vậy đã gợi ra một hình ảnh thật hoàn hảo. Cánh buồm giương to là biểu tượng cho hình bóng và sức sống quê hương, nó tượng trưng cho sức mạnh lao động sáng tạo, ước mơ về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của quê nhà. Nó còn tiêu biểu cho ý chí và khát vọng đi chinh phục biển của đoàn trai tráng bơi thuyền đi đánh cá. Câu thơ “Rướn thân trắng bao la thâu góp gió” đã làm cho hình ảnh so sánh ở câu thơ trên càng ý vị. Cánh buồm đã được nhân hóa, gợi tả một cuộc đời trải qua nhiều mưa nắng, gắng sức quyết tâm lên đường. Từ hình ảnh đẹp đó chúng ta có thể cảm nhận được cảm xúc phấn chấn, tin yêu, tự hào về quê hương của tác giả. Chính cái tình với quê hương dạt dào đến mức có thể làm cho con thuyền, chiếc buồm như cất cánh bay lên. Và nhà thơ Huy Cận cũng đồng cảm xúc với Tế Hanh khi miêu tả tâm trạng của đoàn thuyền đánh cá ra khơi một cách hồ hởi, hăng hái, phấn chấn bằng một hình ảnh phóng đại rất thực mà cũng rất lãng mạn: “Câu hát căng buồm với gió khơi” hoặc “Thuyền ta lái gió với buồm trăng. Lướt giữa mây cao với biển bằng”. Cả hai nhà thơ đều muốn thể hiện lòng tự hào về những người dân chài yêu nghề, yêu biển, yêu quê hương đất nước nghĩa tình.
	Khổ thơ thứ ba là cảnh dân chài đón thuyền đánh cá trở về với bốn câu đầu là một bức tranh lao động náo nhiệt đầy ắp niềm vui. Chỉ bằng một vài nét phát họa cảnh sinh hoạt của người dân đầm ấm rộn ràng niềm vui hiện ra với không khí “ồn ào”, “tấp nập” đông vui vì kết quả thu được mỹ mãn “cá tươi ngon, thân bạc trắng”. Câu thơ tác giả để trong ngoặc kép “Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe” là một lời cảm tạ chân thành trời đất đã có lòng phù hộ dân chài. Câu thơ giống như một lời cầu nguyện an lành cho người đi xa vì biết đâu giông bão có thể ập đến bất ngờ. Nếu ta hình dung mỗi lần đi biển là một lần sự sống cận kề với cái chết và những người mẹ người con của những người trai tráng kia bao giờ ở nhà cũng với tâm trạng đầy lo lắng, âm thầm khấn nguyện cho chồng con của họ trên biển cả vừa gặp may đánh được nhiều cá, vừa trở về an toàn thì mới thấy niềm vui sướng được đón đoàn thuyền “cá đầy ghe” trở về to lớn đến mức nào. Phải là con em làng chài mới cảm nhận và thấy hết được niềm vui bình dị trong lao động của những người đi biển. Điều đó cũng cho ta thấy tác giả đã gắn bó với quê hương sâu sắc biết bao.
	Cảnh con thuyền về bến đem lại nhiều cảm nghĩ, nhất là bốn câu thơ tiếp theo miêu tả người dân chài và con thuyền nằm nghỉ trên bến sau chuyến ra khơi rất đặc sắc:
	“Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
	Cả thân mình nồng thở vị xa xăm.”
	Hình ảnh dân chài lưới làn da ngăm rám nắng là một hình ảnh rất thực và điển hình. Họ là tiểu biểu cho bao người dân chài Việt Nam khác. Cuộc sống lênh đênh trên biển với sóng nước, nắng gió đại dương khiến toàn thân họ như nóng hổi vị mặn mà của biển:“Cả thân hình nồng thở vị xa xăm”. Đây là câu thơ thể hiện sự sáng tạo độc đáo rất thú vị. Thể hiện người lao động làng chài những đứa con như thể của biển khơi như thế thật là hay. Đó là những tinh thể được tách ra từ biển, mang hương vị mặn mà của biển, mang theo về cả những hương vị của biển xa. Trước biển rộng, những người con được nghệ thuật tạo hình bằng ngôn ngữ dựng lên kỳ vĩ, lớn lao, ngang tầm với trời cao biển rộng. Câu thơ thật lãng mạn khoáng đạt, mang vẻ dẹp giản dị mà cũng thật khỏe khoắn thơ mộng. Hình ảnh người dân chài được miêu tả vừa chân thực, vừa lãng mạn, vừa có tầm vóc phi thường.
	Con thuyền trước đây hăng như con tuấn mã phăng mái chèo mạnh mẽ ra đi bây giờ mỏi mệt nằm im trên bến sau cơn vật lộn với sóng gió trở về cũng là một sự sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Như vậy tác giả không chỉ thấy con thuyền đang nằm im trên bến mà còn thấy được sự mệt mỏi của con thuyền. Chẳng những thế, tác giả còn cảm nhận thấy con thuyền ấy như đang lắng nghe “chất muối” thấm dần trong thớ vỏ của nó. Con thuyền vô tri, vô giác bỗng trở nên có hồn, một tâm hồn rất tinh tế. Nói về con thuyền cũng như nói về con người vì con thuyền đã được nhân hóa trong một trạng thái nghỉ ngơi đặc biệt. Cũng như dân chài, con thuyền cũng là một thành viên của làng biển như tác giả đã hình dung. Không có một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, tài hoa và nhất là nếu không có một tấm lòng gắn bó sâu nặng với con người cùng cuộc sống lao động của người dân chài quê hương thì không thể có những câu thơ xuất thần như vậy được.
	Kết thúc bài thơ tác giả trực tiếp nói về nỗi nhớ làng quê khôn nguôi của mình: 
	“ Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ .
	Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
	Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
	Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá”
 Có thể nói qua việc giới thiệu về làng biển và cuộc sống lao động vất vả, niềm hạnh phúc bình dị của người dân làng biển, tác giả đã thể hiện tình yêu thiết tha đối với quê hương. Thế nhưng khi đọc tới đoạn thơ này ta mới thấu hiểu vì sao tác giả lại ngợi ca quê hương mình với cảm xúc tự hào như thế. Đó chính là sự ngăn cách về không gian. Nhà thơ đã bày tỏ tình yêu quê trong tâm trạng của một người con xa xứ. Để thể hiện lòng mình tác giả đã khẳng định: “Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ”. Cụm từ “luôn tưởng nhớ” thật giản dị, chân thành mà cũng tự nhiên biết bao! Lời thơ được thốt ra từ trái tim của một người con đang thổn thức nỗi niềm nhớ quê. Vì thế tác giả sử dụng điệp ngữ “nhớ” làm cho đoạn thơ thiết tha, bồi hồi, sâu lắng. Từng hình ảnh bình dị của quê hương được tác giả liệt kê sau từ “nhớ” như đưa tác giả trở về với quê hương làng biển thân yêu của mình.
 Nhớ “màu nước xanh”, “cá bạc”, “chiếc buồm vôi” và hình ảnh thấp thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi là nhớ những sự vật hữu hình mà thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá thì nỗi nhớ từ trái tim đã thấm vào câu chữ, màu sắc, vần thơ. Mỗi hình ảnh gắn bó với một nét đặc trưng riêng của quê hương tác giả. “Màu nước xanh” mênh mông của biển cả nghĩa tình “nuôi lớn đời ta tự buổi nào”. Ở đó biển cả giàu có, ân tình mang đến nguồn hải sản to lớn giúp người dân có cuộc sống ấm no và xây dựng quê hương đất nước ngày càng tươi đẹp. Không chỉ có thế, trên nền trời nước mênh mông ấy còn hiện lên hình ảnh “chiếc buồm vôi” là biểu tượng tuyệt đẹp của quê hương, luôn gắn bó với người dân chài trong những chuyến ra khơi đánh cá. Tác giả thật tài tình khi chỉ bằng một vài nét điểm xuyết về hình ảnh đã vẽ nên một bức tranh quê hương thật yên bình, gợi nhắc trong lòng người đi xa một nỗi khát khao, mong nhớ. Trong nỗi niềm nhớ thương ấy dường như chỉ cần nhắm mắt lại thì cảnh vật hiện ra rõ mồn một. Nỗi nhớ chân thành, tha thiết nên lời thơ thật giản dị, tự nhiên, với giọng kể mà như đếm: “màu nước xanh/ cá bạc/ chiếc buồm vôi” theo lối ngắt câu thành ba nhịp như nghẹn ngào một nỗi nhớ thương đau đớn. Trong ngậm ngùi luyến nhớ, hình ảnh quê nhà cứ dồn dập hiện về trong tâm trí người xa xứ làm nên những đợt sóng tình cảm xô đẩy, va đập, cuộn xoáy và trào dâng thành tiếng gọi về tha thiết: “Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!”. Nhất là cái mùi “nồng mặn quá” ấy gợi cảm giác vừa nồng nàn lại mặn mà nồng thắm. Đó là mùi riêng của làng biển được cảm nhận bằng tấm lòng trung hiếu của người con xa quê. Nhà thơ đã cảm nhận được chất thơ trong đời sống lao động hằng ngày của người dân. Đó là một điều đáng quí. Nó nhấn mạnh nỗi nhớ quê một cách cụ thể , thắm thiết , bền bỉ, thể hiện tấm lòng gắn bó với quê hương dù xa cách. Vì vậy hình ảnh quê hương trong bài thơ không hề buồn bã, hiu hắt như nhiều bài thơ cùng đề tài trong phong trào thơ Mới, mà thật tươi tắn, khỏe khoắn, mang hơi thở nồng ấm của lao động, của sự sống như nhận xét của nhà thơ Xuân Diệu: “Nhà thơ Tế Hanh như một dòng suối nhỏ nhưng là nguồn tình cảm trong lành và bền vững”. Điều này cũng đã được nhà thơ thể hiện rất rõ trong bài thơ “Nhớ con sông quê hương” với những vần thơ dạt dào tình cảm:
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng”
	Bài thơ “Quê hương” là một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ dân dã, giản dị đằm thắm của Tế Hanh. Vì thế ngay câu đề từ của bài thơ “Chim bay dọc biển mang tin cá” lấy từ một bài thơ của phụ thân ông, chúng ta đã cảm nhận được tình yêu, nỗi nhớ quê thật đáng trân trọng. Bằng những cảm xúc chân thành, thắm thiết kết hợp giữa biểu cảm và miêu tả với những hình ảnh thơ sáng tạo tác giả đã tạo dựng được những hình ảnh chân thực, vừa mới lạ, vừa khỏe khoắn thể hiện được nội tâm của mình. Thể thơ tám tiếng với giọng thơ đằm thắm ngọt ngào, gợi cảm đã thể hiện được sự cảm nhận tinh tế của tác giả về cuộc sống làng quê. Nhà phê bình Hoài Thanh đã nhận xét: “Tôi thấy Tế Hanh là một người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi được đôi nét thân tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy cả những điều không hình sắc, không âm thanh như “mảnh hồn làng” trên “cánh buồm giương”, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ trên con đường quê nho nhỏ”. Đúng vậy, bài thơ đã vẽ nên một bức tranh tươi sáng, đằm thắm của quê hương. Đọc “Quê hương” của Tế Hanh ta như bồi hồi một câu hát “quê hương nghĩa nặng tình sâu”. Ta cũng hiểu vì sao mà Puskin lại nói rằng: “Có thể tách mỗi người ra khỏi quê hương họ nhưng không thể tách trái tim họ ra khỏi quê hương mình”. Tình cảm của tác giả thật đáng trân trọng và làm thức dậy trong ta những tình cảm đẹp đẽ với quê hương đất nước mình. Chính những vần thơ mang tình quê thiết tha của tác giả làm chúng ta luôn nghĩ về ý nghĩa to lớn của hai tiếng “quê hương” trong lòng mỗi con người và dậy lên một lời nhắc nhở sâu sắc, rằng “thiếu quê hương, ta về đâu”.

Tài liệu đính kèm:

  • docBai du thi TTVH nam hoc 20112012.doc